1. Vitamin K là gì?
Vitamin K là một thành phần quan trọng của hệ enzym gan tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II), các yếu tố VII, IX, X, là một nhóm các vitamin hòa tan trong chất béo, giống nhau về cấu trúc và có vai trò quan trọng trong quá trình điều chỉnh sự đông đặc của máu, cần thiết cho sự hỗ trợ đông máu. Vitamin K còn hỗ trợ sự trao đổi chất của xương và trao đổi chất của canxi trong hệ thống mạch máu. Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin K, máu sẽ không thể đông được, đưa đến xuất huyết và điều này có thể dẫn đến tử vong.
Có 2 loại vitamin K dạng tự nhiên là Vitamin K1 hay còn gọi là phylloquinone được tìm thấy trong thức ăn tự nhiên và vitamin K2 hay còn gọi là menaquinone được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có ích ở trong ruột.
Có 3 dạng vitamin K tổng hợp được biết: các vitamin K3, K4, và K5. Dù vitamin K1 and K2 tự nhiên là không độc, dạng tổng hợp K3(menadione) lại độc tính
Vitamin K thường có trong thực phẩm như: bông cải xanh, rau bina, cần tây, măng tây, dưa chuột, rau quế tây, dầu oliu, ngò tây, đinh hương, trứng, trái cây sấy khô…
2. Công dụng của Vitamin K
Vitamin K thường được dùng trong một số trường hợp sau đây:
- Ngăn ngừa những vấn đề đông máu ở trẻ sơ sinh bị thiếu hụt vitamin K
- Điều trị xuất huyết do các thuốc như salicylate, sulfonamide, quinine, quinidine hoặc kháng sinh
- Điều trị và phòng ngừa thiếu hụt vitamin K.
- Ngăn ngừa và điều trị yếu xương và giảm triệu chứng ngứa trong bệnh xơ gan mật;
- Uống vitamin K2 (menaquinone) để trị loãng xương, mất xương do sử dụng steroids cũng như hạ cholesterol máu ở những người lọc máu. Kích hoạt protein osteocalcin, giúp gắn ion canxi vào khung xương, ngăn ngừa loãng xương.
- Thoa lên da để loại bỏ tĩnh mạch mạng nhện, vết bầm tím, vết sẹo, vết rạn da và bỏng
- Thoa lên da để trị bệnh trứng cá đỏ, gây mụn đỏ trên da và mặt
- Trong phẫu thuật, vitamin K thường được dùng để thúc đẩy nhanh quá trình lành da, giảm sưng và bầm.
- Tăng cường chức năng của tế bào nội mô mạch máu chống xơ vữa động mạch, chống tắc nghẽn mạch, tránh nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực.
3. Nhu cầu
Liều dùng:
- Liều thông thường cho người lớn bị thiếu hụt vitamin K do thuốc do suy dinh dưỡng: Uống 10-40 mg mỗi ngày.
- Liều thông thường cho người lớn gặp vấn đề về đông máu: có thể uống đến 5 mg.
- Liều thông thường cho người lớn để bổ sung dinh dưỡng: Nam giới uống 120 mcg/ngày; Nữ giới uống 90 mcg/ngày.
Liều thông thường để bổ sung vitamin K cho trẻ em:
- Trẻ từ 0-6 tháng, bạn cho trẻ uống 2 mcg mỗi ngày
- Trẻ từ 6-12 tháng, bạn cho trẻ uống 2.5 mcg mỗi ngày
- Trẻ từ 1-3 tuổi, bạn cho trẻ uống 30 mcg mỗi ngày
- Trẻ từ 4-8 tuổi, bạn cho trẻ uống 55 mcg mỗi ngày
- Trẻ từ 9-13 tuổi, bạn cho trẻ uống 60 mcg mỗi ngày
- Trẻ từ 14-18 tuổi, bạn cho trẻ uống 75 mcg mỗi ngày.
Liều thông thường dự phòng thiếu vitamin K gây xuất huyết ở trẻ sơ sinh: tiêm bắp 0,5-1 mg. Bên cạnh đó, bạn có thể cho trẻ uống liều đầu 2 mg và liều thứ hai 2 mg sau 4-7 ngày.
4. Hàm lượng
Vitamin K có những dạng và hàm lượng sau:
- Viên nén 2mg, 5mg và 10mg.
- Viên nang.
- Dung dịch tiêm.
5. Phân loại Vitamin K
Các loại vitamin K
- Vitamin K là một tên gọi chung của một nhóm các loại vitamin K, trong đó chủ yếu là vitamin K1, K2 và K3.
- Vitamin K1 còn gọi là phytomenadion có trong nhiều loại thực phẩm như thịt, cá, cà chua, bắp cải, rau má…
- Vitamin K2 còn gọi là menaquinon được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có ích sống trong ruột con người. Ngoài ra, vitamin K2 còn có trong các loại thịt, pho mát, trứng.
- Vitamin K3 còn được gọi menadion, là loại tổng hợp bằng phản ứng hóa học và thường được dùng làm thuốc. Vitamin K3 là vtamin có độc tính.
6. Những vấn đề cần lưu ý
Khi bạn không có đủ vitamin K, máu sẽ khó đông (mất thời gian dài để đông lại). Điều này có thể gây ra mất máu quá nhiều và làm tăng nguy cơ tử vong khi bị thương. Sự thiếu hụt vitamin K hiếm gặp ở người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người bị rối loạn tiêu hóa nặng hoặc đang điều trị kháng sinh mãn tính là những đối tượng có nguy cơ thiếu hụt vitamin K.
Thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin®) được kê đơn để ngăn cản chức năng bình thường của vitamin K trong cơ thể. Tiêu thụ một lượng rất lớn hoặc rất nhỏ vitamin K có thể thay đổi hoạt tính những thuốc này. Nếu uống thuốc chống đông máu nên chú ý đến thực phẩm bạn tiêu thụ như rau bina và các cây thuộc họ cải (turnip green) vì chúng có rất nhiều vitamin K, và cũng cần đảm bảo lượng vitamin K tiêu thụ từ ngày này sang ngày khác là giống nhau để đảm bảo hiệu quả của thuốc. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung vitamin E, hoặc thực phẩm bổ sung như bạch quả và tỏi, bởi vì những thực phẩm này cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
Một số phản ứng phụ ít gặp sau khi sử dụng vitamin K bao gồm:
- Chán ăn
- Giảm vận động
- Khó thở
- Sưng gan, phù
- Kích ứng, cứng cơ
- Tái xanh, vàng mắt hoặc da.
Ngoài ra, một số phản ứng phụ hiếm gặp khác cũng có thể xảy ra như:
- Khó nuốt, thở nhanh hoặc thở không đều
- Đầu óc quay cuồng hoặc ngất xỉu, khó thở
- Phát ban da, nổi mẩn đỏ và/hoặc ngứa
- Đau thắt ngực, khó thở và/hoặc thở khò khè
Nguồn: Vinmec