Vitamin B2 có tác dụng gì với cơ thể?

1. Vitamin B2 là gì?

Vitamin B2 còn được gọi là Riboflavin, một vitamin nhóm B tan trong nước. Cơ chế tác dụng vitamin B2 được biến đổi thành 2 co-enzym hoạt động cần cho sự hô hấp của mô là FMN (flavin mononucleotid) và FAD (flavin adenin dinucleotid). Vitamin B2 hiện diện trong hầu hết các tế bào của cơ thể. Ở trạng thái tự nhiên, vitamin B2 là những tinh thể màu vàng, không mùi, có vị đắng, hòa tan trong nước, tương đối chịu nhiệt nhưng dễ bị ánh sáng phân hủy.

Vitamin B2 có ở đâu?

Riboflavin có nhiều trong các sản phẩm từ tự nhiên: men bánh mì 6mg%, men bia 4 mg%, các loại đậu như đậu nành 0.3 mg%, gan 0,2 mg%, thịt khoảng 0,2 mg%, trứng khoảng 0,3 mg%, các loại rau cải, rau nhiều lá, cà chua, sữa… Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã dùng nhiều phương pháp khác nhau để tổng hợp riboflavin nhân tạo như chiết rút từ nguyên liệu của động vật và thực vật, tổng hợp hóa học, tổng hợp sinh học, tổng hợp hóa sinh học.

2. Công dụng của Vitamin B2

Tác dụng của Vitamin B2 đối với con người:

  • Xúc tác cho quá trình chuyển vị hydro trong quá trình hô hấp của mô
  • Rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể.
  • Giúp hấp thụ vitamin và khoáng chất khác vào cơ thể như B3, B6, acid folic, rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu do thiếu sắt.
  • Rất cần thiết cho da, móng tay, tóc, môi, lưỡi và thị giác.
  • Giúp hình thành các tế bào hồng cầu và kháng thể, giúp giải phóng năng lượng từ
  • Có tác dụng như một chất chống oxy hóa để loại bỏ các gốc tự do từ các tế bào

Ngoài ra còn có những tác dụng như:

  • Được sử dụng trong nhiều trường hợp lâm sàng và điều trị
  • Riboflavin liều cao sẽ rất hữu ích trong việc chống lại chứng đau nửa đầu.
  • Riboflavin cũng được sử dụng như thuốc giảm đau cơ.
  • Điều trị bằng riboflavin và tia cực tím ánh sáng làm bất hoạt các mầm bệnh trong hồng cầu, huyết tương

3. Nhu cầu

Vitamin B2 (riboflavin) thường được dùng cho một số trường hợp như sau:

  • Nghiện rượu;
  • Bỏng;
  • Ung thư;
  • Tiêu chảy liên tục;
  • Sốt kéo dài;
  • Ốm nhiều ngày;
  • Nhiễm trùng;
  • Bệnh đường ruột;
  • Bệnh gan;
  • Cường giáp;
  • Bị thương nặng;
  • Căng thẳng kéo dài;
  • Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày;
  • Trẻ sơ sinh bị tăng bilirubin máu;
  • Điều trị mụn, một số loại thiếu máu (máu yếu), đau nửa đầu, chuột rút

Lượng vitamin B2 nên dùng mỗi ngày khác nhau tùy theo giới tính và độ tuổi.

Đối với trẻ em

  • 0-6 tháng: 300 micrograms (mcg) /ngày
  • 6-12 tháng: 400 mcg/ngày
  • 1-3 tuổi: 500 mcg/ngày
  • 4-8 tuổi: 600 mcg/ngày

Nam giới

  • 9-13 tuổi: 900 mcg/ngày
  • 14 tuổi trở lên: 1.3 milligrams (mg) /ngày

Nữ giới

  • 9-13 tuổi: 900 mcg /ngày
  • 14-18 tuổi: 1.0 mg /ngày
  • Từ 19 tuổi trở lên: 1.1 mg /ngày
  • Với phụ nữ mang thai (từ 19 tuổi trở lên): 1.4 mg /ngày
  • Đối với phụ nữ thời kỳ tiết sữa (từ 19 tuổi trở lên):  1.6 mg /ngày

4. Những vấn đề cần lưu ý

Khi cơ thể thiếu vitamin B2 sẽ gây ra những tổn thương đến da, niêm mạc và cơ quan thị giác.

  • Đối với mắt: Xuất hiện triệu chứng ngứa, rát bỏng, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, viêm bờ mi hoặc loét mi, viêm kết mạc kết tụ quanh rìa, đục nhân mắt. Ngoài ra, đáy mắt đôi khi có phù gai thị, chảy máu võng mạc,…
  • Toàn thân: Người bị thiếu vitamin B2 sẽ cảm thấy mệt mỏi, giảm khả năng làm việc, vết thương lâu lành, thiếu máu, rối loạn chức năng ruột, ăn không tiêu, viêm ruột kết mạn tính, suy gan, viêm gan cấp, phát ban, ngứa toàn thân, viêm lưỡi, phù ở niêm mạc môi hoặc teo niêm mạc môi,…Trẻ em thiếu vitamin B2 sẽ chậm lớn.

Nguyên nhân gây thiếu vitamin B2?

  • Chế độ ăn uống không đủ.
  • Cơ thể kém hấp thu.
  • Thiếu các vitamin nhóm B khác.
  • Sử dụng một số thuốc gây thiếu hụt vitamin B2 như: clorpromazin, imipramin…
  • Khi cơ thể nhiễm khuẩn, sốt, tiêu chảy, bỏng, chấn thương nặng, cắt bỏ dạ dày, stress, bệnh gan, ung thư.
  • Trẻ em có lượng bilirubin trong máu cao.
  • Những người nghiện rượu làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B2 xuống còn một nửa

Cách bổ sung trong khẩu phần ăn dành cho người thiếu vitamin B2:

  • Bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ đối với những trường hợp bắt buộc.
  • Hàng ngày ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ là cách đơn giản và hiệu quả nhất.
  • Nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B2 như rau xanh lá, các loại đậu, gan, thận, trứng, cá…

Như các loại thuốc khác, vitamin B2 (riboflavin) có thể gây ra một số tác dụng phụ. Phần lớn những tác dụng phụ này hiếm gặp và không cần phải chữa trị. Tuy nhiên, cần báo cho bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau đây:

  • Phản ứng dị ứng;
  • Nổi mẩn;
  • Khó thở;
  • Phù mặt, môi, lưỡi hoặc họng.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *