Linh chi có nhiều tên gọi: Nấm Vạn năm, nấm thần tiên. Tên Việt Nam là Linh chi, LingZhi (tiếng Trung Quốc), Reishi (tiếng Nhật bản). Tên khoa học: Ganoderma lucidum (Leyss ex Fr.) Karst.
Linh chi được dùng chữa bệnh từ hàng ngàn năm và được xếp hạng Thượng dược (vị trí số 1) trên cả Nhân sâm [theo Thần Nông Bản Thảo].
Gần đây, một số nơi bán vài loại nấm mềm (có thể bóp vụn) dạng như các nấm làm thực phẩm khác và ghi tên là nấm Linh chi, chúng ta cần tìm hiểu để tránh sử dụng nhầm lẫn.
Hoạt chất (thành phần) của Linh chi là gì?
Thành phần hoạt chất của Linh chi tuỳ thuộc nguồn gốc, cách nuôi và môi trường trồng nhưng hầu như Linh chi chứa các thành phần sau:
- Giá trị dinh dưỡng: Nấm Linh chi chứa 90% nước, 10% còn lại gồm: 10 – 40% protein, 2 – 8% chất béo, 3 – 28% carbohydrate, 3 – 32% chất xơ, 8 – 10% chất tro, vài vitamin, chất khoáng (Kali, Ca, P, Mg, selenium, Fe, Zn, Cu) [Borchers et al. 1999]. Chất protein trong nấm chứa tất cả các acid amine trọng yếu đặc biệt có 2 acid amin lysine và leucine. (Chang and Buswell 1996; Borchers et al. 1999; Sanodiya et al. 2009).
- Giá trị dược học: Có 3 hoạt chất có tác dụng sinh học chính là Polysaccharides, peptidoglycans, triterpenes [Boh et al. 2007; Zhou et al.2007]. Đặc biệt loại Polysaccharide beta 1,3D glucan, acid ganoderic A, Ganoderiol F. Trong nấm Linh chi nguồn gốc từ Nhật trồng tại Việt Nam (Trung tâm nghiên cứu Linh chi và nấm dược liệu, Quận 12) có chứa acid ganoderic B (đã nghiên cứu thực nghiệm cho kết quả kháng tế bào ung thư).
Linh chi có tác dụng gì?
Linh chi có tác dụng tốt trên các bộ của cơ thể như sau:
- Hệ miễn dịch: Điều biến (kích thích khi hệ miễn dịch hoạt động kém và ức chế khi hệ miễn dịch hoạt động quá mạnh) hệ miễn dịch. Hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan siêu vi (tăng hoạt động tế bào miễn dịch, giúp cơ thể sản xuất interferon; chống dị ứng, chống viêm (do acid ganoderic); chống gốc tự do,…
- Giúp ổn định đường huyết, giảm cholesterol xấu, giảm Triglyceride.
- Chống stress tâm – thể, tăng chất lượng giấc ngủ.
- Điều hoà huyết áp, cải thiện tiêu hoá,…
- Nhờ vào chất polysaccharide beta 1,3D glucan là chất antioxidant có lợi trong điều trị bệnh ung thư.
- Phòng bệnh: Tốt nhất là sau tuổi trưởng thành, có thể dùng nấm ở dạng trà với liều thấp khoảng 5 – 10g / ngày. Khi đã bị bệnh tuổi nào cũng có thể sử dụng được, liều lượng phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và loại bệnh.
Nên sử dụng Linh chi thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất
Các cách sau đây:
- Cho 15 – 30g nấm cắt lát vào 2 lít nước, đun sôi, để nhỏ lửa trong 10 phút. Sau đó vớt nấm ra cắt mỏng, cho vào phần nước cũ, tiếp tục nấu sôi nhẹ trong 10 phút nữa. Có thể cho thêm ít đường hoặc mật ong tốt vào uống lúc còn ấm hoặc nguội, bã Linh chi còn lại có thể nấu lần 2 với lượng nước từ 1 – 1,5 lít để thu hết hoạt chất.
- Cho Linh chi cắt lát vào bình thuỷ, đổ nước sôi vào hãm trong 1 giờ, uống dần trong ngày.
- Xay thành bột: cho 3 – 5g bột Linh chi vào tách, hãm với nước sôi trong 5 phút, sau đó uống cả nước lẫn bột, đây là cách tốt nhất theo các nhà khoa học. Một số hoạt chất có thể không ra hết khi nấu hoặc hãm sôi mà còn lại trong phần xác nấm. Vì phần bột nấm là chất xơ, nếu người bệnh bị viêm loét dạ dày, cần uống sau ăn khoảng 30 phút hoặc hỏi ý kiến của thầy thuốc.
Nên sử dụng Linh chi dạng tươi (không phơi hay sấy khô) không?
Mặc dù nấm Linh chi tươi có công dụng và cách dùng gần giống như nấm khô. Tuy nhiên khi sơ chế, sấy khô với nhiệt độ thích hợp các hoạt chất trong nấm sẽ tăng lên so với nấm dạng tươi. Khi sấy khô nấm gây giảm lượng nước, hàm lượng hoạt chất cao nếu tính trên khối lượng nấm đó chỉ là một lý do. Nhưng quan trọng khi phơi sấy ở nhiệt độ thích hợp sẽ kích hoạt một số chất mà ở dạng nấm tươi không có được.
Nấm khô bảo quản sẽ tốt hơn, hạn chế tối đa sự phát triển của nấm mốc.
Dù là dạng “nấm tươi” nhưng thực chất là đã hoá gỗ nên rắn cứng không dùng ăn như các loại nấm ăn khác.
Chỉ có thể dùng Linh chi tươi hoặc sấy khô ở dạng nấu canh hay soup như sau: nấu Linh chi như dạng canh, hoặc dùng chưng hay hầm với thịt tạo thành món súp có vị đắng của Linh chi kèm các vị khác của thịt, gia vị… rất đặc trưng. Món súp hay canh này rất tốt cho sức khoẻ người vừa trải qua cơn bệnh nặng, người cao tuổi hay đang trong quá trình hoá – xạ để chữa bệnh ung thư.
Tóm lại, các “nấm Linh chi tươi” mềm bóp dễ vỡ là không phải nấm Linh chi thực sự, cần tránh nhầm lẫn. Giống như các loại thực phẩm khác khi bảo quản trong tủ lạnh lâu ngày một số hoạt chất hoặc vitamin,…sẽ bị mất hoặc giảm chất lượng. Do đó, với một loại nấm làm thuốc (nấm dược liệu) như nấm linh chi nếu giữ lạnh để sử dụng lâu dài là không phù hợp. Nấm Linh chi sử dụng ở dạng phơi hay sấy khô là tốt nhất.
Theo: BS Trần Văn Năm