Viêm não Nhật Bản chích mấy mũi, thời gian nào thích hợp để tiêm cho con trẻ là những câu hỏi thường xuyên được phụ huynh thắc mắc.
Viêm não Nhật Bản là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong của những người mắc bệnh này có thể lên tới 20%, đặc biệt đối với đối tượng là trẻ em dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ này sẽ được kiểm soát và giảm mạnh nếu như các phụ huynh cho con em mình được tiêm phòng đầy đủ. Nhưng trước hết, mọi người cần tìm hiểu viêm não Nhật Bản chích mấy mũi và thời điểm nào thích hợp nhất để có thể tiêm phòng.
1. Viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng, viêm não Nhật bản lây qua người khi bị muỗi mang mầm bệnh cắn. Viêm não Nhật Bản không lây từ người sang người.
Những người mắc viêm não Nhật Bản thường có các triệu chứng như sốt cao kéo dài, co giật, hôn mê, có dấu hiệu rối loạn ý thức, biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú (co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng), kèm theo rối loạn thần kinh thực vật,… Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ, đặc biệt là đối với trẻ em.
2. Những lưu ý khi tiêm phòng viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản chích mấy mũi?
Hiện nay, tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em được chia thành 3 mũi.
Mũi thứ 1 được tiêm khi trẻ đã tròn hoặc hơn 1 tuổi.
Mũi thứ 2 thường tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tuần.
Mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ 2 một năm. Sau đó cứ 3 đến 4 năm có thể tiêm nhắc lại cho trẻ một lần cho đến khi trẻ được 15 tuổi.
Những tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm phòng viêm não Nhật Bản
Khi tham gia tiêm phòng, trẻ có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ của vacxin viêm não Nhật bản không mong muốn. Tại vị trí tiêm có thể bị đau, sưng đỏ. Một số ít trường hợp có những phản ứng như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, nhưng những dấu hiệu này thường sẽ tự hết sau 1 đến 2 ngày. Một số trường hợp đặc biệt, trẻ sẽ bị sốc sau khi tiêm phòng vài giờ. Trong trường hợp này, hãy nhanh chóng đứa trẻ tới các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Phản ứng phụ sẽ được hạn chế nếu như trẻ được tiêm phòng đầy đủ, đúng thời gian và được sử dụng liều lượng phù hợp. Các phụ huynh hãy báo cáo đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi tiêm phòng, và cho trẻ được nghỉ ngơi sau khi tiêm 30 phút.
Những đối tượng không nên tiêm phòng viêm não Nhật Bản
Trẻ không nên tiêm phòng nếu rơi vào những trường hợp sau:
- Trẻ có cơ địa quá mẫn cảm, dị ứng với thành phần thiomersal hoặc với các chế phẩm của não chuột, có dấu hiệu dị ứng với vacxin ở những lần tiêm trước.
- Trẻ đang sốt cao hoặc mắc các bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.
- Trẻ mặc các bệnh về tim, gan, thận, ung thư máu và các căn bệnh mãn tính khác.
- Đặc biệt không tiêm phòng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.