Bại não được xem là một trong những căn bệnh mãn tính khó điều trị và phục hồi nhất trên thế giới. Để cải thiện cần kết hợp nhiều phương pháp, mỗi trẻ sẽ có một phương pháp khác nhau trong đó phải kể đến các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não.
Bệnh bại não là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh. Các bài tập vật lý trị liệu được coi là phương pháp hiệu quả giúp trẻ bại não phục hồi chức năng.
Bại não là gì?
Bại não là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các rối loạn thần kinh trung ương ảnh hưởng đến sự kiểm soát vận động, tư thế, giác quan, tâm thần và hành vi, gây nên do tổn thương não không tiến triển xảy ra vào giai đoạn trước, trong và sau khi sinh cho đến 2 tuổi.
Tần suất: Bại não thường ít khi được chẩn đoán sớm trước 2 tuổi. Với lứa tuổi trên 3 thì tần suất bại não vào khoảng 2-3 trường hợp/1000 trẻ. Đây được coi là một tỷ lệ khá cao đối với một căn bệnh mạn tính.
Trẻ bại não bị khiếm khuyết nhiều chức năng khác nhau tùy thuộc mức độ tổn thương của não, trong đó hai chức năng bị tổn thương nhiều nhất là khả năng vận động và khả năng giao tiếp xã hội do đó rất cần đến các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não.
Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị bại não
- Giảm trương lực cơ, tăng cường cơ lực ở một số nhóm cơ chính.
- Phá vỡ, ức chế các phản xạ nguyên thủy (duỗi chéo, nâng đỡ hữu hiệu,…).
- Tạo thuận các vận động chức năng và kích thích sự phát triển vận động thô theo các mốc: lẫy, ngồi, bò, quỳ, đứng, đi.
- Tăng cường khả năng độc lập trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, đánh răng, rửa mặt, tắm, đi vệ sinh, mặc quần áo,…
- Kích thích giao tiếp sớm và phát triển ngôn ngữ, tư duy.
Các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não
Trẻ bại não thường sẽ kiểm soát đầu cổ và thân mình kém, do đó tất cả những mốc vận động tiếp theo (Lẫy, ngồi, bò, quỳ, đứng, đi) đều bị ảnh hưởng. Việc kiểm soát đầu cổ kém cũng là dấu hiệu đầu tiên để nghi ngờ bất thường ở trẻ trước 6 tháng tuổi.
Các bài tập sẽ duy trì khoảng 3-4 lần/ ngày, mỗi lần khoảng 10-15 phút. Kiên trì dài ngày để đạt được kết quả mong muốn.
Bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não 1: Điều chỉnh đầu về vị trí trung gian ở tư thế nằm ngửa
*Mục tiêu: Trẻ sẽ không bị ưỡn đầu – cổ ra sau quá mức.
*Cách làm:
- Tư thế: Trẻ nằm ngửa, kỹ thuật viên/ người nhà ngồi phía dưới chân trẻ.
- KTV/ người nhà: Đặt 2 tay đỡ lấy đầu trẻ phần sau chẩm. Nâng đầu trẻ lên đồng thời tỳ 2 cẳng tay xuống 2 vai trẻ (Lưu ý lực tỳ nhẹ với mục đích tránh phần vai trẻ nâng lên).
*Kết quả mong muốn: Cổ trẻ mềm hơn, đỡ ưỡn ra sau…
Bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não 2: Tạo thuận nâng đầu bằng tay ở tư thế nằm sấp
*Mục tiêu: Làm khoẻ nhóm cơ duỗi cổ và thân mình.
*Cách làm:
- Tư thế: Trẻ nằm sấp có 1 gối nhỏ dưới ngực (hoặc có thể dùng gối tam giác), kỹ thuật viên/ Người nhà ngồi bên cạnh.
- KTV/Người nhà: Một tay cố định trên mông trẻ. Tay kia dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn day dọc các gai ngang các đốt sống từ C7-S1. (Quá trình day lưu ý lực tác dụng vừa đủ đối với bé, ấn day khoảng 3s sau đó chuyển điểm, lặp lại khoảng 10 lần).
*Kết quả mong muốn: Trẻ nâng đầu và ngực cao hơn, giữ được tư thế đó 30 giây đến 1 phút sau 1 thời gian tập luyện.
Bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não 3: Tạo thuận nâng đầu bằng sử dụng gối kê trước ngực
*Mục tiêu: Làm khoẻ nhóm cơ duỗi cổ và thân.
*Cách làm:
- Tư thế: Trẻ nằm sấp với một gối tam giác nhỏ kê ở ngực, 2 tay hướng ra trước với cánh tay chống vuông góc với khớp vai, khuỷu gập vuông góc với cẳng tay quay sấp. Kỹ thuật viên/Người nhà ngồi cạnh trẻ.
- Một tay Kỹ thuật viên/Người nhà cố định chắc ở mông trẻ, tay kia dùng đồ chơi kích thích phía trước trên đầu để trẻ nâng đầu về phía trước.
*Kết quả mong muốn: Trẻ nâng đầu và ngực cao hơn, giữ được tư thế đó 30 giây – 1 phút.
Bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não 4: Điều chỉnh đầu cổ về vị trí trung gian ở tư thế nằm sấp trên bóng
*Mục tiêu: Làm khoẻ nhóm cơ duỗi cổ và thân mình.
*Cách làm:
Tư thế: Trẻ nằm sấp trên bóng tròn, hai chân dạng, duỗi khớp gối và xoay ngoài. – – Kỹ thuật viên ngồi hoặc quỳ phía chân trẻ. Hai tay kỹ thuật viên giữ hai khớp gối của trẻ. Từ từ lăn bóng ra trước, lùi lại và sang hai bên. Đặt đồ chơi phía trước mặt trẻ để khuyến khích trẻ ngẩng đầu, nâng thân và với hai tay về phía trước.
*Kết quả mong muốn: Trẻ có thể nâng đầu cổ, duỗi thân mình và với tay về phía trước.
Bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não 5: Bài tập thăng bằng ngồi trên bóng/bàn nghiêng
* Mục tiêu: Tăng khả năng giữ thăng bằng tư thế ngồi.
*Cách làm:
- Tư thế: Trẻ ngồi trên bóng/bàn nghiêng.
- Kỹ thuật viên đứng hoặc ngồi phía sau trẻ. Hai tay kỹ thuật viên giữ chắc 2 bên hông trẻ, đẩy bóng/bàn nghiêng sang phải, trái, trước, sau để trẻ tập quen với việc giữ thăng bằng khi điều chỉnh tư thế. Khi trẻ quen dần và có khả năng điều chỉnh thì giảm dần trợ giúp 2 bên hông của trẻ.
*Kết quả mong muốn: Trẻ có thể giữ thăng bằng khi bị nghiêng sang các phía.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.