Bệnh bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm có thể bùng phát thành đại dịch tàn phá khắp thế giới, bệnh đang gây hoang mang ở các địa phương Việt Nam. Vậy đối tượng nguy cơ nào dễ mắc bệnh bạch hầu và triệu chứng của bệnh như thế nào?
Bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu
- Trẻ em và người lớn ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
- Những người suy giảm miễn dịch.
- Người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh.
- Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc-xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cao (lên đến 97%) nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh.
Triệu chứng khi mắc bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh nhân mắc bạch hầu sẽ có triệu chứng diễn ra trong khoảng 2 – 5 ngày kể từ khi phơi nhiễm. Giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ có dấu hiệu đau họng, ho và sốt nhẹ kèm theo ớn lạnh. Những triệu chứng này sẽ biến chuyển trầm trọng hơn theo thời gian. Những triệu chứng này khá giống với cảm lạnh nên nhiều bố mẹ không nhận biết được trẻ đang bị phơi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Tùy theo vị trí vi khuẩn bạch hầu phát triển, mỗi bệnh nhân sẽ có các biểu hiện không giống nhau:
Bệnh bạch hầu ở mũi trước: Người bệnh có dấu hiệu sổ mũi, chảy nước mũi kèm chất nhầy và máu. Khi thăm khám kỹ quan sát được có màng trắng tại vách ngăn của mũi. Đây là dạng bệnh nhẹ bởi độc tố vi khuẩn không xâm lấn sâu vào máu.
Bạch hầu họng và amidan: Tại điểm nhiễm này thì người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng ngà hoặc xám, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Lớp giả mạc rất khó bóc và dễ gây chảy máu.
Do tại thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm, sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nặng, quan sát bệnh nhân sẽ thấy phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, thậm chí là hôn mê. Nếu không được điều trị sớm và tích cực thì có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Bạch hầu thanh quản: Đây là một thể tiến triển khá nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân biểu hiện bằng các dấu hiệu như sốt, giọng bị khàn đi và ho như tiếng chó sủa. Khi khám, bác sĩ quan sát thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có thể tử vong nhanh chóng.
Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp hoặc chỉ thể nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai. Diễn tiến bệnh và những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Bạch hầu
Kháng độc tố
Dùng ngay 40.000 đơn vị kháng độc tố bạch hầu (TB hoặc TM), vì chậm trễ có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Vì có một nguy cơ nhỏ có thể bị phản vệ nặng với huyết thanh ngựa trong kháng độc tố, do đó đầu tiên cần thử test trong da trước để phát hiện quá mẫn và phải trong tư thế sẵn sàng điều trị sốc phản vệ.
Kháng sinh
Bất kỳ trẻ nào nghi ngờ bạch hầu đều cần được tiêm bắp sâu mỗi ngày với procaine benzylpenicillin liều 50mg/kg (tối đa 1,2g) trong 10 ngày. Thuốc này không nên tiêm tĩnh mạch.
Liệu pháp oxy
Tránh thở oxy trừ phi bắt đầu có tắc nghẽn đường thở. Các dấu hiệu như thở rút lõm ngực nặng hay bứt rứt có nhiều khả năng là chỉ định của mở khí quản (hay đặt nội khí quản) hơn là cho thở oxy. Ngoài ra, sử dụng catheter mũi hay mũi hầu có thể làm trẻ khó chịu và mau thúc đẩy đến tình trạng tắc nghẽn đường thở.
Tuy nhiên, nên cho thở oxy nếu bắt đầu có tình trạng tắc nghẽn và đặt nội khí quản hay mở khí quản được cho là cần thiết.
Mở khí quản/đặt nội khí quản
Mở khí quản chỉ nên thực hiện bởi đội ngũ có kinh nghiệm, khi có dấu hiệu của tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, như thở rút lõm ngực nặng và bứt rứt. Khi đó, mở khí quản cấp cứu cần được thực hiện. Đặt nội khí quản qua miệng là thủ thuật thay thế, nhưng có thể làm bong tróc giả mạc và không thể giải phóng tắc nghẽn.
Điều trị hỗ trợ
- Nếu trẻ bị sốt (≥ 39 độ C) làm trẻ khó chịu, dùng paracetamol.
- Khuyến khích trẻ ăn và uống.
- Nếu trẻ khó nuốt, có thể nuôi ăn qua ống sonde mũi dạ dày. Ống sonde dạ dày nên được đặt bởi bác sĩ có kinh nghiệm, hoặc nếu có thể, bởi bác sĩ gây mê.
- Tránh thăm khám thường xuyên và thực hiện các thủ thuật xâm lấn khi có thể hoặc tránh quấy rầy trẻ khi không cần thiết.
Theo dõi
Tình trạng của trẻ, đặc biệt là tình trạng hô hấp, cần được đánh giá bởi điều dưỡng mỗi 3 giờ và bởi bác sĩ hai lần một ngày. Trẻ nên được đặt nằm gần phòng điều dưỡng, để có thể phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nào ngay khi dấu hiệu mới chớm nặng lên.
Nguồn Tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.