Vitamin B6 có vai trò là gì với cơ thể?

1. Vitamin B6 là gì?

Vitamin B6 được phát hiện vào năm 1930, là một Vitamin nhóm B, tan trong nước. Vitamin B6 tồn tại dưới 3 dạng là Pyridoxal, Pyridoxin và Pyridoxamin, khi vào cơ thể, các dạng này sẽ chuyển hóa thành dạng hoạt động là Pyridoxal phosphat và Pyridoxamin phosphat hoạt động như những coenzym.

2. Công dụng của Vitamin B6

  • Tham gia vào các chu trình chuyển hóa glucid, lipid và protein; tổng hợp những chất dẫn truyền thần kinh (như gamma-aminobutyric acid, serotonin, dopamin, taurin, norepiphrin, histamin,… ), tổng hợp vitamin B3 thành tryptophan.
  • Tham gia tổng hợp acid gammaaminobutyric trong hệ thần kinh trung ương, tham gia tổng hợp hemoglobin và sự bài tiết của tuyến thượng thận.
  • Cần thiết cho phản ứng lên men tạo glucose từ glycogen, góp phần ổn định đường huyết trong máu.
  • Giúp bảo vệ tim mạch, duy trì sự ổn định của chức năng não, chống stress và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Giảm lượng cholesterol trong máu ở người bị xơ vữa động mạch, giảm sự hình thành tinh thể oxalat trong máu đồng thời đẩy oxalat thừa ra đường tiểu, giúp chống tạo sỏi thận.
  • Giúp tăng hoạt tính của vitamin C.
  • Trong một nghiên cứu khoa học quy mô lớn, từ năm 1992-2000 trên 591.000 người ở các nước Châu Âu, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Lyon (Pháp) đã chứng minh, Vitamin B6 và methionin có tác dụng tốt trong giảm thiểu bệnh ung thư phổi, ở cả người nghiện thuốc và người không hút thuốc lá

3. Nhu cầu

3.1 Vitamin B6 có ở đâu?

Trong tự nhiên, Vitamin B6 có nhiều trong các loại thực phẩm như:

  • Thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, cá, trứng, pho mát,…
  • Ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, mầm đậu nành, đậu phộng, rau bina, cà rốt, súp lơ, bắp cải,dưa hấu, chuối,…
  • Vitamin B6 cũng được một số vi khuẩn đường ruột tổng hợp, cung cấp một phần cho cơ thể.

3.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin B6

Theo Dược thư Quốc gia, nhu cầu Vitamin B6 hàng ngày ở người khỏe mạnh là:

  • Trẻ < 6 tháng tuổi: 0,1mg ( 0,01 mg/kg)/ ngày
  • Trẻ 6-12 tháng tuổi: 0,3mg (0,03mg/kg)/ ngày
  • Trẻ từ 1-3 tuổi, 4- tuổi, 9-13 tuổi: theo thứ tự là 0,5mg; 0,6mg; 1mg/ngày
  • 14-19 tuổi: Nam là 1,3mg/ ngày, nữ là 1,2 mg/ ngày
  • 20-50 tuổi: 1,3mg/ ngày ở cả nam và nữ.
  • > 50 tuổi: nam là 1,7mg/ ngày, nữ là 1,5mg/ ngày
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú là 2,1-2,2mg/ ngày

Nếu chế độ ăn hàng ngày có sự kết hợp đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu Vitamin B6, thực phẩm được bảo quản tốt (Vitamin B6 và các Vitamin khác sẽ bị mất đi nếu bị bảo quản lâu, hầm nhừ, đông lạnh,…) thì lượng Vitamin B6 cung cấp qua thức ăn đã đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.

Các dạng thuốc Vitamin B6 có trên thị trường gồm:

  • Viên nén với các hàm lượng 10mg, 25mg, 50mg, 100mg, 250mg, 500mg.
  • Viên nén tác dụng kéo dài với các hàm lượng 100mg, 200mg, 500mg.
  • Viên nang tác dụng kéo dài: 150mg
  • Hỗn dịch uống hàm lượng 200mg/5ml
  • Thuốc tiêm: 100mg/ml

4. Những vấn đề cần lưu ý

4.1 Thiếu hụt Vitamin B6

Tình trạng thiếu hụt Vitamin B6 thường ít xảy ra, nếu có xảy ra thì thường gặp trong các trường hợp:

  • Rối loạn hấp thu, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hoặc rối loạn do thuốc gây nên.
  • Nghiện rượu, bỏng, suy tim sung huyết, sốt kéo dài, lọc máu, cắt bỏ, dạ dày, nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Người điều trị lao bằng thuốc Isoniazid, phụ nữ uống thuốc tránh thai.

Khi thiếu hụt Vitamin B6 có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như: thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi, khô nứt môi, viêm da tăng bã nhờn. Ở một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh bị hội chứng lệ thuộc Pyridoxin di truyền, cần phải dùng một lượng lớn Vitamin B6 trong tuần đầu sau sinh để ngăn chặn cơn co giật.

Khi có các triệu chứng thiếu hụt Vitamin B6 như trên, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, và cho chỉ định Vitamin B6 với liều thích hợp.

4.2 Thừa Vitamin B6

Vitamin B6 thường không độc, sử dụng với liều 10mg/ ngày được cho là an toàn.  Nhưng nếu dùng với liều 200mg/ngày hoặc hơn trong thời gian dài, có thể gây ra các bệnh như:

  • Đau đầu, co giật sau khi tiêm tĩnh mạch liều cao, buồn ngủ lơ mơ.
  • Nhiễm acid, lượng acid folic trong cơ thể giảm
  • Gây cảm giác buồn nôn, và nôn.
  • Men gan tăng.
  • Viêm dây thần kinh ngoại vi nặng với các triệu chứng là: đứng không vững, tê cóng bàn chân, vụng về bàn tay.

Khi gặp các triệu chứng trên cần thông báo với bác sĩ điều trị để xem xét ngừng thuốc và theo dõi, điều trị triệu chứng.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *