1. Tổng quan về Phẫu thuật lấy thai lần hai trở lên
- Tên khoa học: Phẫu thuật lấy thai lần hai trở lên
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật
Sinh mổ lần 2 là phẫu thuật nhằm lấy thai ra khỏi tử cung sau khi mở bụng và mở tử cung. Trường hợp sinh mổ lần 2 chủ động là khi có sự chỉ định của bác sĩ sản khoa, có sự đồng ý của mẹ bầu, việc thực hiện sinh mổ được bắt đầu trước khi người mẹ bước vào giai đoạn chuyển dạ. Thường bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện mổ chủ động ở tuần 39 – 40 chỉ những trường hợp nào khẩn cấp do bất thường sức khỏe của mẹ và thai nhi mới thực hiện sớm so với dự định. Trường hợp sinh mổ lần 2 khẩn cấp được thực hiện khi có biến chứng sức khỏe của mẹ và bé trong quá trình chuyển dạ. Lúc này thai nhi cần được đưa ra ngoài thật nhanh trong vòng vài phút một cách khẩn cấp.
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định: Áp dụng cho tất cả sản phụ sinh mổ lần đầu và mang thai lần 2 trở đi có các biểu hiện sau:
- Các chỉ định do ngôi thai bất thường.
- Thai to
- Thai suy
- Kích thước thai quá lớn không thể lọt qua khung xương chậu; ngôi của trẻ không thuận lợi như ngôi ngang, ngôi trán, ngôi mông…
- Mang đa thai.
- Mẹ mắc một số bệnh gây trở ngại với việc trẻ ra ngoài qua đường âm đạo như viêm nhiễm phụ khoa,,..
- Mẹ đã phẫu thuật thai nhiều lần trước đó.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Chủ động cho cả khách hàng và bác sĩ trong việc quyết định phẫu thuật tại thời điểm nào để an toàn cho mẹ và bé.
- Giúp các ca sinh khó diễn ra an toàn và nhanh chóng hơn.
Nhược điểm:
- Hạn chế những trường hợp có thể đẻ đường dưới bằng Forceps
- Để lại vết sẹo sau mổ, thời gian hồi phục sức khỏe lâu hơn so với sinh thường.
4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật lấy thai lần hai trở lên
Bước 1: Chuẩn bị:
Sản phụ được kiểm tra sức khỏe, vệ sinh thân thể, thay áo dành riêng cho bệnh nhân phẫu thuật…Được thực hiện gây tê hoặc gây mê tùy thuộc tình trạng cụ thể, sát trùng vùng bụng, đặt ống thông tiểu thuận tiện cho quá trình theo dõi sự lọc thải của cơ thể.
Bước 2: Tiến hành:
- Bác sĩ thực hiện rạch một đoạn ngang nhỏ ở bụng, vùng dưới rốn. Thường vết mổ theo chiều ngang trên xương vệ, tiếp theo đến các lớp mô. Lúc này, máu sẽ chảy ra ở vết rạch, được y tá sẽ thấm bằng gạc đã khử trùng. Tới tử cung, bác sĩ tạo một vết cắt, tìm vị trí em bé, lấy em bé từ tử cung ra ngoài.
- Mọi thông số về nhịp tim, huyết áp… của sản phụ được theo dõi và ghi lại chính xác trong suốt quá trình mổ lấy thai.
- Em bé được hút đờm nhớt ở họng, mũi…
- Sản phụ được thực hiện những công đoạn cuối cùng như: Lấy nhau thai, lau sạch buồng tử cung, khâu lại vết mổ (khâu tử cung, thành bụng, lớp da bằng chỉ tự tiêu). Kiểm tra độ mở cổ tử cung giúp cho sự thoát sản dịch được tốt.
Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Toàn trạng tốt
- Hai ngày đầu co hồi tử cung sau khi sinh có thể làm sản phụ đau, có thể cần đến thuốc giảm đau nếu cần.
5. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Có tai biến như nhiễm trùng, chảy máu nhiều, băng huyết, thoát vị thành bụng…
- Có thể phải can thiệp sau phẫu thuật.
- Ra viện không đúng kế hoạch.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Từ ngày thứ 3 có thể mở băng, để khô. Sản phụ lưu ý không để nước thấm ướt vùng vết mổ. Sang tuần thứ 2, bác sĩ sẽ chỉ định cắt chỉ sau 5 ngày nếu sinh mổ lần đầu tiên, sau 7 – 8 ngày nếu mổ lại lần 2 trở lên. Nếu các sản phụ khâu vết mổ bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ.
- Thời gian này nên lau người bằng nước ấm, hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt.
- Không nên thoa các loại thuốc kháng sinh lên vết mổ
Nguồn: Vinmec