Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

1. Tổng quan về Phẫu thuật khớp háng toàn phần

  • Tên khoa học: Phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng đường mổ nhỏ ít xâm lấn
  • Tên thường gọi: Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng đường mổ nhỏ ít xâm lấn là phẫu thuật dùng khớp nhân tạo để thay thế phần khớp đã hư hỏng nhằm phục hồi những chức năng vốn có của khớp, cho phép thay khớp mà không gây chấn thương cơ, chỉ có một đường mổ 6-7cm.

Đây là biện pháp điều trị cuối cùng dùng để sửa chữa khớp háng bị hỏng nặng không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn khác.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng nặng cử động khớp háng khó khăn
  • Bệnh nhân bị bệnh lý tiêu chỏm xương đùi nặng cử động khớp háng khó khăn
  • Bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi hay vỡ chỏm xương đùi do chấn thương . . .
  • Thoái hóa khớp háng độ IV
  • Đã thay khớp háng nhưng gặp biến chứng hoặc không đạt kết quả như mong muốn

Chống chỉ định:

Bệnh nhân khi đang có ổ nhiễm trùng bùng phát ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể; liệt nửa người, liệt hai chi dưới hoặc yếu cơ quanh khớp háng do bệnh lý ngoài khớp. Hoặc tồn tại bệnh lý nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Khung xương chưa trưởng thành hoàn thiện.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Ít tổn hại phần mềm xung quanh khớp
  • Thời gian mổ ngắn
  • Bộc lộ chính xác khớp cần thay thế
  • Giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng
  • Giảm số ngày nằm viện sau mổ
  • Giảm đau trong mổ và sau mổ tốt, khớp sau thay vững, tạo điều kiện tập phục hồi chức năng sớm, bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường.

Khi thực hiện kỹ thuật tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ được thực hiện kỹ thuật giảm đau trong mổ tiên tiến nhất dưới hướng dẫn của siêu âm, đảm bảo tính chính xác và hiệu quả của kỹ thuật giảm đau. Bệnh nhân tập phục hồi chức năng ngay ngày thứ 2 sau mổ với sự hỗ trợ của kỹ thuật giảm đau sau mổ giúp khách hàng tập luyện không đau và sớm trở lại sinh hoạt bình thường

4. Quy trình thực hiện Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Bước 1: Khám và tư vấn với bác sĩ tại phòng khám: Đánh giá thuyên tắc mạch và nguy cơ chảy máu

Bước 2: Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

  • Cắt bỏ phần xương và sụn khớp đùi bị tổng thương
  • Làm sạch phần sụn khớp bị tổn thương của hõm khớp
  • Đặt hõm khớp nhân tạo
  • Sửa soạn ống tủy xương đùi
  • Đặt chuôi khớp nhân tạo
  • Lắp chỏm khớp nhân tạo, kiểm tra chiều dài chi và sự vững của khớp
  • Hoàn tất. Đặt khớp háng nhân tạo, kiểm tra lần cuối cùng sự vững chắc của khớp

Bước 3: Sau mổ ngày thứ 1

  • Kiểm tra chỉ số sinh tồn
  • Nếu bí tiểu, có cầu bàng quang bênh nhân được đặt xông; kẹp cách quãng nếu đã đặt xông trong Phòng Mổ: phải kẹp và luyện rặn tiểu.
  • Tập co duỗi ngón chân bên mổ ngay khi về phòng
  • Kiểm tra dẫn lưu vết mổ.

Bước 4: Sau mổ ngày thứ 2

  • Thay băng kiểm tra vết mổ
  • Chườm đá lên mặt trước gối: 20 phút / 1 giờ; ngày 03 lần
  • Sau mổ 12 tiếng: tiêm Lovenox 40 đv dưới da. Tối thiểu 10 ngày.
  • Rút xông tiểu nếu có phản xạ mót rặn tốt
  • Thay băng, rút xông dẫn lưu vết mổ giờ thứ 48.
  • Bệnh nhân ăn bình thường & tập phục hồi chức năng theo nhu cầu
  • Chụp phim X-quang kiểm tra
  • Thống nhất ngày giờ xuất viện

Bước 5: Sau ngày mổ thứ 3-5

Tiếp tục tập phục hồi chức năng (Tùy theo nhu cầu của gia đình, có thể lưu viện thêm để tập phục hồi chức năng )

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Dưới đây là các biểu hiện cho thấy phẫu thuật thành công:

  • Vết mổ liền khô tốt
  • Không sốt
  • Đáp ứng tốt với tập phục hồi chức năng

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Ngay khi có các biểu hiện bất thường sau, cần thông báo tới bác sĩ điều trị và tái khám sớm nhất có thể:

  • Vết mổ sưng nóng đỏ đau
  • Sốt
  • Tập vận động khớp rất đau
  • Trật khớp (nhân tạo) sau mổ
  • Chảy máu sau mổ (từ tủy xương sau khi doa ống tủy xương đùi và ổ cối)
  • Nhiễm trùng cấp tính và mãn tính vết mổ
  • Cứng khớp nếu không tập phục hồi chức năng sớm

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Sau ngày mổ thứ 3-5 bệnh nhân có thể tiếp tục tập phục hồi chức năng (Tùy theo nhu cầu của gia đình, có thể lưu viện thêm để tập)
  • Có thể tắm vòi từ ngày thứ 4 sau mổ
  • Bệnh nhân lưu ý ghi lại những lưu ý từ bác sĩ, ngày cắt chỉ, tái khám

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *