1. Vị trí của Túi mật
Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê, màu xanh, túi mật nằm ở mặt dưới của thùy gan phải để lưu trữ và cô đặc mật. Mật do gan bài tiết được lưu trữ trong túi mật rồi được bài xuất xuống ruột để tiêu hoá chất béo.
2. Cấu tạo của Túi mật
Túi mật dài khoảng từ 6 – 8 cm và rộng nhất là 3 cm khi căng đầy. Túi mật là một bộ phận của đường dẫn mật ngoài gan, gồm có 3 phần: đáy, thân, cổ. Ống dẫn mật từ túi mật tới ống mật chủ có chiều dài 3 – 4 cm, đoạn đầu có chiều rộng 4 – 5mm, đoạn cuối hẹp 2,5mm. Trong lòng ở phần trên của ống túi mật có những van gọi là van Heister làm cho ống túi mật không bị gấp lại và làm cho mật lưu thông dễ dàng.
3. Chức năng của Túi mật
Trong cơ thể bộ phận gan hoạt động sản xuất mật liên tục, mật là một chất sền sệt màu vàng hơi xanh lục, có vị đắng.
Mật góp phần quan trọng vào quá trình tiêu hoá thức ăn. Muối mật là muối Kali hoặc Natri của các acid mật liên hợp có nguồn gốc từ cholesterol với glycin hoặc taurin. Muối mật có vai trò phân huỷ các chất béo, thúc đẩy cho hoạt động của các men Lipase (Phân huỷ Lipid). Các hợp chất này còn giúp cho các chất béo đã được tiêu hoá có thể đi qua được thành ruột.
Cũng tương tự như vậy, muối mật có tác dụng vận chuyển các Vitamin tan trong dầu như các vitamin A, D, E và K. Muối mật không tự mất tiêu đi mà được tái hấp thu sau khi sử dụng. Khoảng 80-90% muối mật sẽ theo máu chuyển lại về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật. Trong một ngày cứ 12 tiếng gan tiết ra một lượng dịch mật khoảng 450ml, tuy nhiên thể tích tối đa của túi mật chỉ ở mức 30-60ml (95% là nước).
Ngoài muối khoáng, muối mật, trong dịch mật còn có cholesterol và sắc tố mật. Khi trong cơ thể không có thức ăn và không diễn ra sự tiêu hóa, dịch mật sẽ quay ngược trở về túi mật qua ống túi mật. Khi được lưu trữ trong túi mật, mật sẽ bị mất bớt nước và trở nên cô đặc hơn. Khi các Lipid đi vào tá tràng, túi mật bị kích thích, co bóp và tống mật xuống tá tràng.
4. Các bệnh thường gặp
- Sỏi mật
- Polyp túi mật
- Viêm túi mật
5. Những vấn đề cần lưu ý
Sỏi túi mật là bệnh diễn tiến âm thầm với những dấu hiệu không điển hình nên người bệnh ít quan tâm và chỉ phát hiện qua siêu âm. Do đó, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng và để phòng ngừa sỏi túi mật chúng ta cần phải thay đổi lối sống nhằm giảm nguy cơ hình thành sỏi mật cũng như làm chậm quá trình phát triển và ngăn ngừa nguy cơ tái phát sỏi như sau:
- Ăn đủ bữa: do thói quen bỏ qua bữa sáng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật. Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng ăn đầy đủ và đúng bữa, nhất là bữa sáng đừng để cơ thể bị bỏ đói.
- Dinh dưỡng hợp lý: nên có chế độ ăn hợp lý, cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol.
- Không nên nôn nóng trong việc giảm cân phải thực hiện giảm từ từ vì sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Tốt nhất là nên giảm khoảng 0,5 – 1kg mỗi tuần.
- Thường xuyên vận động thể lực, hạn chế ngồi nhiều với những bài tập đơn giản nhẹ nhàng trong khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày.
Polyp túi mật là một phát hiện không quá hiếm gặp trong dân số chung, chỉ một số ít tiến triển thành ung thư. Chính vì vậy, hầu hết các trường hợp không phải điều trị gì nhưng nên theo dõi định kỳ và chỉ cần can thiệp ngoại khoa khi có triệu chứng hay nghi ngờ ác tính, vì ung thư túi mật có tiên lượng rất xấu.
Nguồn: Vinmec