1. Tổng quan về Phẫu thuật tái tạo tuyến vú trong điều trị ung thư vú
- Tên khoa học: Phẫu thuật tái tạo tuyến vú trong điều trị ung thư vú
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Phẫu thuật tái tạo tuyến vú trong điều trị ung thư vú được coi là phương pháp điều trị tiếp nối sau mổ ung thư vú, phục hồi dáng vẻ bên ngoài cho người đã cắt bỏ nhũ hoa. Phẫu thuật tái tạo tuyến vú trong điều trị ung thư vú bằng cách sử dụng túi độn ngực (implants) hoặc vạt da tự thân, đôi khi cũng có thể kết hợp cả hai để tạo thể tích cho vú. Phương pháp này thường được thực hiện ngay sau phẫu thuật vú hoặc trì hoãn 1 thời gian sau phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp tái tạo vú phù hợp với từng cá nhân sẽ dựa trên nhiều yếu tố như kích thước vú trước phẫu thuật và vú đối bên, thể tích mô vú đã cắt bỏ, mô tự thân hiện có và mong muốn riêng của từng người bệnh.
Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?
- Ung thư vú
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Bệnh nhân mà nguyên nhân dẫn đến chỉ định cắt vú đã bị loại bỏ hoàn toàn.
- Có đủ sức khỏe và có hiểu biết tốt về tái tạo nhũ hoa.
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân mắc ung thư vú giai đoạn muộn, bệnh lý nội khoa nặng
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Lợi ích tâm lý tốt, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể sau phẫu thuật lớn điều trị ung thư.
- Cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, phục hồi dáng vẻ bên ngoài của cơ thể, phục hồi biểu tượng nữ tính.
- Sau tái tạo, phụ nữ vẫn có thể lập gia đình và sinh con bình thường.
Nhược điểm:
- Có thể gặp phải nhiều tai biến và biến chứng như nhiễm trùng, tắc mạch ghép, thoát vị thành bụng….
- Không thể cho con bú vì bên vú tái tạo không có sữa.
- Cần sự kết hợp giữa bác sĩ ung bướu và bác sĩ thẩm mỹ với tay nghề, chuyên môn cao.
4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật tái tạo tuyến vú trong điều trị ung thư vú
Phẫu thuật tái tạo tuyến vú trong điều trị ung thư vú thường chia làm nhiều giai đoạn, hoàn tất sau 3-6 tháng. Phẫu thuật này có thể được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật đoạn nhũ (cắt vú do ung thư vú) hoặc có thể được thực hiện sau đó nếu bác sĩ nghĩ bệnh nhân cần phải hóa trị ung thư vú thêm một thời gian nữa.
- Bước 1: Thăm khám sức khỏe của bệnh nhân đáp ứng cuộc phẫu thuật hay không.
- Bước 2: Vô cảm: Gây mê
- Bước 3: Bác sĩ sẽ dùng một túi silicon hoặc là một túi dung dịch nước muối đặt vào ngực bệnh nhân hoặc có thể lấy da, mô mỡ và cơ từ những bộ phận khác của cơ thể người bệnh để đem lên ngực tạo thành mô vú. Thường là sẽ lấy ở phần bụng dưới, lưng hoặc mông
- Bước 4: Tái tạo thể tích, hình dáng của vú
- Bước 5: Làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú.
Lưu ý: Giai đoạn sau thường thực hiện sau giai đoạn đầu 3 tháng. Thời gian phục hồi sau mỗi giai đoạn từ 1 đến 2 tuần.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Cảm giác châm chích ở ngực.
- Tê nách và cánh tay: Phẫu thuật có thể gây tổn thương dây thần kinh, dẫn đến triệu chứng tê.
- U thanh dịch: Dịch có thể tích tụ trong hoặc xung quanh các vết sẹo và có thể kéo dài đến sáu tuần sau khi phẫu thuật.
- Cứng vai
6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Vết mổ sưng đau, rỉ dịch
- Cơ thể chậm hồi phục, sốt
- Tuyến vú không cân đối sau tái tạo hoặc biến đổi hình dạng của vú
- Có cảm giác căng, sưng đau ở vú, sẹo mổ cứng hoặc sẹo lồi (tùy cơ địa riêng của từng bệnh nhân)
- Có cảm giác nóng đau ở thành ngực và vùng nách.
7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Thời gian lý tưởng nhất để phẫu thuật là ngay sau khi phẫu thuật ung thư
- Phẫu thuật tái tạo vú sẽ không được thực hiện nếu sau phẫu thuật ung thư người bệnh vẫn cần điều trị hóa trị liệu hoặc xạ trị. Những người bệnh có phần ung thư lớn hơn 5 cm và lan ra các hạch bạch huyết sẽ cần xạ trị sau phẫu thuật. Các phương pháp điều trị như xạ trị được thực hiện sau phẫu thuật có thể làm cho phần vú tái tạo xẹp đi và thay đổi màu sắc, kết cấu cũng như hình dáng.
- Sau phẫu thuật, tránh hoạt động mạnh, thể thao trong vòng 6-8 tuần và có thể quay lại sinh hoạt bình thường sau 2-3 tháng.
- Xét nghiệm hoặc khám sức khỏe;
- Dùng một số thuốc nhất định hoặc điều chỉnh thuốc hiện tại của bạn.
- Ngừng hút thuốc trước phẫu thuật;
- Tránh dùng aspirin, thuốc kháng viêm và các thuốc bổ sung nguồn gốc thảo dược vì chúng có thể làm tăng chảy máu.
Nguồn: Vinmec