1. Vitamin E là gì?
Vitamin E là chất lỏng màu vàng nhạt, tan trong cồn và trong dầu, không tan trong nước. Vitamin E chịu được nhiệt độ khá cao, không bị phá hủy khi nấu nướng, nhưng bị phân hủy nhanh chóng bởi tia tử ngoại.
Vitamin E có hai nhóm chính là Tocopherol và Tocotrienol, trong đó nhóm Tocopherol có vai trò quan trọng hơn. Alphatocopherol là chất có hoạt tính mạnh nhất trong các loại Vitamin E và cũng là loại được phân bổ rộng rãi nhất trong các thực phẩm tự nhiên.
Cơ thể hấp thu được cả Vitamin E có trong thực phẩm tự nhiên và Vitamin E tổng hợp nhưng Vitamin E tự nhiên có hoạt tính sinh học mạnh và có nhiều tác dụng tốt hơn.
Vitamin E thiên nhiên có nhiều trong các dầu thực vật như dầu mầm lúa mì, dầu hướng dương, dầu hạt bông, dầu hướng dương, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt có vỏ trứng, quả ô live, các loại rau có lá màu xanh đậm,trứng,…
Vitamin E tổng hợp có nhiều dạng chế phẩm trên thị trường như:
- Viên nén hoặc viên bao đường có các hàm lượng 10mg, 50mg, 100mg, 200mg
- Viên nang hàm lượng 200mg, 400mg, 600mg
- Ống tiêm dung dịch dầu: 30mg/ml, 50mg/ml, 50mg/ml, 100mg/ml, 300mg/ml; dùng tiêm bắp.
2. Công dụng của Vitamin E
Công dụng của Vitamin E. Vitamin E có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể:
- Ngăn cản oxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào, ngăn cản sự tạo thành các sản phẩm oxy hóa độc hại đối với cơ thể.
- Giúp tăng hấp thu Vitamin A, bảo vệ vitamin A khỏi bị thoái hóa. Vitamin E cũng bảo vệ chống lại tác dụng của chứng thừa vitamin A.
- Tham gia tạo quá trình tạo máu. Đặc tính chống oxy hóa của Vitamin E giúp quá trình sản xuất ra hồng cầu diễn ra trôi chảy.
- Giúp cơ thể hấp thu Vitamin K
- Ngăn ngừa xơ vữa động mạch do làm giảm sự oxy hóa các protein, ngăn các protein này tham gia làm tắc nghẽn mạch máu.
- Ngăn ngừa nguy cơ tim mạch, như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não do làm giảm cholestetol LDL trong mạch máu.
- Tăng sức đề kháng của cơ thể, làm chậm tiến triển của bệnh sa sút trí tuệ.
- Làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể nhờ khả năng chống oxy hóa.
Vitamin E có nhiều trong các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp do có nhiều tác dụng trong cải thiện, phục hồi làn da. Vitamin E giúp dưỡng ẩm cho da, giúp da hạn chế tác dụng của tia UV, giúp phục hồi tóc hư tổn, dưỡng tóc suôn mượt, chắc khỏe, mau mọc.
3. Nhu cầu
Nhu cầu Vitamin E hàng ngày tùy thuộc vào tuổi, tình trạng cơ thể và lượng chất béo mà cơ thể tiêu thụ.
- Trẻ từ 1-3 tuổi cần từ 5-7mg/ngày
- Trẻ từ 4-9 tuổi cần 7mg/ ngày,
- Trẻ từ 10-12 tuổi cần 11mg
- Trẻ trên 12 tuổi 12-15mg/ ngày
- Trẻ trên 14 tuổi và phụ nữ có thai cần 15mg/ ngày
- Phụ nữ cho con bú cần 19mg vitamin E/ ngày. Nhu cầu Vitamin E ở trẻ còn bú mẹ là 3mg/ ngày, lượng Vitamin E này được cung cấp đủ qua sữa mẹ, không cần bổ sung thêm cho trẻ.
Do Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm thông thường, nên nếu chế độ ăn hợp lý, đa dạng các thực phẩm thì sẽ cung cấp đủ Vitamin E cho nhu cầu cơ thể.
Các dạng chế phẩm, thuốc Vitamin E được chỉ định để điều trị và phòng ngừa các trường hợp có nguy cơ cao thiếu Vitamin E như: những người có chế độ ăn rất thiếu vitamin E, trẻ sơ sinh thiếu tháng nhẹ cân, trẻ em bị xơ nang tuyến tụy hặc kém hấp thu mỡ do teo đường dẫn mật hoặc thiếu betalipoprotein huyết. Vitamin E còn có các chỉ định khác như sẩy thai tái diễn, vô sinh, nhiễm độc thai nghén, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành,… Tuy nhiên các chỉ định này chưa có bằng chứng nghiên cứu lâm sàng vững chắc.
Liều dùng:
Trong điều trị thiếu Vitamin E:
- Trẻ em: 1 UI/ ngày
- Người lớn: 60- UI/ ngày
Trong phòng ngừa thiếu Vitamin E:
- Người lớn: 30 UI/ ngày
4. Những vấn đề cần lưu ý
- Khi thiếu Vitamin E sẽ có các biểu hiện về thần kinh và cơ như giảm phản xạ, dáng đi bất thường, liệt cơ mắt, bệnh võng mạc mắc nhiễm sắc tố, thoái hóa sợi trục thần kinh.
- Khi dùng liều cao 500-5333 UI/ ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng thừa Vitamin E: rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, trung tiện, tiêu chảy), suy nhược, mệt mỏi. Sử dụng liều cao kéo dài sẽ làm cạn kho dự trữ vitamin A, ức chế hấp thu và ức chế tác dụng Vitamin K.
Cách sử dụng Vitamin E:
- Vitamin E tan trong dầu, nên muốn hấp thu được Vitamin E cần phải có chế độ ăn đủ dầu mỡ. Nếu ăn các thức ăn giàu Vitamin E mà chế độ ăn không có chút dầu mỡ nào thì lượng Vitamin E được hấp thu rất kém.
- Nếu lạm dụng Vitamin E, sử dụng liều cao, kéo dài, tác dụng chống oxy hóa của Vitamin E sẽ bị triệt tiêu, gây tổn hại cho tế bào. Các bệnh nhân mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, sy thận, viêm da mãn tính, tự miễn,… có thể bổ sung vitamin E hàng ngày, nhưng liều không quá 400UI/ ngày. Nên dùng cách ngày trong 1-2 tháng, nghỉ một thời gian sau đó mới dùng tiếp. Ở phụ nữ sau 30 tuổi có da khô, chế độ ăn nghèo Vitamin E cũng có thể bổ sung bằng viên uống vitamin E nhưng cũng không được sử dụng liên tục, mà chỉ được dùng 1-2 tháng, sau đó nghỉ một thời gian rồi dùng tiếp. Sử dụng Vitamin E từ thực phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu.
- Với người có da khô, da lão hóa có thể bôi trực tiếp Vitamin E để hạn chế tác dụng của tia UV. Với người có da nhờn, không nên bôi vì có thể gây mụn.
Nguồn: Vinmec