Thực hiện quy trình mổ mộng thịt nhằm loại bỏ mộng và tái tạo lại bề mặt nhãn cầu bình thường. Song song đó bác sĩ cũng phải giúp bệnh nhân hạn chế tối đa sự tái phát. Hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu quy trình mổ mộng thịt này để chuẩn bị sẵn sàng trước khi phẫu thuật.
Quy trình mổ mộng thịt cho bệnh nhân
Khi mộng mới phát triển, không có triệu chứng mộng thịt hoặc không ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì bệnh nhân không cần can thiệp. Tuy nhiên nếu ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc gây ra các triệu chứng của mộng thịt khó chịu thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Hiện nay, người bệnh thường được áp dụng 2 phương pháp phẫu thuật phổ biến là cắt mộng ghép kết mạc rìa tự thân, hoặc áp mitomycin C.
Quy trình mổ mộng thịt cắt mộng ghép kết mạc rìa tự thân
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được đặt vành mi bộc lộ nhãn cầu. Sau đó bác sĩ sẽ cắt kết mạc dọc theo 2 bên thân mộng. Lưu ý là phải cắt đến tổ chức kết mạc lành nằm cạnh thân mộng.
Sau đó, bác sĩ tiếp tục cắt ngang đầu mộng:
- Mộng nguyên phát hoặc mộng tái phát mà còn nhiều tổ chức kết mạc: Thực hiện cắt cách rìa 2 – 3 mm.
- Mộng dính nhiều: Thực hiện cắt sát đầu mộng chỗ bám vào giác mạc để tiết kiệm tổ chức kết mạc thân mộng.
Tiếp theo là bước phẫu tích tổ chức xơ mạch dưới kết mạc thân mộng. Quá trình phẫu tích phải được thực hiện sao cho phải tách thân mộng rời khỏi thân cơ trực phía dưới. Sau đó mới phẫu tích tổ chức xơ mạch thân mộng dưới kết mạc và toàn bộ khối xơ mạch, rồi cắt bỏ toàn bộ tổ chức xơ mạch.
Bác sĩ tiếp tục thao tác kẹp, cắt tổ chức xơ thân mộng cho đến sát cục lệ, đốt cầm máu. Xong rồi thì đốt cầm máu củng mạc sát rìa sao cho đủ cầm máu. Lưu ý không được đốt cháy củng mạc để tránh làm hoại tử.
Quy trình mổ mộng thịt tiếp theo là bệnh nhân sẽ được gọt giác mạc. Sau đó phần mộng bám vào giác mạc cũng phải được gọt bằng dao tròn. Củng mạc sát rìa thì phải gọt bằng diện, lưu ý gọt dọc theo rìa để lấy củng mạc làm mốc, không đi quá sâu gây thủng.
Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy kết mạc ghép từ rìa trên với diện tích tương đương vùng cần ghép, mà không làm thiếu kết mạc cùng đồ trên. Cuối cùng là bước khâu mảnh ghép kết mạc bằng chỉ 9-0. Hai mũi ở đầu mảnh ghép sát rìa còn 2 mũi đầu mảnh ghép xa rìa (4 mũi/4 góc).
Thao tác khâu phải được đảm bảo sao cho mảnh ghép áp sát vào mặt củng mạc, khâu đính vào củng mạc, đồng thời nối tiếp với kết mạc thân mộng. Phải đảm bảo rằng phần biểu mô kết mạc phẳng và không bị khâu cuộn vào bề mặt củng mạc.
Quy trình mổ mộng thịt có áp thuốc chống chuyển hóa (thuốc ức chế miễn dịch)
Phương pháp này được chỉ định cho các bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao, mộng kép, mộng tái phát không đủ kết mạc để ghép. Quy trình mổ mộng thịt lúc này được tiến hành tương tự như từ bước đầu – bước gọt phần mộng bám trên giác mạc bằng dao tròn của phương pháp ghép kết mạc rìa tự thân.
Các bước tiếp sau đó bao gồm:
- Đặt mẩu gelaspon với kích thước bằng diện củng mạc vừa phẫu tích (tầm 2x3mm), được tẩm thuốc chống chuyển hóa nồng độ vào diện củng mạc vừa phẫu tích thân mộng trong 5 phút. Lưu ý không để thuốc dính vào giác mạc.
- Lấy gelaspon ra rồi rửa sạch mắt bằng nước muối 0.9% (20ml).
- Vạt kết mạc thân mộng khâu cố định vào diện củng mạc bằng chỉ 9-0 cách rìa 2mm. Bác sĩ phẫu thuật phải lưu ý đảm bảo phần kết mạc thân mộng giữ lại được phẳng. Đồng thời hai mũi đầu được khâu đính kín với kết mạc lành.
Sau khi mổ xong người bệnh sẽ được cho dùng kháng sinh toàn thân và giảm đau ngày đầu. Đồng thời phải tra kháng sinh và những thuốc tăng cường liền sẹo giác mạc. Có thể tra thêm corticoid sau khi giác mạc gọt đã biểu mô hóa hoàn toàn.
Bệnh nhân có thể được sử dụng 1 trong 2 phương pháp cắt mộng ghép kết mạc rìa tự thân, hoặc áp mitomycin C để phẫu thuật.
Chăm sóc mắt sau quy trình mổ mộng thịt
Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân cũng phải lưu ý cách chăm sóc cho mắt. Đầu tiên và quan trọng nhất là phải nhớ uống thuốc, nhỏ mắt đúng cách theo lời dặn của bác sĩ. Sau đó, phải lưu ý lịch tái khám và có mặt đúng hẹn.
Nếu sau khi phẫu thuật xong bạn thấy có các triệu chứng bất thường như: đau nhức, sưng nề, mờ đột ngột… thì phải đi tái khám ngay. Trong sinh hoạt hằng ngày bệnh nhân có thể ăn uống bình thường, nhưng nên ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước.
Ngoài ra, trong khoảng 1 tháng sau mổ bạn cần tuyệt đối tránh những việc làm sau đây:
- Va chạm vào vùng mắt, dụi mắt mạnh.
- Làm việc nặng, quá sức.
- Vấp ngã.
- Để nước xà phòng vào mắt khi tắm gội.
- Khói bụi môi trường ô nhiễm.
Đồng thời người bệnh nhớ kiêng rượu, bia, thuốc lá khi phẫu thuật xong. Hãy nhớ rằng sau nhiều quy trình mổ mộng thịt thì mắt thường rất yếu. Do đó nếu bạn không lưu ý chăm sóc, bảo vệ thì sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng ở mắt. Như là các biến chứng khó chịu: cộm, xốn, xuất huyết lòng trắng, nhạy cảm ánh sáng… Hay thậm chí bệnh nhân còn có nguy cơ mù lòa.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.