1. Axit uric là gì?
Axit uric là một hợp chất lần đầu tiên được phân lập từ sỏi thận vào năm 1776 bởi nhà hóa học người Thụy Điển Carl Wilhelm Scheele. Nhà hóa học người Ukraina Ivan Horbaczewski lần đầu tiên tổng hợp axit uric bằng cách nấu chảy urê bằng glycine vào năm 1882
Đây là một hợp chất dị vòng được tạo thành trong cơ thể do quá trình thoái giáng các nhân purin. Sau đó chúng được hòa tan trong máu và đưa đến thận và thải ra ngoài qua nước tiểu. Axit uric cao có thể do quá trình tăng cung cấp, tăng tạo hoặc giảm thải trừ axit uric qua thận hoặc hỗn hợp cả hai quá trình này. Khi nồng độ axit uric tăng cao kéo dài trong máu có thể dẫn đến một dạng viêm khớp được biết đến với tên bệnh gout. Các hạt lắng đọng trong và xung quanh các khớp dẫn đến hậu quả viêm, sưng và đau khớp, lắng đọng dưới da tạo nên các hạt tophi, có thể tạo sỏi thận và suy thận.
2. Công dụng của Axit uric
Bình thường trong cơ thể người, các nhân purin sau khi thoái giáng sẽ tạo thành axit uric hoà tan trong máu và đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, vì nguyên nhân nào đó làm cho axit uric tăng cao trong máu và lắng đọng ở da, các khớp và thận gây ra nhiều bệnh lý khác nhau như. Khi nồng độ Axit uric cao kéo dài trong máu có thể dẫn đến một dạng viêm khớp được biết đến với tên là bệnh gout. Tinh thể lắng đọng trong và xung quanh các khớp dẫn đến hậu quả viêm, sưng và đau khớp, lắng đọng dưới da tạo nên các hạt tophi, có thể tạo sỏi thận và suy thận. Vậy vai trò của chỉ số axit uric là gì? Tại sao cần định lượng chỉ số axit uric?
Định lượng axit Uric là xét nghiệm được sử dụng để đo chỉ số Axit Uric trong máu.Vai trò của axit uric máu rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh gout, chỉ số Axit uric luôn luôn được theo dõi để có thể đánh giá nồng độ Axit uric máu trong cơ thể người bệnh và ảnh hưởng của nó đến việc điều trị. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định tăng Axit uric chưa phải là tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh gout, đây chỉ là yếu tố cần được chú ý khi chẩn đoán gout. Vai trò của axit uric máu cũng được thể hiện trong việc được sử dụng để theo dõi nồng độ Axit uric ở người đang trải qua hóa trị hoặc xạ trị cho bệnh ung thư, theo dõi nguy cơ lắng đọng urat tại thận với nguy cơ gây suy thận ..
2.1 Các trường hợp cần định lượng chỉ số Axit uric là gì?
- Chẩn đoán bệnh gout
- Nghi ngờ sỏi thận urat (do Axit uric máu tăng cao gây lắng đọng tại thận);
- Đánh giá tác dụng của thuốc điều trị hạ Axit uric máu
- Kiểm tra nồng độ Axit uric trên bệnh nhân ung thư điều trị liệu pháp hóa học trị liệu hoặc phóng xạ, điều trị ung thư gây chết tế bào và làm tăng Axit uric trong máu.
2.2 Những việc bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi định lượng chỉ số axit uric là gì?
- Không cần phải chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm Axit uric trong máu, có thể ăn uống bình thường trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên cũng có một vài lưu ý trước xét nghiệm:
- Các loại thuốc có thể làm thay đổi chỉ số Axit uric trong máu và giảm kết quả xét nghiệm như: thuốc lợi tiểu, aspirin, vitamin C (ascorbic axit), aspirin liều thấp (75 tới 100 mg hàng ngày), niacin, warfarin, Coumadin, cyclosporine, levodopa, tacrolimus, một số thuốc điều trị leukemia, lymphoma, bệnh lao. Nên nói với bác sỹ về thuốc đang dùng.
- Một số thức ăn giàu đạm làm tăng Axit uric trong máu như nội tạng động vật (gan, não..), thịt đỏ (thịt bò, thịt bê …), hải sản … Đồ uống rượu bia cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa Axit uric trong máu. Do đó, 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm Axit uric , nên hạn chế dùng những thực phẩm, đồ uống trên.
3. Nhu cầu
Axit uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình thoái biến purine. Đây là một axit yếu nên thường bị ion hóa thành muối urat hòa tan trong huyết tương .Đại đa số tồn tại dưới dạng monosodium urate. Muối urat có giới hạn hoà tan khoảng 6,8 mg/dl ở nhiệt độ 37 0C. Các tinh thể urate sẽ bị kết tủa ở nồng độ cao hơn.
Chỉ số axit uric ở mức độ an toàn:
- Nồng độ Axit uric trong máu ở nam là 5,1 ± 1,0 mg/dl (420 μmol/lít) nữ 4,0 ± 1mg/dl (360 μmol/lít)
- Tổng lượng Axit uric trong cơ thể ở nam là khoảng 1200mg, ở nữ là khoảng 600mg
Chỉ số Axit uric được sinh ra để đánh giá nồng độ axit uric trong máu, đây là một yếu tố cần chú ý khi chẩn đoán gout chứ không phải là tiêu chuẩn duy nhất để xác định bệnh gout.
Chỉ số axit uric tốt nhất cho cơ thể là ở mức dưới 6 mg/dl sẽ tránh được nguy cơ mắc bệnh gout. Nồng độ axit uric ở mức 6-7 mg/dl là chỉ số an toàn bình thường.
4. Những vấn đề cần lưu ý
Ngày nay, tăng axit uric cao trong máu đã trở thành một vấn đề thường gặp ở nước ta. Để phòng tránh bị tăng axit uric máu cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Giảm bớt lượng đạm trong khẩu phần ăn, hạn chế ăn những thực phẩm giàu đạm có gốc purin như hải sản, các loại thịt có màu đỏ như thịt trâu, thịt bò, thịt dê, phủ tạng động vật… Cần tránh ăn những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua… vì làm tăng nguy cơ kết tinh urat ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận
- Các chuyên gia khuyến khích sử dụng các loại rau củ nghèo purin, giàu chất xơ như actiso, xà lách, cà rốt, bắp cải, dưa chuột…. vì những thực phẩm giàu chất xơ nói chung làm chậm quá trình hấp thu đạm nên giảm sự hình thành axit uric.
- Hạn chế đồ uống có chứa các chất kích thích có thể gây axit uric cao trong máu: rượu, bia, chè, cà phê. Mỗi ngày, mỗi người nên uống khoảng 2-3 lít nước lọc khi đang uống thuốc trị bệnh. Nếu bệnh nhân không có bệnh về tim mạch, cần khuyến khích bệnh nhân nên uống các loại nước khoáng có độ kiềm cao như nước soda.. nhằm kiềm hóa nước tiểu để tăng đào thải axit uric.
- Khi phát hiện lượng Axit uric cao quá mức bình thường thì , bạn cần phải hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu chất đạm như hải sản, các loại thịt đỏ, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá.
- Kết hợp với chế độ ăn uống giàu rau xanh, hoa quả tươi sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình đào thải Axit uric.
- Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện và điều trị kịp thời những trường hợp có tăng axit uric máu cần dùng thuốc.
Nguồn: Vimec