1. Cấu tạo của Virus rota
Hình thái: virus dạng hình khối cầu 20 mặt, đường kính trung bình 65-70 nm. Acid nucleic là ARN hai sợi, nằm ở trung tâm hạt vi rút, đường kính 38 nm và được bao bọc bởi hai sợi capsid.
Capsid gồm 3 lớp: lớp ngoài, lớp trong và lớp lõi. 60 cái gai dài 120 A0 trên bề mặt nhẵn nhụi của lớp ngoài. Các capsome của lớp ngoài tạo nên hình vòng. Do vậy, các vi rút này mới có tên Rota (Rota = bánh xe).
Đặc điểm của virus rota
Virus rota là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và là một trong số các loại vi rút gây nhiễm trùng thường được gọi là cúm dạ dày, mặc dù không có liên quan đến cúm. Nó là một chi của vi rút RNA kép trong họ Reoviridae. Đến tuổi lên năm, gần như mọi trẻ em trên thế giới đã bị nhiễm vi rút rota ít nhất một lần. Tuy nhiên, với mỗi lần nhiễm, hệ miễn dịch lại phát triển, và các lần nhiễm tiếp theo ít nghiêm trọng hơn; người lớn ít khi bị ảnh hưởng. Có năm loại vi rút này, được gọi là A, B, C, D và E. Rota loại A là loài phổ biến nhất, gây ra hơn 90% số ca nhiễm vi rút rota ở người.
Vi rút này được truyền bởi đường phân-miệng. Nó lây nhiễm và phá hủy tế bào ở thành ruột non và gây ra viêm dạ dày ruột. Mặc dù vi rút rota đã được phát hiện vào năm 1973 và gây ra tới 50% số ca nhập viện do tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh và trẻ em, tầm quan trọng của nó vẫn không được biết đến rộng rãi trong sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Ngoài tác hại của nó đối với sức khỏe con người, vi rút rota còn lây nhiễm trong động vật, và là một mầm bệnh của vật nuôi.
Bệnh tiêu chảy do vi rút rota gây ra thường được kiểm soát dễ dàng, tuy nhiên trên toàn thế giới, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 trẻ em dưới năm tuổi chết vì nhiễm vi rút rota và có thêm gần hai triệu người mang bệnh nặng. Tại Hoa Kỳ, trước khi bắt đầu chương trình tiêm chủng vi rút rota, vi rút này gây ra mỗi năm khoảng 2,7 triệu trường hợp viêm dạ dày ruột nặng ở trẻ em, gần 60.000 ca nhập viện, và khoảng 37 ca tử vong. Các chiến dịch sức khỏe công cộng để chống vi rút rota tập trung vào việc cung cấp bù nước điện giải cho trẻ em bị nhiễm và tiêm chủng để ngăn ngừa bệnh.
2. Virus rota là gì?
Năm 1943, Jacob Light và Horace Hodes đã chứng minh rằng các tác nhân được lọc ra từ phân của trẻ em bị nhiễm tiêu chảy cũng có khả năng gây ra tiêu chảy ở gia súc. Ba thập kỷ sau, những mẫu bảo quản của tác nhân này đã được chỉ ra là vi rút rota. Trong những năm tiếp theo, một loại vi rút trong chuột được phát hiện ra là có liên hệ với loại vi rút gây tiêu chảy ở gia súc. Năm 1973, Ruth Bishop miêu tả các vi rút liên quan được tìm thấy ở trẻ em bị viêm dạ dày ruột.
Năm 1974, Thomas Henry Flewett đề xuất tên gọi rotavirus (vi rút rota) sau khi ông quan sát chúng qua kính hiển vi điện tử thấy những vi rút này trông giống như cái bánh xe (rota trong tiếng Latin); và bốn năm sau tên gọi này đã được Ủy ban quốc tế về phân loại vi rút chấp nhận chính thức. Năm 1976, những vi rút liên quan đã được miêu tả trong một vài loài động vật. Những vi rút này, tất cả đều gây ra bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính, đã được xếp loại vào bộ tác nhân gây bệnh ảnh hưởng đến con người và động vật trên toàn cầu. Huyết thanh của vi rút rota đã được miêu tả lần đầu vào năm 1980, và trong các năm sau, vi rút rota từ người lần đầu tiên được nuôi trong các tế bào nuôi cấy lấy từ thận khỉ, bằng cách thêm trypsin (một loại enzyme được tìm thấy trong tá tràng của động vật có vú và hiện nay được biết đến là rất cần thiết cho sự nhân rộng của vi rút rota) vào môi trường nuôi cấy. Khả năng nhân rộng của vi rút rota trong môi trường nuôi cấy đã thúc đẩy tốc độ nghiên cứu, và vào giữa thập niên 1980 loại vắc-xin đầu tiên đã được triển khai.
Các vấn đề thường gặp
- Tiêu chảy rota
4. Những vấn đề cần lưu ý
4.1 Virus Rota: nguy hiểm vì khả năng tồn tại dai dẳng
Giống như bệnh cúm, tiêu chảy cấp do virus Rota đúng là bệnh có khả năng lây lan dữ dội, với đường truyền phổ biến là phân – miệng. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Các nhà khoa học thấy rằng mỗi 1ml phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota có thể chứa hơn 10.000 tỷ virus Rota trong khi chỉ cần chưa đến 10 virus này là đủ để lây bệnh cho con người. Virus gây bệnh này có thể sống nhiều giờ trên bàn tay, vài ngày trên các bề mặt rắn và tồn tại đến 21 ngày trong phân. Điều đáng lo ngại là virus Rota gần như không thể bị tiêu diệt bởi các biện pháp vệ sinh thông thường như xà phòng mà chỉ bị tiệt trừ bởi các dung dịch diệt khuẩn có chứa cồn.
4.2 Thời điểm dễ mắc bệnh tiêu chảy do Rota Virus
- Trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
- 95% trẻ em bị nhiễm virus Rota ít nhất 1 lần trước 5 tuổi.
- Thời điểm giao mùa lạnh, đặc biệt là mùa đông và mùa xuân (từ tháng 10 đến hết tháng 4. Tuy nhiên những năm gần đây bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9.
- Sau đợt lụt lội: môi trường ô nhiễm là điều kiện lý tưởng để virus Rota gây bệnh
4.3 Những hậu quả từ tiêu chảy cấp do virus Rota
- Tiêu chảy cấp do virus Rota là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trẻ có thể mắc bệnh rất sớm, 6 – 24 tháng tuổi, thậm chí từ 3 tháng tuổi. Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt và nôn ói, sau đó là tiêu chảy với đặc điểm phân lỏng, rất nhiều nước, có thể lẫn đờm, nhớt nhưng không có máu. Số lần đi tiêu sẽ tăng mạnh trong vài ngày sau đó giảm dần, trẻ có thể tự khỏi sau 4 – 8 ngày. Trong giai đoạn bệnh, trẻ có thể chán ăn uống và bị mất nước do một lượng lớn nước đào thải ra ngoài khi nôn ói, đi tiêu..
- Nghe tưởng như đơn giản, thế nhưng khi trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường như làm trẻ kiệt sức, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
- Tại những nước đang phát triển người ta ước tính hàng năm virus Rota thường gây bệnh cho hàng triệu trẻ em, trong đó khiến hai triệu trẻ phải nhập viện để điều trị.
Virus Rota lây nhiễm rất mạnh, trẻ có thể nhiễm ở giai đoạn rất nhỏ và bệnh có thể để lại hậu quả nặng nề. Chính vì thế, điều quan trọng của các bậc cha mẹ là cần phải bảo vệ cho trẻ càng sớm càng tốt trước khi trẻ có nguy cơ bị virus Rota tấn công.
Nguồn: Vinmec