1. Tổng quan về Chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp tầm soát u
- Tên khoa học: Chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp tầm soát u
- Tên thường gọi : Chụp CT phổi liều thấp
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Ung thư phổi là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Do giai đoạn đầu khó phát hiện trên hình ảnh Xquang nên bệnh nhân thường bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.
Chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp là kĩ thuật đặc biệt, kết hợp giữa trang thiết bị hiện đại, thuật toán vi tính phức tạp, tạo ra nhiều lát cắt mỏng để sớm phát hiện các tổn thương dù nhỏ nhất. Sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp liều thấp là một tiến bộ lớn của lĩnh vực sàng lọc ung thư. Cách sàng lọc này với phần mềm vi tính hỗ trợ diễn giải hình ảnh chụp chính xác và giảm chi phí. Liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường.
Kỹ thuật này dùng để chẩn đoán bệnh gì?
- Ung thư phổi
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Các bệnh nhân có tổn thương thành ngực, phổi, trung thất.
- Người có nguy cơ trung bình: Từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngừng trên 15 năm;
- Người có nguy cơ cao: Từ 50 tuổi, hút thuốc 30 bao – năm;
- Tiếp xúc khói, bụi, ô nhiễm nghề nghiệp, sống trong môi trường nhiễm xạ;
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư phổi;
- Các trường hợp có nhu cầu.
Chống chỉ định:
- Không có chống chỉ định tuyệt đối.
- Chống chỉ định tương đối với phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Chụp cắt lớp vi tính thông thường đã có khả năng phát hiện các dấu hiệu bất thường rất nhỏ trong phổi, với chụp cắt lớp vi tính liều thấp, hiệu quả còn lớn hơn rất nhiều, dễ dàng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất, dễ điều trị nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
- Quá trình chụp tương đối nhanh, dễ thực hiện ngay cả với bệnh nhân gặp khó khăn khi được yêu cầu tạm nhịn thở (bệnh nhân sẽ được yêu cầu nín thở trong khoảng thời gian rất ngắn, khoảng 5 – 10 giây trong lúc chụp).
- Quá trình chụp không đau, không xâm lấn, chụp cắt lớp vi tính liều thấp không yêu cầu sử dụng thuốc đối quang.
- Không tồn dư bức xạ sau khi chụp.
- Tia xạ sử dụng trong chụp cắt lớp vi tính liều thấp không gây ra tác dụng phụ tức thời, không ảnh hưởng tới các vật kim loại trong người bệnh nhân (như máy tạo nhịp, khớp nhân tạo,…).
- Chụp cắt lớp vi tính liều thấp sử dụng liều bức xạ thấp hơn rất nhiều so với chụp cắt lớp vi tính tiêu chuẩn.
- Sàng lọc ung thư phổi với chụp cắt lớp vi tính liều thấp đã được chứng minh giảm nguy cơ tử vong đối với nhóm người bệnh nguy cơ cao.
- Khi phát hiện ung thư, thường phát hiện được ở giai đoạn rất sớm, điều trị hiệu quả và dễ dàng hơn.
Nhược điểm:
- Dương tính giả có thể xảy ra khi kết quả cuối cùng là bất thường, nhưng thực tế không có ung thư. Lúc này cần làm thêm các xét nghiệm, có thể làm lại chụp cắt lớp vi tính hoặc tiến hành xét nghiệm có xâm lấn, như sinh thiết phổi. Bệnh nhân sẽ được tư vấn kỹ trong trường hợp này.
- Âm tính giả, tức là kết quả cuối cùng hoàn toàn bình thường, nhưng thực tế bệnh nhân đã bị ung thư.
- Không phải tất cả mọi loại ung thư khi được phát hiện bởi chụp cắt lớp vi tính liều thấp đều đang ở giai đoạn sớm. Nếu bệnh đã ở giai đoạn muộn, thì kết quả điều trị sẽ rất hạn chế, thời gian sống còn lại ngắn và chất lượng cuộc sống suy giảm. Do đó sàng lọc ung thư sớm rất quan trọng.
4. Quy trình thực hiện Chụp cắt lớp vi tính phổi
- Bước 1: Đặt người bệnh nằm ngửa, 2 tay giơ cao qua đầu, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh hít vào, nín thở nhiều lần với mức độ giống nhau để có được các lớp cắt liên tiếp.
- Bước 2: Tiến hành chụp định vị (scout view) lấy toàn bộ lồng ngực từ nền cổ đến hết cơ hoành.
- Bước 3: Chụp các lớp cắt liên tiếp, xoắn ốc từ đỉnh phổi đến hết góc sườn hoành, độ dày lớp cắt tùy thuộc vào kích thước tổn thương từ 3 đến 10mm. Trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư phế quản phổi sẽ cắt hết đến tuyến thượng thận để tìm di căn.
- Bước 4: In phim hoặc chuyển ảnh sang trạm làm việc của bác sĩ.
Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
Theo đánh giá từ chuyên gia, về cơ bản chụp CT phổi vẫn là giải pháp Y khoa an toàn với nguy cơ rủi ro thấp. Hiện nay, mới chỉ ghi nhận một số trường hợp cụ thể là dị ứng thuốc cản quang (hay chất liệu tương phản tĩnh mạch) gây ra các tác dụng phụ như ngứa, phát ban, nóng rát. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể qua đi rất nhanh hoặc sử dụng thuốc hỗ trợ giúp giảm bớt khó chịu cho bệnh nhân.
Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này
- Máy chụp CT 640 lát, TSX – 301C
5. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Nhịn ăn 4 – 6 giờ trước khi tiến hành chụp CT.
- Thông báo đến bác sĩ nếu đang cho con bú, phụ nữ trong thời kỳ thai sản hoặc nghi ngờ mang thai.
- Nếu bệnh nhân có các triệu chứng hoặc tiền sử bệnh lý: Tiểu đường, hen suyễn, tim mạch, thận, dị ứng thuốc hoặc đang trong quá trình sử dụng thuốc điều trị bất kỳ bệnh lý khác cần báo cho bác sĩ trước khi thực hiện chụp CT.
- Kim loại có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp CT, do đó cần tháo tất cả các dụng cụ như: cặp tóc, trang sức, kính, thiết bị trợ thính, răng giả,…trước khi thực hiện.
Nguồn: Vinmec