PH âm đạo là gì và có ý nghĩa thế nào với sức khỏe?

1. PH âm đạo là gì?

PH là một thang đo có giá trị từ 0-14 nhằm để đánh giá tính acid hay base của một chất. Nếu pH nhỏ hơn 7 được coi là có tính acid, pH lớn hơn 7 thì có tính base.

Âm đạo là một ống cơ trơn, nối âm hộ đến cổ tử cung. Âm đạo gồm các lớp niêm mạc, hệ thống các cơ trơn, mạch máu và thần kinh. Niêm mạc âm đạo là các biểu mô, xếp nếp, đàn hồi rất nhạy cảm với nội tiết tố nữ estrogen.

Trong âm đạo có hệ vi sinh vật thường trú rất phong phú gồm cả vi sinh vật có lợi và có hại, sống cân bằng, hòa bình với nhau và không gây bệnh. Trực khuẩn Doderlein (Lactobacilli) chiếm số lượng 50-80%, sinh ra acid lactic khiến môi trường âm đạo có tính acid nhẹ, từ 3,8-4,5. Đây là mức pH âm đạo bình thường và là một chỉ số quan trọng để đánh giá âm đạo có đang khỏe mạnh không.

2. Công dụng của PH âm đạo

Ở pH sinh lý bình thường từ 3,8-4,5 hệ vi khuẩn âm đạo sống cân bằng, hòa bình với nhau và tạo nên một hàng rào bảo vệ, chống được các tác nhân nhiễm khuẩn từ bên trong  hoặc các nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Nếu pH thay đổi sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại thường trú trong âm đạo bình thường bị kiểm soát nay có cơ hội bùng lên phát triển, gây nên các chứng bệnh viêm nhiễm âm đạo như viêm âm đạo do tạp khuẩn, viêm âm đạo do nấm,… Hoặc các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bênh ngoài như trùng roi âm đạo, nấm candida albicans, virus HPV, virus Herpes sinh dục,… gây nên các bệnh phụ khoa nguy hiểm.

Âm đạo ở mức pH bình thường, tinh trùng sẽ có điều kiện thuận lợi để sống khỏe mạnh, di chuyển đến gặp trứng để thụ tinh. Nếu pH âm đạo mất cân bằng, quá cao hoặc quá thấp sẽ tiêu diệt bớt lượng tinh trùng khi vào âm đạo, gây khó khăn trong thụ thai ở nhiều trường hợp

3. Phân loại PH âm đạo

Trực khuẩn Doderlein sử dụng glycogen từ tế bào biểu mô của âm đạo và sinh ra acid lactic làm môi trường âm đạo có tính acid nhẹ. Lượng glycogen này lại phụ thuộc vào nồng độ estrogen của cơ thể, do vậy pH âm đạo sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và nồng độ estrogen.

  • pH âm đạo ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản pH thường thấp hơn hoặc bằng 4,5.
  • Ở phụ nữ trước khi có kinh nguyệt và sau khi mãn kinh, pH âm đạo thường cao hơn 4.5, khoảng 4,8-5,2.
  • pH trong thời kỳ kinh nguyệt thường là 5,4

Có thể sử dụng giấy quỳ để đo pH âm đạo. Ở phụ nữ bình thường mà pH>5.5 có thể đã gặp các vấn đề về viêm nhiễm âm đạo.

4. Những vấn đề cần lưu ý

PH âm đạo có thể trở nên mất cân bằng do một số nguyên nhân sau:

  • Thói quen thụt rửa âm đạo thường xuyên và sai cách: Một số phụ nữ có thói quen thụt rửa âm đạo thường xuyên và dùng các dung dịch thụt rửa như giấm, baking soda,… Các dung dịch này làm thay đổi pH âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây nhiễm trùng âm đạo.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo gây thay đổi pH, do thuốc tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại.
  • Chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ: Do máu có độ pH cao hơn âm đạo, nên vào thời kỳ kinh nguyệt, lượng máu trong âm đạo làm tăng nồng độ pH.

Ngoài ra, sự thay đổi pH còn do một số nguyên nhân khác như: bị đái tháo đường, điều trị tia xạ; bị polyp, khối u trong âm đạo, sử dụng thuốc tránh thai, thay đổi nội tiết tố theo tuổi, đặt dụng tránh thai, màng tránh thai, thuốc diệt tinh trùng,…

Để pH âm đạo đạt mức pH sinh lý, góp phần giảm các nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm, cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Tránh thụt rửa âm đạo: Do môi trường âm đạo bình thường đã có cơ chế tự bảo vệ, chống những viêm nhiễm thông thường. Nên chỉ cần giữ vệ sinh âm đạo bằng rửa bằng dung dịch vệ sinh phù hợp ở bên ngoài, lau khô âm hộ bằng khăn mềm sau khi đi tắm, sau khi đi vệ sinh, mặc quần áo thoáng mát. Thụt rửa âm đạo có thể vô tình gây loại bỏ các vi khuẩn có lợi, gây rối loạn hệ vi khuẩn âm đạo và gây thay đổi pH âm đạo.
  • Khi có các hiện tượng như ra dịch âm đạo bất thường, không được tự ý đặt các thuốc âm đạo mà phải đi khám chuyên khoa để được điều trị đúng cách.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: ngoài giúp tránh mang thai ngoài ý muốn, bao cao su giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua dục và các chất lỏng gây ảnh hưởng đến pH âm đạo. Hạn chế hút thuốc, sử dụng dụng cụ tử cung hoặc các thuốc hormone để tránh thai.
  • Trong giai đoạn kinh nguyệt, nên thay băng vệ sinh thường xuyên, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và giảm nguy cơ tăng pH âm đạo, do máu có pH cao hơn pH âm đạo.
  • Bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm như hoa quả tươi, sữa chua, ngũ cốc nguyên hạt, uống nhiều nước. Không sử dụng quá nhiều trà, cà phê , thức uống có ga, các thức ăn có nhiều dầu mỡ. Có thể sử dụng men vi sinh sau khi sử dụng kháng sinh để hệ vi khuẩn trong cơ thể được nhanh chóng phục hồi.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *