Người bệnh tiểu đường lượng đường trong máu luôn ở mức cao cần sử dụng các loại thuốc hạ đường huyết để kiểm soát lượng đường. Insulin là loại thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay. Ngoài insulin còn có một số loại thuốc khác cũng được dùng để kiểm soát lượng đường.
Insulin – Thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay
Insulin là một hormon do các tế bào tuyến tụy tiết ra nhằm chuyển hóa lượng đường trong máu đến các tế bào trong cơ thể. Insulin sẽ đưa glucose từ máu vào trong tế bào làm giảm nồng độ đường trong máu. Các tế bào sẽ dùng glucose tạo thành năng lượng cho các hoạt động. Một số tế bào khác như gan và cơ sẽ tích trữ glucose để tạo năng lượng cho cơ thể khi thiếu hụt.
Đối với những bệnh nhân tiểu đường, cơ thể sẽ không thể tự sản xuất đủ lượng insulin cần thiết dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Để có thể ổn định và cân bằng lượng đường cho cơ thể, người bị bệnh tiểu đường cần bổ sung insulin vào cơ thể qua các thuốc insulin được bác sĩ chỉ định.
Một số loại thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay từ insulin như: insulin tác dụng chậm, insulin tác dụng trung bình, insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng nhanh và insulin trộn sẵn.
Có nhiều cách để đưa insulin vào cơ thể như: dùng máy bơm insulin, dùng bơm tiêm, sử dụng bút tiêm insulin. Trong đó, tiêm insulin bằng xilanh là cách an toàn và được dùng phổ biến.
Tuy nhiên việc tiêm insulin cần có sự hướng dẫn và tiêm đúng loại, đúng liều lượng của bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không nên tự ý tiêm insulin để tránh các trường hợp đáng tiếc.
Các nhóm thuốc hạ đường huyết khác
Ngoài insulin là loại thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay thì vẫn còn một số loại thuốc khác vẫn có thể sử dụng hạ đường huyết cho người bệnh tiểu đường. Bạn có thể tham khảo thêm một số loại thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay sau insulin.
Metformin (Dimethylbiguanide)
Là thuốc đã được sử dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia suốt 30 năm. Metformin dạng viên có các loại như 500mg, 850mg, 1000mg. Liều khởi đầu thường dùng 1 viên 500 hoặc 850mg mỗi ngày. Nên uống vào buổi chiều, uống sau khi ăn.
Metformin có tác dụng ức chế sản xuất glucose từ gan, tăng tính nhạy của insulin ở mô đích ngoại vi. Thuốc giúp hạ glucose trong khoảng 2-4 mmol/l và giảm HbA1c đến 2%.
Tuy nhiên metformin có thể có tác dụng phụ ở đường tiêu hoá, vì thế chỉ nên dùng cùng bữa ăn và bắt đầu uống với liều thấp khoảng 500 mg/ngày.
Chống chỉ định: người suy tim nặng, người bệnh gan, bệnh thận, người có tiền sử nhiễm toan lactic…Cần thận trọng, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Metformin giúp hạ glucose trong khoảng 2-4 mmol/l
Sulfonylurea
Sulfonylurea là loại giúp kích thích tuyến tụy tiết ra insulin. Thuốc có thể làm giảm glucose trung bình khoảng 50 – 60 mg/dl, giảm HbA1c tới 2%.
Hiện nay sulfonylurea có các loại sau:
- Thế hệ 1: gồm có Tolbutamide, Chlorpropamide, dạng viên 500mg. Nhóm này hiện ít được sử dụng trên thị trường do có nhiều tác dụng phụ.
- Thế hệ 2: gồm Glibenclamid (Hemidaonil 2,5mg; Daonil 5mg; Glibenhexal 3,5mg;…); Gliclazid (Diamicron 80mg; Diamicron MR30 mg; Diamicron MR60 mg, Predian 80mg;…); Glipizid (minidiab), Glyburid;… Loại này có tác dụng hạ glucose máu tốt, ít tác dụng phụ hơn.
Các thuốc sulfonylurea thường được sử dụng rộng rãi dưới dạng đơn trị liệu theo toa của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Chống chỉ định: thận trọng khi dùng với người già, người bị bệnh thận, người rối loạn chức năng gan. Không dùng cho người bệnh tiểu đường type 1, nhiễm toan ceton, phụ nữ mang thai, người nhiễm trùng, phẫu thuật…
Dù là các loại thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay nhưng cũng không được phép dùng tùy tiện. Để đảm bảo an toàn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, dùng đúng loại và liều lượng cho phép, tuyệt đối không lạm dụng thuốc sẽ rất nguy hiểm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.