Số lượng người nhiễm chủng virus corona mới đang tăng nhanh mỗi ngày. Để kiểm soát dịch bệnh thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo công dân các nước nên cẩn thận và chủ động phòng ngừa hơn. Nhất là khi bạn có ý định đến mua sắm hay buôn ban tại những khu chợ ẩm ướt của Trung Quốc và Đông Nam Á.
Dịch nhiễm viêm phổi cấp do virus corona gây nên bắt đầu từ Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ giữa tháng 12/2019. Nơi bắt nguồn của dịch bệnh được cho là từ một khu chợ hải sản, chuyên buôn bán các loài động vật hoang dã và tươi sống như dơi, chó sói, tê tê… Tuy nhiên thực hư ra sao thì hiện nay vẫn còn khá nhiều tranh cãi.
Hướng dẫn phòng bệnh tại các khu chợ
Vừa qua trong hướng dẫn phòng bệnh đặc biệt của WHO ban hành để phòng virus corona thì các khu chợ trong khu vực Đông Nam Á cũng được nhắc đến. Theo đó người dân được khuyến cáo là nên cẩn thận và chủ động phòng bệnh hơn nếu đi mua sắm ở những khu chợ ẩm ướt của Trung Quốc hay Đông Nam Á. Có 4 hành động mà người dân đi mua đồ tại chợ cần làm là:
- Nếu lỡ đụng vào bất cứ động vật hoặc sản phẩm động vật nào thì cần tìm chỗ có thể rửa tay lại bằng xà phòng ngay.
- Trong suốt quá trình đi mua đồ chúng ta cần tránh chạm tay vào các khu vực dễ lây bệnh như mắt, mũi, miệng.
- Nếu có nghi ngờ con vật nào bị bệnh hay thịt đã ôi, thiu thì tuyệt đối không đến gần.
- Những loài động vật hoang lảng vảng trong chợ như chó mèo hay rác thải cũng phải tránh xa.
Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi đi mua hàng ở chợ
Nấu ăn đúng cách trong mùa dịch
Ngoài ra khi nấu ăn trong mùa dịch, WHO còn khuyến cáo chúng ta lưu ý 4 điểm để có thể phòng virus corona lây lan. Điều đầu tiên chính là khi sơ chế thịt sống và xắt thịt chín cần sử dụng 2 bộ dao và thớt riêng biệt. Dù cho bạn luôn rửa chúng sạch sẽ đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể đảm bảo 100% không có nguy cơ gì.
Thứ hai, mỗi lần chuyển đổi giữa chạm vào thực phẩm sống và thực phẩm đã nấu chín cũng phải rửa tay lại sạch sẽ. Thứ ba, thịt động vật chết là thứ mà chúng ta tuyệt đối không nên sử dụng bởi nguy cơ tiềm ẩn các mầm bệnh trong nó. Cuối cùng, toàn bộ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật cần được tiêu thụ an toàn. Cụ thể chúng ta nên sử dụng cách nấu duy nhất là sơ chế đúng và nấu chín thật kỹ (tuyệt đối không ăn đồ sống hay tái).
Lưu ý cho các tiểu thương
WHO cũng có các khuyến cáo cho nhóm đối tượng là tiểu thương trong các khu chợ. Đối với người buôn bán sản phẩm là động vật thì cần lưu ý phòng hộ thật kỹ lưỡng bằng các vật dụng như khẩu trang, găng tay, tạp dề… Sau khi làm việc cũng phải chủ động giặt sạch trang phục ngay.
Ngoài ra tại nhà chúng ta cũng phải lưu ý tránh để người trong nhà chạm tay vào quần áo hay giày dép đã qua sử dụng khi làm việc. Mỗi ngày bạn nhớ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước khi chạm vào động vật hay các loại sản phẩm từ động vật. Ngay cả quầy hàng cũng là địa điểm cần vệ sinh cẩn thận.
Người buôn bán cần có ý thức phòng hộ tốt trong mùa dịch
Thông tin nguồn lây chính của virus corona là động vật hoang dã vẫn chưa được chứng thực. Hơn nữa vẫn chưa có bằng chứng xác định rằng thú cưng và gia súc có mang mầm bệnh hay không. Do đó WHO trên hết vẫn khuyến khích mọi người cần cẩn trọng và tỉnh táo.
Tốt nhất là chúng ta nên làm tốt công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona gây nên. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng khả nghi nào như sốt, ho, khó thở thì hãy đến thăm khám và thông báo lịch trình di chuyển gần đây cho bác sĩ. Sinh hoạt mỗi ngày cũng phải chú ý đến vấn đề vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế tối đa việc chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Ở những chỗ đông người, chúng ta có thể đeo khẩu trang để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Nếu thấy có người bị sốt, ho thì bạn cũng nên tránh tiếp xúc. Trong tình trạng dịch tiến triển phức tạp như hiện nay thì tự biết cách bảo vệ bản thân chính là phương pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả nhất. Nếu cần được tư vấn gì thêm thì bạn cũng đừng ngại điện thoại đến đường dây nóng của Bộ Y tế thông qua số 1900-3228 để được giải đáp thắc mắc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.