Nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser hoặc bằng xung hơi

1. Tổng quan về Nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser hoặc bằng xung hơi

  • Tên khoa học: Nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser hoặc bằng xung hơi
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Phẫu thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser sử dụng máy tán sỏi là thiết bị thực hiện thủ thuật tán hoàn toàn sỏi thận qua da với đường rạch da khoảng 1cm, giúp các bác sỹ thực hiện thành công những ca sỏi niệu quản khó. Ưu điểm vượt trội của máy tán sỏi là có thể cầm máu tốt và làm hoại tử ở mức thấp nhất các tế bào xung quanh.

Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?

  • Sỏi thận
  • Sỏi niệu quản

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Sỏi niệu quản kích thước 0,6 cm – 2 cm.
  • Sỏi niệu quản nhỏ < 0,5 cm sẽ điều trị nội khoa 1 tuần không cải thiện lâm sàng, sỏi không di chuyển xuống vị trí thấp hơn, sỏi trên vị trí hẹp niệu quản, sỏi trên polyp.
  • Sỏi niệu quản trên vị trí sa lồi niệu quản.
  • Với ống nội soi bán cứng có thể tán nội soi ngược dòng những viên sỏi nằm ở vị trí niệu quản 1/3 trên đối với nữ giới dù vị trí gần sát bể thận, còn nam giới nên áp dụng với sỏi ở vị trí thấp hơn.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân có hẹp niệu đạo ở nam giới, bệnh nhân hẹp niệu quản đoạn dài dưới sỏi, bệnh nhân có rối loạn đông máu.
  • Các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu chưa điều trị ổn định
  • Thận ứ nước độ III, IV là chống chỉ định tương đối.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Tán được mọi loại sỏi.
  • Đảm bảo xử lý sạch sỏi.
  • Thời gian tán sỏi nhanh, trung bình chỉ 30 phút.
  • Phục hồi nhanh: Mọi sinh hoạt cá nhân trở về bình thường ngay trong ngày đầu tiên sau mổ, ra viện sau 1 ngày.
  • An toàn, không để lại sẹo, không lo biến chứng
  • Kỹ thuật thường quy ít xâm lấn, đi theo đường tự nhiên

Nhược điểm:

  • Không áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có hẹp niệu đạo ở nam giới, bệnh nhân hẹp niệu quản đoạn dài dưới sỏi, bệnh nhân có rối loạn đông máu. Các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu nặng, thận ứ nước độ III, IV là chống chỉ định tương đối.
  • Có thể không tiếp cận được sỏi trong trường hợp có hẹp niệu quản (rất ít các trường hợp).
  • Tổn thương niệu quản có thể xảy ra (rất hiếm các trường hợp và cũng không đáng ngại).

4. Quy trình thực hiện

  • Đầu tiên bệnh nhân được gây tê tủy sống hoặc gây mê, người bệnh nằm ở tư thế phụ khoa.
  • Ống soi niệu quản sẽ được đưa từ niệu đạo vào bàng quang, người phẫu thuật viên quan sát hình ảnh trên màn hình để nội soi, xác định lỗ niệu quản bên trong có sỏi và luồn dây dẫn đường lên vùng niệu quản.
  • Ống soi sau đó được đưa lên vùng niệu quản theo dây dẫn đường để tiếp cận viên sỏi. Một số trường hợp bị khó tiếp cận sỏi thì cần phải quan sát đồng thời cả màn hình nội soi và màn hình X-quang đã tăng sáng.
  • Khi phẫu thuật viên đã quan sát được sỏi trên màn hình nội soi, sỏi sẽ từ từ được tán vụn bằng năng lượng LASER (dây laser đã được đưa vào để tán sỏi thông qua một đường ống rỗng ở bên trong ống soi niệu quản, gọi là kênh làm việc), hoặc là bằng que tán siêu âm, hoặc xung hơi. Sau khi viên sỏi đã vỡ vụn, các mảnh sỏi sẽ được gắp ra ngoài bằng rọ hoặc là kìm gắp sỏi.
  • Sau đó, một ống thông mềm mại sẽ được đặt vào hệ tiết niệu với 2 đầu ống cuộn tròn trong bể thận và bàng quang và sẽ được rút ra sau 2 tuần.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Người bệnh không đau sau mổ, có thể vận động và đi lại sớm sau mổ, tỉ lệ biến chứng rất thấp, rút ngắn thời gian nằm viện

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận như: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò… trước khi phẫu thuật

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *