1. Tổng quan về Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa
- Tên khoa học: Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa
- Tên thường gọi: Mổ ruột thừa
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi ổ bụng là kỹ thuật mổ nội soi để cắt bỏ ruột thừa bệnh lý hoặc cắt ruột thừa để áp dụng các kỹ thuật khác. Hiện nay, mổ ruột thừa nội soi là phương pháp phổ biến thường được sử dụng trong điều trị viêm ruột thừa, vì độ an toàn khá cao và thời gian nằm viện nhanh hơn khi so sánh với phương pháp mổ hở truyền thống.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ có những vết rạch nhỏ khoảng 0,5-1 cm trên bụng . Qua đó, bác sĩ sẽ đặt các kênh thao tác để thực hiện việc cắt ruột thừa trước tiên sẽ tạo khoang làm việc bằng cách bơm khí cacbonic vào ổ bụng, việc truyền dẫn hình ảnh trong quá trình phẫu thuật được thực hiện qua 1 camera chuyên dụng. Camera sẽ hiển thị hình ảnh lên màn hình kết nối, cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát bên trong ổ bụng để thực hiện cắt bỏ ruột thừa.
Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?
- viêm ruột thừa
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Các trường hợp chẩn đoán viêm ruột thừa
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp nặng không thể chịu đựng được phẫu thuật nội soi, hoặc bệnh nhân có tiền sử mổ mở ổ bụng trước đó
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Ít đau, thẩm mỹ, vết mổ rất nhỏ và không để lại sẹo,độ an toàn khá cao đặc biệt tốt cho những người bị béo phì và cao tuổi
- Thời gian phục hồi sau phẫu thuật thường ngắn hơn so với mổ hở truyền thống.
Nhược điểm:
- Chi phí cao
4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa
- Người bệnh gây mê nội khí quản, nằm ngửa, được đặt ống thông tiểu.
- Phẫu thuật viên chính đứng bên trái người bệnh ngang mức rốn.
- Vào bụng theo phương pháp kín hoặc hở theo đường rạch 1cm trên, dưới rốn hoặc qua rốn đặt camera, duy trì bơm áp lực CO2 (nhỏ hơn 15mm Hg).
- Đặt thêm các trocar dưới giám sát của camera đảm bảo nguyên tắc thuận lợi nhất cho phẫu thuật.
- Dùng các dụng cụ không sang chấn phẫu tích bộc lộ toàn bộ ruột thừa.
- Cắt mạc treo ruột thừa bằng dao lưỡng cực.
- Gốc ruột thừa được xử trí bằng buộc chỉ hoặc kẹp bằng clip.
- Kiểm tra túi thừa meckel, chảy máu tại mạc treo ruột thừa, chảy dịch tại gốc ruột thừa.
- Lau sạch ổ bụng, lấy ruột thừa ra ngoài bằng túi nilon.
- Tháo hết khí CO2, đóng lại các lỗ trocar
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
Sau khi hoàn tất mổ ruột thừa, bệnh nhân cần nằm lại phòng hồi sức 1-2 giờ sau đó nằm theo dõi và điều trị tại phòng bệnh 1-2 ngày trước khi có thể về nhà. Một số thuốc giảm đau có thể được kê để giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau.
Sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng sau :
- Đau đầu chóng mặt nhẹ
- Buồn nôn hoặc nôn khan, ngứa họng
- Đau mỏi cơ bụng hoặc đau tức dưới sườn phải
- Một số trường hợp có thể bí tiểu hoặc tiểu rắt
6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Chảy máu, đau, nhiễm trùng, các biến chứng của gây mê như nôn, chóng mặt, đau đầu
Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
Một số lời khuyên bên dưới có thể giúp cho quá trình hồi phục sau mổ diễn ra tốt hơn:
- Cố gắng vận động sớm, tuân thủ chế độ ăn uống của bác sĩ điều trị , thông thường sau mổ 12 giờ có thể ăn cháo hoặc chờ đến khi có trung tiện
- Rửa tay sạch trước và sau khi chạm vào vị trí mổ
- Sử dụng gối hoặc vật mềm hỗ trợ bụng khi phải ho, cười, hắt hơi hoặc bất kỳ chuyển động bụng nào khác
- Tránh luyện tập thể dục cường độ cao, vận động quá sức hoặc nâng vật nặng trong quá trình hồi phục sau mổ ruột thừa
- Tránh dùng các chất kích thích : rượu , bia , đồ ăn sống
- Thông báo ngay cho bác sĩ điều trị những triệu chứng bất thường : đau bụng trở lại , sốt …
Nguồn: Vinmec