Dịch tả lợn Châu Phi đang lan rộng, hiện đã ghi nhận 10 tỉnh thành có lợn mắc bệnh, trong đó có Hà Nội. Theo Bộ NN&PTNT, đã có hơn 4000 con heo mắc dịch tả bị tiêu hủy trong gần một tháng qua.
1. Bệnh tả lợn Châu Phi là gì?
Tả lợn châu Phi là là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%.. Virus gây bệnh có độc lực cao sẽ gây sốt cao và khiến đàn heo trở nên chán ăn, bị xuất huyết da và nội tạng. Tỷ lệ tử vong của lợn nhiễm bệnh có thể lên tới 100%. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết dịch tả lợn hiện không có vắcxin và không thể chữa.
Theo ARCGIS, tả lợn châu Phi được phát hiện lần đầu ở Kenya năm 1921 và nhanh chóng lan sang các quốc gia châu Phi khác. Năm 1957, dịch tấn công Bồ Đào Nha. Đây là lần đầu tiên tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến châu lục khác song lập tức được kiểm soát.
2. Mức độ lây lan đáng sợ của dịch tả lợn Châu Phi
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn.
Dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin và thuốc đặc trị do đó, khi phát hiện có dịch, cơ quan thú y lập tức áp dụng hình thức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của hộ chăn nuôi. Hình thức tiêu hủy chủ yếu là đào hố chôn lợn, rắc thêm vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng và thực hiện các biện pháp dập dịch theo đúng quy định của pháp luật.
Tính từ năm 2017 đến tháng 2/2019 đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), hơn một triệu con buộc phải tiêu hủy. Riêng tại Trung Quốc có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới Việt Nam), tiêu hủy hơn 950.000 con heo.
Tại Việt Nam dịch tả lợn Châu Phi đang lan rộng, hiện đã ghi nhận 10 tỉnh thành có lợn mắc bệnh, trong đó có Hà Nội. Theo Bộ NN&PTNT, tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là trên 6.400 con trong đó, đã có hơn 4000 con heo mắc dịch tả bị tiêu hủy trong gần một tháng qua.
Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến nay, dịch lan ra 10 tỉnh thành trong cả nước. Hà Nội có một ổ dịch tại hộ chăn nuôi lợn rừng khu Đầm Nấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên.
Trong một cuộc họp ngày 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “chống dịch như chống giặc”, “các ngành phải xắn tay áo ngăn chặn dịch”. TP HCM kiến nghị lập chốt kiểm dịch tại Đèo Hải Vân, cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam để ngăn chặn tình trạng dịch lan rộng cả nước.
Với 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, trên 10.000 trang trại, thịt lợn hiện chiếm 70% các sản phẩm thịt tại Việt Nam. Cục trưởng Cục Thú y – Phạm Văn Đông khuyến cáo người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp “sinh học” như vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch.
“Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, dán dấu, lăn dấu, dán tem kiểm định theo quy định pháp luật. Không nên tẩy chay mặt hàng thịt lợn”, ông Đông kêu gọi.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.