Phòng bệnh khô mắt và điều trị kịp thời là việc làm rất quan trọng để chăm sóc và bảo vệ đôi mắt cho trẻ trước căn bệnh có thể gây mù lòa này.
Bệnh khô mắt là một trong các nguyên nhân có thể dẫn đến mù lòa ở trẻ. Do vậy, phòng bệnh khô mắt và điều trị kịp thời là việc làm rất quan trọng để chăm sóc và bảo vệ đôi mắt cho trẻ.
Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh khô mắt ở trẻ em
Khô mắt ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân như thói quen ngồi màn hình máy tính quá lâu, tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều, dị ứng với các tác nhân môi trường, tiếp xúc với những nơi bụi bẩn,… Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân chính gây khô mắt ở trẻ là do thiếu vitamin A. Đây là thành phần tham gia trực tiếp vào các quá trình của tế bào nón và que ở võng mạc. Do đó, thiếu vitamin A gây ảnh hưởng đến võng mạc, từ đó dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Khô mắt ở trẻ em cũng có những biểu hiện khá rõ ràng và chia thành các mức độ khác nhau:
- Bệnh quáng gà: Trẻ khó đi lại vào buổi tối, khó khăn múc đồ ăn, nhìn không rõ, va vào các đồ vật trong nhà.
- Khô kết mạc: Khô kết mạc hay lòng trắng mắt bị khô với biểu hiện lòng trắng bị sần sùi, không còn ướt bóng, sừng hóa, từ từ mờ đục và chuyển sang màu vàng hoặc xám, nhăn nheo, có trẻ còn có xuất hiện bọt xốp màu trắng trên lòng trắng. Nếu quan sát thấy, trẻ thường hay chớp mắt, cụp mắt xuống mỗi khi tiếp xúc ánh sáng.
- Nhuyễn giác mạc: Lòng đen bị khô hay còn gọi nhuyễn giác mạc với biểu hiện lòng đen bị mờ đục, sần sùi; khi để nặng lòng đen sẽ bị nhuyễn nát, loét có màu vàng, có bụi bẩn làm mắt bị hỏng, nhiễm khuẩn.
Phòng bệnh khô mắt ở trẻ em
Bổ sung vitamin A trong chế độ ăn hằng ngày để phòng bệnh khô mắt cho trẻ.
Bệnh khô mắt ở trẻ em không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực mà còn là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe khác như suy dinh dưỡng, các bệnh rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, sởi, viêm phổi,…và nặng nhất có thể gây tử vong. Do vậy, việc phụ huynh chủ động giúp trẻ phòng chống khô mắt là biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất.
Nguyên nhân chính gây khô mắt ở trẻ là do thiếu vitamin A, do đó, phụ huynh nên đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đủ vitamin A. Vitamin A được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm như cà rốt, khoai lang, đu đủ, các loại rau có mày xanh thẫm, bí, rau diếp, trái cây khô, ớt, hải sản, gan động vật,…
Carotein cũng là một dạng của vitamin A. Thành phần này có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm hoặc da cam như: rau bina, cải xoăn, dưa đỏ, khoai lang, cà rốt. Ngoài ra, dinh dưỡng cho trẻ cũng cần bổ sung chất béo để giúp hấp thu carotein được tốt hơn.
Bên cạnh đó, bổ sung vitamin A cho trẻ bằng cách uống viên uống vitamin A cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, việc uống các vitamin A này phải tham khảo qua sự chỉ định của bác sĩ. Thông thường, trẻ cần uống vitamin A 6 tháng/ lần, tùy theo độ tuổi mà liều lượng uống cũng khác nhau, trẻ dưới 1 tuổi là 100.000 UI, trẻ trên 1 tuổi là 200.000 UI.
Bệnh khô mắt có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, tổn thương nặng nề đến thị giác, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác, thậm chí là gây tử vong. Vậy nên, các bậc phụ huynh hãy chủ động giúp trẻ phòng chống khô mắt bằng các biện pháp trên đây nhé!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.