Bị sởi thì uống thuốc gì vừa mang lại hiệu quả điều trị cao lại đảm bảo được độ an toàn cho sức khỏe của bệnh nhân.
Điều trị sởi không có biện pháp chuyên biệt nào cả. Chủ yếu là chúng ta dùng các loại thuốc giúp khắc phục các biểu hiện của bệnh sởi.
1. Các giai đoạn điển hình của bệnh sởi
Sởi là bệnh thường gặp do virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác và thường qua 3 giai đoạn điển hình, cụ thể như sau:
Giai đoạn ủ bệnh
Thời kỳ ủ bệnh hầu hết kéo dài từ 10 đến 12 ngày là khoảng thời gian từ khi trẻ bị nhiễm virus sởi đến khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền triệu. Giai đoạn này, các dấu hiệu sởi chưa bộc lộ ra bên ngoài.
Giai đoạn tiền triệu của bệnh sởi
Giai đoạn tiền triệu kéo dài từ 5 đến 15 ngày được đặc trưng bởi những cơn sốt ở mức độ nhẹ đến vừa, kèm theo các triệu chứng như ho khan, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt. Sau khi sốt giảm dần, các vết nội ban hay hạt Koplik bắt đầu xuất hiện. Nội ban phát ở vùng họng đầu tiên. Koplik là những hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ, chúng thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ. Kết mạc mắt của người bệnh có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng. Người bệnh thường có ho khan tức ho không có đờm. Ở một số ít trường hợp, giai đoạn tiền triệu biểu hiện bằng những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí viêm phổi.
Giai đoạn phát ban sởi
Đây là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với những phát ban tuần tự trên da. Ban sởi xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó là ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24 đến 48 giờ. Ban sởi thường có dạng dát – sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Trong trường hợp nhẹ, nốt ban thường đứng gần nhau nhưng riêng rẽ. Trường hợp nặng, ban có xu hướng hợp với nhau tạo thành những ban lớn hơn, thậm chí ban có thể có dấu hiệu xuất huyết nếu ở thể nặng. Khi ban lan xuống chân thì triệu chứng sốt cũng đột ngột giảm đi nếu không có biến chứng. Sau đó ban nhạt dần và biến mất đúng theo tuần tự mà nó đã xuất hiện. Ban mất đi để lại các vết thâm trên da.
2. Bị sởi thì uống thuốc gì?
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có loại thuốc đặc trị nào dành cho sởi. Thông thường, hệ miễn dịch sẽ tự loại bỏ virus gây bệnh trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Điều trị sởi chủ yếu là khắc phục các triệu chứng, chăm sóc và phòng ngừa biến chứng.
Thuốc giảm sốt và đau
Khi bị sốt do sởi, bạn có thể uống paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt, giảm đau và mỏi. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Đồng thời, thường xuyên lau người bằng khăn ấm để giảm sốt.
Uống vitamin A
Tình trạng thiếu vitamin A gặp ở 90% bệnh nhi mắc sởi ở châu Phi và từ 22-72% bệnh nhi mắc sởi ở Mỹ. Theo đó, tồn tại một mối tương quan nghịch giữa nồng độ Vitamin A trong máu với mức độ nặng của sởi. Uống vitamin A đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng ở trẻ em mắc sởi tại các nước đang phát triển.
Liều khuyến cáo cho trẻ 6 tháng đến 1 tuổi là 100.000 đơn vị quốc tế; Dùng liều duy nhất với 200.000 đơn vị cho trẻ trên 1 tuổi. Trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A nên thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều thứ ba vào 4 tuần sau đó.
Đặc biệt không tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm thanh – khí – phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.