Siêu âm trong lòng mạch vành (IVUS)

1. Tổng quan về Siêu âm trong lòng mạch vành (IVUS)

  • Tên khoa học: Siêu âm trong lòng mạch (IVUS – IntraVascular UltraSound – IVUS)
  • Tên thường gọi (nếu có): Siêu âm trong lòng động mạch vành
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Siêu âm trong lòng động mạch vành (IntraVascular UltraSound – IVUS) là một trong những tiến bộ của tim mạch can thiệp, dùng đầu dò siêu âm gắn ở đầu ống thông đưa vào trong lòng động mạch vành để khảo sát chính xác mức độ tổn thương động mạch vành, hình ảnh và bản chất mảng xơ vữa, đo đạc được chính xác diện tích lòng mạch hẹp, diện tích và thể tích mảng xơ vữa…  

IVUS là một biện pháp chẩn đoán bổ sung cho chụp động mạch vành, giúp bác sĩ can thiệp có quyết định điều trị chính xác hơn.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định – Siêu âm trong lòng mạch vành

Chỉ định:

  • Khảo sát chính xác và chi tiết các tổn thương động mạch vành giúp đưa ra chỉ định can thiệp đúng trong các trường hợp mà chỉ hình ảnh chụp động mạch vành khó đưa ra quyết định như:
    • Tổn thương thân chung động mạch vành trái
    • Tổn thương hẹp mức độ vừa trên chụp mạch (hẹp từ 40% – 70% đường kính lòng động mạch vành)
    • Tổn thương chỗ phân nhánh; tổn thương dài lan toả.
    • Khảo sát tình hình tái hẹp sau khi đã đặt stent trước đây.
    • Khi hình ảnh tổn thương trên chụp động mạch vành khó đánh giá, mờ nhạt.
  • Tổn thương tắc mạn tính động mạch vành: giúp tìm hiểu lòng thật để đưa dây dẫn qua.
  • Đánh giá kết quả can thiệp/đặt Stent động mạch vành đã tối ưu chưa.
  • Đánh giá tổn thương, mảng xơ vữa và một số dị thường đặc biệt khác của động mạch vành.

Chống chỉ định:

  • Không có chống chỉ định tuyệt đối.
  • Thận trọng khi tiến hành trong các trường hợp bệnh nhân : hẹp quá nặng, vôi hóa nhiều, mạch gập góc, nhiều huyết khối, đoạn mạch xa quá nhỏ.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

Chụp mạch vành chỉ đánh giá tổn thương mạch máu gián tiếp, có thể bỏ sót tổn thương. Với IVUS, kỹ thuật được thực hiện thông qua việc đưa đầu dò siêu âm với kích dưới 1mm vào trong lòng mạch vành, qua đó ghi nhận được hình ảnh trực tiếp của mạch máu nên có thể đánh giá chính xác mức độ hẹp, kích thước mảng xơ vữa, đường kính mạch máu, chiều dài của đoạn hẹp cũng như đánh giá chính xác sang thương mà phương pháp chụp mạch khó chẩn đoán như: sang thương thân chung, sang thương chia đôi. Qua đó, giúp bác sĩ làm thủ thuật lựa chọn được phương pháp điều trị nội khoa hoặc can thiệp đặt stent một cách chính xác. Mặt khác, IVUS giúp cho bác sĩ thủ thuật tối ưu được kết quả can thiệp mạch vành.

4. Quy trình thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị

  • Bệnh nhân được dùng các thuốc đầy đủ theo quy định (điều trị can thiệp động mạch vành) trước khi làm thủ thuật (chống ngưng tập tiểu cầu, statin, hạ huyết áp…).
  • Tiêm tĩnh mạch ngay khi bắt đầu thủ thuật.

Bước 2: Tiến hành thực hiện kỹ thuật

  • Sát trùng da rộng rãi khu vực tạo đường vào mạch máu
  • Mở đường vào động mạch
  • Sau khi tiến hành chụp động mạch vành xác định vị trí hẹp, luồn dây dẫn lái qua chỗ hẹp và đưa đến đoạn xa động mạch vành.
  • Kết nối đầu dò siêu âm với máy IVUS, đuổi khí, test đầu dò siêu âm xem có hoạt động bình thường hay không
  • Đưa đầu dò siêu âm vào trong lòng mạch
  • Lựa chọn chế độ kéo ngược đầu dò từ phía xa qua chỗ tổn thương về phía đầu gần tùy thuộc tổn thương
  • Đánh giá tổn thương động mạch vành
  • Đo đạc các thông số cần thiết
  • Rút đầu dò siêu âm ra khỏi lòng mạch vành.
  • Làm giãn động mạch vành.
  • Chụp lại động mạch vành, hoàn tất quy trình.

Bước 3: Theo dõi tình trạng bệnh

Bệnh nhân được theo dõi tình trạng đau ngực trên lâm sàng và các thông số mạch, huyết áp, điện tim trong quá trình thực hiện đo IVUS để phát hiện sớm các biến chứng và xử trí.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *