Dấu hiệu mang thai và những điều cần làm khi mang thai

Lần đầu mang thai với bao bỡ ngỡ và mong ngóng khiến các chị em không khỏi lúng túng, hồi hộp về việc mình đã thụ thai được hay chưa, cần căn cứ vào những dấu hiệu mang thai nào là chính xác.

Ngoài trễ kinh, còn có rất nhiều dấu hiệu mang thai mà các bà mẹ nên tìm hiểu trước để phát hiện kịp thời, bởi triệu chứng mang thai giai đoạn đầu rất giống với triệu chứng khi sắp đến kỳ kinh nguyệt. Các dấu hiệu mang thai lại vô cùng đa dạng, khác nhau giữa mỗi người, vì vậy hãy trang bị thêm những kiến thức dưới đây để có thể nhận biết, vui mừng chào đón sinh linh bé nhỏ ghé thăm bạn nhé.

Những dấu hiệu mang thai phổ biến

Dịch âm đạo bất thường và ra máu

Khi có thai, các bà mẹ trẻ thường lo lắng bởi dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường, đem lại cảm giác khó chịu khi vùng kín cứ ẩm ướt. Bên cạnh đó còn có thể xuất hiện hiện tượng ra máu khiến các chị em nhầm tưởng với chu kỳ kinh nguyệt của mình tới sớm hơn thường lệ. Tuy nhiên, máu không ra ồ ạt như khi có kinh mà chỉ là một vài vệt máu nhỏ màu sắc nhạt hoặc đậm hơn bình thường kéo dài trong 1 – 2 ngày. Đừng nên ngó lơ 2 dấu hiệu này vì có thể bạn đã mang thai rồi đấy!

Chuột rút cũng chính là dấu hiệu mang thai

Khi gần đến chu kỳ kinh nguyệt, bạn cũng dễ gặp phải chứng chuột rút. Tuy nhiên khi thấy chuột rút đi kèm trễ kinh hoặc các dấu hiệu khác thì có thể bạn đã bị chuột rút khi mang thai rồi đấy. Khi mang thai, hiện tượng chuột rút thường thấy ở giữa cổ chân và đầu gối, các bắp thịt hông đùi, cơ bụng, dọc theo bàn chân, bàn tay. Không chỉ là dấu hiệu ban đầu, bạn hãy chuẩn bị tâm lý vì có thể dấu hiệu chuột rút sẽ theo bạn đến suốt thai kì đấy.

Thân nhiệt cơ thể tăng cao hơn bình thường

Khi mang thai, sự trao đổi chất tăng lên đi kèm với thay đổi về hormone cũng khiến cho nhiệt độ cơ thể bạn tăng cao hơn. Tốt nhất bạn nên đo nhiệt độ vào mỗi sáng, nếu thân nhiệt tăng nhẹ từ 0,3 đến 0,5 độ sau 2 tuần sau rụng trứng thì có thể bạn đã mang thai rồi đấy. Nhưng đừng vì thế mà dừng việc thay đổi nhiệt độ, vì nếu nhiệt độ cao trên 38 độ sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi. Vì vậy cứ tiếp tục theo dõi để phát hiện bất thường kịp thời nhé!

Đau ngực cũng là dấu hiệu mang thai

Hiện tượng đau ngực là do lượng hormone thay đổi, làm tăng lượng máu cung cấp cho ngực. Không chỉ đau, bạn còn có cảm giác ngực nóng ran và ngứa râm ran ở quanh đầu và núm vú. Không chỉ vậy, vòng 1 sẽ tăng lên về kích thước, xung quanh đầu ti sẽ thâm, đen hơn, đi cùng là cảm giác nặng và tức ngực vô cùng khó chịu.

Mệt mỏi cơ thể

Đây chính là dấu hiệu mang thai điển hình nhất, khi mà cơ thể bạn đang bị vắt kiệt sức để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Để tăng cường oxy đi đến buồng trứng, tim bạn phải đập nhanh hơn. Áp lực của hệ tuần hoàn cũng nặng nề không kém để cung cấp đủ máu cho tử cung. Cơ thể bạn khi đó sẽ có cảm giác như vừa chạy bộ một quãng đường dài. Bên cạnh đó là sự buồn ngủ do hormone tăng cao cũng làm tăng thêm mệt mỏi cho người mẹ.

Buồn ngủ nhiều là dấu hiệu mang thai khiến bạn mệt mỏi.

Đi tiểu nhiều

Cũng bởi lưu lượng máu tăng lên đáng kể khi bạn mang thai, cùng với sự chèn ép của tử cung lên bàng quang sẽ khiến thận bài tiết nhiều nước tiểu hơn, dẫn đến việc đi tiểu nhiều trong ngày.

Buồn nôn

Trên 90% phụ nữ đều buồn nôn khi mang thai. Dấu hiệu mang thai này xuất hiện khá sớm, từ tuần thứ 4 – 6 của thai kì. Chứng buồn nôn, có thể kèm theo nôn và nôn khan, xuất hiện bất kể thời gian nào trong ngày, nhưng nhiều nhất là vào buổi sáng. Mức độ nặng nhẹ là khác nhau tùy mỗi người, thậm chí có người còn phải chịu đựng trong suốt 9 tháng mang thai.

Cách làm dịu các dấu hiệu mang thai gây mệt mỏi

Mệt mỏi khi mang thai là tình trạng không thể tránh khỏi, nhưng hãy cố gắng vượt qua, tự chăm sóc bản thân để con yêu ra đời mạnh khỏe, minh mẫn. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để mẹ bầu trải qua giai đoạn này nhẹ nhàng nhất.

Nghỉ ngơi nhiều, tận dụng những giấc ngủ ngắn

Dù chỉ là chốc lát, nhưng thời gian nghỉ ngơi nhanh chóng giữa giờ làm việc đặc biệt vào buổi trưa và sau buổi tối sẽ rất hữu ích. Đơn giản chỉ là chợp mắt chốc lát, rảo bước thư giãn, uống nước tại văn phòng cũng sẽ giúp các bà mẹ tương lai hồi phục năng lượng đấy.

Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Chú ý đi ngủ sớm hơn bình thường, ngủ ngay khi bạn cảm thấy mệt. Tốt nhất là đừng cố thức khuya. Chủ động tránh những nguyên nhân khiến bạn phải thức giấc ban đêm như uống ít nước vào buổi tối, phòng ngủ phải thoải mái và yên tĩnh,…

Thư giãn tinh thần

Đừng suy nghĩ về những vấn đề khiến bạn buồn phiền, lo lắng bằng cách giảm bớt áp lực công việc, áp lực xã hội,…Bạn có thể nhờ chồng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp quán xuyến gia đình hoặc chia sẻ với bạn những điều còn lo nghĩ. Bạn nên dành thời gian nhiều hơn cho bản thân và làm những gì mình thích để thật sự giải trí và thư giãn hoàn toàn trong giai đoạn quan trọng này.

Chú trọng ăn uống

Sắt và protein là những yếu tố dinh dưỡng cực kì quan trọng cho thai phụ trong thời gian này, chúng sẽ giúp bạn giảm bớt sự mệt mỏi. Các thực phẩm giàu chất sắt mà mẹ bầu có thể bổ sung chính là hải sản, thịt đỏ, thịt gia cầm, mì sợi, ngũ cốc, rau có màu xanh đậm,…Mang thai là niềm vui sướng của mỗi người phụ nữ, là hạnh phúc mà bao cặp đôi mong ngóng. Vì vậy, các cặp đôi cần chú ý cập nhật kiến thức để chăm sóc cả mẹ và con thật tốt từ những ngày đầu con bắt đầu tượng hình.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *