Mùa lễ tràn đầy thịt mỡ đã qua, đây là lúc thích hợp nếu bạn muốn bắt đầu chế độ ăn chay giảm cân. Thế nhưng bạn đã hiểu đầy đủ về phương pháp ăn này chưa?
Những ích lợi cho sức khỏe từ việc ăn chay có thể kể đến như giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, giảm cân… Tuy nhiên, việc ăn chay cũng bao hàm nhiều giới hạn nghiêm ngặt mà không phải ai cũng có thể tuân thủ, đặc biệt là những người đã quen ăn thịt động vật. Câu hỏi được đặt ra là liệu ăn chay giảm cân có đáng để bạn chấp nhận đánh đổi?
Ăn chay giảm cân hoặc không
Khi chuyển sang chế độ ăn chay, cân nặng của bạn dễ dàng giảm xuống nhanh chóng trong thời gian đầu. Tuy nhiên tình hình này có thể thay đổi nếu bạn nạp vào quá nhiều đồ ăn chay giàu Carbohydrate như gạo trắng, khoai mì và bánh ngọt. Ăn chay giảm cân chỉ thành công nếu bạn cân đối được thực đơn ăn sao cho mỗi bữa vẫn có tương đối đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, không chất nào đột ngột tăng hàm lượng.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý không nên ăn thức ăn chay được chế biến theo kiểu đóng gói công nghiệp. Bởi nếu ăn quá nhiều, bạn không những chẳng giảm mà còn có nguy cơ tăng cân vùn vụt.
Khẩu vị thay đổi
Nếu bạn là người thích ăn đồ ngọt và muốn chấm dứt chuyện này vì biết nó không tốt cho sức khỏe, ăn chay là lựa chọn lý tưởng hàng đầu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự biến đổi khẩu vị khi ăn chay. Theo đó, chỉ cần cố gắng ăn chay trong vòng vài tuần, cảm giác thèm đồ ngọt của bạn sẽ giảm hẳn. Từ đó mà cân nặng cũng được cải thiện. Vì vậy, nếu bạn không thể ăn chay trường, việc cố gắng tập trung ăn chay trong vòng vài tuần cũng sẽ mang lại chút kết quả đáng khích lệ.
Đầy hơi, chướng bụng
Tình trạng này sẽ được cải thiện dần dần, nhưng vào những ngày đầu ăn chay, triệu chứng đầy hơi, chướng bụng sẽ xảy ra. Nguyên nhân là do cơ thể bạn cần thích nghi với lượng chất xơ vừa được nạp vào nhiều hơn thường lệ. Hơn nữa, hệ vi sinh vật trong đường ruột khi đó cũng bắt đầu biến đổi nhanh chóng.
Thay đổi cách nấu ăn
Vào thời gian đầu, chuyện nấu ăn có thể là thách thức lớn với bạn đơn giản vì bạn không biết phải nấu món gì với toàn những rau, củ, quả. Hãy tham khảo cách chế biến những món ăn chay trên các trang chuyên về ẩm thực, có thể bạn sẽ bắt đầu tận hưởng niềm vui khi làm những món ăn mà trước đây bạn hiếm khi quan tâm.
Bạn sẽ bắt đầu tận hưởng niềm vui khi làm những món ăn mà trước đây bạn hiếm khi quan tâm.
Cảm giác cô đơn mỗi khi ăn, uống
Khoảng thời gian đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy rất tủi thân trong bữa cơm gia đình. Khi bạn đang khổ sở ăn dĩa rau dền luộc, người nhà bạn lại quây quần nhâm nhi bánh pizza hải sản cỡ lớn. Thay vì một mình chịu trận, sao bạn không thử mời người nhà nếm phần ăn của mình? Ăn chay giảm cân cũng như mọi phương pháp giảm cân khác, nếu có bạn đồng hành, khả năng duy trì lâu dài sẽ cao hơn.
Nhiều năng lượng hơn
Nhiều dân văn phòng chia sẻ rằng từ khi ăn chay, họ chỉ cần uống một ly cà phê buổi sáng là tỉnh táo cả ngày. Trước đây, con số đó sẽ là hai vì họ phải uống bổ sung thêm một ly vào đầu buổi chiều để chống lại cơn buồn ngủ.
Ăn chay đồng nghĩa với việc bạn sẽ không đụng đến những thức ăn có nhiều đường, hoặc thực phẩm công nghiệp chế biến. Điều đó giúp cải thiện tình trạng sức khỏe nói chung, mang đến cho bạn nhiều năng lượng hơn để làm việc.
Da mịn màng hơn
Nếu bạn đang khổ sở với những vấn đề về da, khi ăn chay, bạn sẽ thấy ngay những thay đổi tích cực đáng kể chỉ trong thời gian ngắn. Da bạn sẽ mịn màng hơn và bạn không còn phải lo những vấn đề về mụn nữa.
Những cơn đói không thể cưỡng lại
Với một số người, bỏ thịt có thể dễ nhưng hoàn toàn bỏ trứng và sữa động vật là điều rất khó khăn bởi có nhiều món ăn nếu không chế biến với hai món này thì độ ngon sẽ giảm hẳn. Hơn nữa, do chỉ ăn các loại thực vật, bạn sẽ dễ cảm thấy đói suốt cả ngày. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bỏ cuộc trong việc ăn chay.
Thiếu vitamin
Ăn chay tốt cho sức khỏe, nhưng đồng thời cũng có khả năng dẫn đến sự thiếu hụt vitamin, đặc biệt là vitamin B12. Ngoài ra, ăn chay giảm cân cũng có thể khiến cơ thể bạn thiếu omega-3 dù axit béo này có trong thành phần của hạt lanh và quả óc chó. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để cân nhắc việc bạn có nên dùng thực phẩm chức năng để bổ sung những chất bị thiếu như vitamin B12, omega-3, sắt, kẽm, canxi…
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.