Phẫu thuật cấy ghép Implant

1. Tổng quan về Phẫu thuật cấy ghép Implant

  • Tên khoa học: Phẫu thuật cấy ghép Implant
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Kỹ thuật Implant dùng để cấy răng giả vào xương hàm nhằm thay thế gốc răng đã mất. Cấy ghép Implant là quá trình cấy ghép những trụ chân kim loại hoặc khung kim loại được đặt vào xương hàm phía dưới nướu bằng các thủ thuật tiểu phẫu nhằm thay thế chân răng đã mất. Với những ưu điểm vượt trội, cấy ghép Implant ngày càng được nhiều người lựa chọn để lấy lại sự tự tin vốn mất đi khi gặp các sự cố mất răng không mong muốn.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định: Cấy ghép Implant có khả năng khôi phục hình răng mang lại hiệu quả cải thiện tốt như mong đợi cho khách hàng trong các trường hợp sau:

  • Mất 1 răng hoặc mất nhiều răng.
  • Mất răng toàn hàm, có thể 1 hàm hoặc cả 2 hàm.
  • Mới bị mất răng hoặc bị mất răng lâu ngày.

Chống chỉ định:

  • Thiếu chiều cao xương hàm.
  • Thiếu chiều rộng xương hàm.
  • Thiếu khối lượng xương bao gồm cả chiều cao và chiều rộng.
  • Khoảng liên hàm không đủ cho làm phục hình răng.
  • Khoảng gần – xa vùng mất răng không đủ cho làm phục hình răng.
  • Bệnh nhân chưa đến tuổi trưởng thành.
  • Bệnh nhân đang có tình trạng viêm nhiễm cấp tính trong khoang miệng.
  • Bệnh nhân có bệnh toàn thân không cho phép phẫu thuật.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Phẫu thuật cấy ghép răng Implant được đánh giá là giải pháp phục hình răng hiện đại, có nhiều ưu điểm vượt trội trong lịch sử nha khoa mà các phương pháp làm răng giả khác như hàm giả tháo lắp hay cầu răng sứ không thể sánh bằng.
  • Phẫu thuật cấy ghép răng Implant chỉ tác động vào vùng răng bị mất và không hề xâm lấn đến những răng thật xung quanh, bảo tồn những chiếc răng thật này.
  • Vì răng Implant có cấu tạo như một chiếc răng thật với đầy đủ chân răng và thân răng nên khi phục hình sẽ mang đến tính thẩm mỹ cao, chức năng của răng cũng sẽ giống như răng tự nhiên mọc lên từ nướu và tuổi thọ có thể kéo dài trọn đời.
  • Sự khác biệt giữa cắm ghép răng Implant so với các phương pháp khác là khả năng bảo tồn xương hàm tránh bị tiêu đi, với trụ Implant nằm bên trong xương hàm như một chân răng thật thụ, thông qua lực ăn nhai xương hàm được kích thích đều đặn và duy trì mật độ ổn định. Còn các phương pháp khác không thể phục hồi lại chân răng nên sau một thời gian sử dụng thì vùng mô xương hàm nơi mất răng tiêu dần đi.
  • Phẫu thuật cấy ghép Implant được áp dụng điều trị cho tất cả trường hợp mất răng khác nhau. Dù mất một hay nhiều răng, thậm chí là toàn hàm hoặc tình trạng tiêu xương do mất răng lâu ngày đều sẽ khắc phục được.

Nhược điểm:

  • Cần có phòng mổ và trang thiết bị hiện đại: Đảm bảo vô trùng và cần kiểm tra chính xác kết quả ngay khi cấy.
  • Phẫu thuật viên phải qua đào tạo chuyên ngành sâu và phải có kinh nghiệm cao.
  • Kinh phí điều trị cao hơn làm cầu 1,5 lần hoặc hơn
  • Không triển khai được cho người bị tiểu đường không được chỉnh nha, cao huyết áp không được chữa trị, người đang xạ trị hoặc hóa trị, phụ nữ có thai cùng người có nhiều bệnh lý về bất thường tạo xương và bệnh về máu.
  • Thời gian để hoàn tất điều trị phải mất khoảng 1-3 tháng tùy theo cơ địa mỗi người để trụ Implant và và xương hàm có thể tích hợp cố định vào nhau một cách chắc chắn.

4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật cấy ghép Implant

Bước 1: Thăm khám và tư vấn

  • Bác sĩ tiến hành kiểm tra tình trạng răng miệng, chụp phim CT để kiểm tra mật độ xương, độ dày xương hàm và làm các xét nghiệm máu cần thiết.
  • Dựa trên kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ nói rõ tư vấn kỹ càng, đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất, bàn về kế hoạch điều trị, chi phí và thời gian thực hiện cụ thể.

Bước 2: Bắt đầu cấy ghép Implant

  • Trước khi cấy ghép, bạn cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt cũng như tinh thần thoải mái nhất. Sau khi vệ sinh răng miệng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tiến hành gây tê tại chỗ. Điều này giúp bạn dễ chịu hơn, giảm cảm giác đau đớn. Bạn không phải lo lắng bất cứ điều gì trong quá trình thực hiện.
  • Bác sĩ tiến hành cấy ghép trụ Implant trực tiếp vào xương hàm. Ngay sau khi cấy trụ, bác sỹ gắn răng tạm trong khi chờ trụ Implant ổn định trong xương nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng ăn nhai bình thường trong thời gian lành thương.
  • Đây là bước quan trọng nhất trong quy trình cấy ghép răng Implant. Do đó, thao tác này đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải cẩn thận, có chuyên môn cao, tay nghề vững vàng.

Bước 3: Lắp răng sứ

  • Sau khoảng thời gian từ 6-14 tuần, khi xương và Implant đã kết hợp, răng sứ sẽ được lắp cố định vào trụ chân răng sao cho vừa khít với viền nướu.

Bước 4: Kiểm tra và đặt lịch tái khám

  • Trong 1 tháng đầu, bạn cần tái khám để được bác sĩ kiểm tra kỹ càng để đảm bảo “chiếc răng mới” không làm bạn khó chịu, cộm cấn trong ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Chảy máu sau phẫu thuật: sau khi phẫu thuật việc chảy máu là hoàn toàn bình thường. Do trong quá trình điều trị bác sĩ sẽ tác động đến phần mô nướu và xương hàm bằng cách khoan và tạo lỗ hổng bên trong xương hàm để đặt trụ implant. Tuy nhiên sau khoảng 30 phút máu sẽ tự động ngưng chảy,
  • Trường hợp có sưng nề. Bệnh nhân có thể dùng túi đá chườm má
  • Thân nhiệt có thể tăng nhẹ quanh khoảng 38°C

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Chảy máu liên tục sau phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng vùng cấy ghép: Sau phẫu thuật, răng cần một thời gian để hồi phục, nếu trong giai đoạn này bệnh nhân chăm sóc răng miệng không chu đáo, hút thuốc lá… sẽ làm cho vi khuẩn phát sinh và tấn công vào vùng vết thương chưa lành.
  • Tổn thương các mô lân cận:Các bộ phận dễ bị tổn thương như răng, xương hàm, dây thần kinh…sẽ bị ảnh hưởng nếu việc phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ không có chuyên môn cao, thiếu kinh nghiệm.
  • Lộ trụ implant sau khi cấy: trụ implant có thể bị lộ ra ngoài, hoặc thậm chí gãy, vỡ do sự thiếu tỉ mỉ trong khâu tiến hành của bác sĩ. Khi lực nhai không được phân bố đều mà gây quá tải lên răng giả implant có thể khiến cho trụ này bị sa sút.

7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Ngay sau khi phẫu thuật cấy ghép, cần phải cắn gạc để cầm máu trong khoảng 30-60p. Để giảm đau sau khi phẫu thuật có thể chườm đá theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Cẩn thận trong quá trình đánh răng tránh tiếp xúc với vị trí phẫu thuật, nên súc miệng bằng dung dịch khử trùng.
  • Khoảng 2-3 ngày sau khi phẫu thuật, bạn nên ăn chế độ ăn lỏng ở phía đối diện của hoạt động và sử dụng gối cao hơn bình thường
  • Kiêng vận động trong khoảng 24 – 48h đầu. Những hoạt động thể lực va chạm có nhiều nguy cơ làm chấn thương đến vùng cấy răng, khiến cho Implant bị lung lay ra khỏi vùng cấy ghép

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *