Kết quả xét nghiệm suy dinh dưỡng trẻ em cho thấy bé đã bị suy dinh dưỡng? Bạn lo lắng, hoang mang không biết xử trí khi trẻ bị suy dinh dưỡng như thế nào? Cần chăm sóc bé ra sao để bé mau phục hồi dinh dưỡng? Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách chăm bé tốt nhất khi bị suy dinh dưỡng.
Chế độ ăn đủ chất và cách ăn phù hợp
Một trong những nguyên tắc xử trí khi trẻ bị dinh dưỡng quan trọng nhất chính là chế độ ăn cho trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng có hệ tiêu hóa kém hấp thu và thiếu các vi chất dinh dưỡng. Chính vì thế bạn cần bổ sung các thức ăn dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng trong một chế độ ăn khoa học cho trẻ suy dinh dưỡng.
Nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu protein và sắt như thịt bò, thịt gà, thịt heo, cá, lòng đỏ trứng…Bổ sung vitamin, nhất là vitamin A, B, D và khoáng chất như sắt và canxi vào bữa ăn cho trẻ với các loại thực phẩm như cà rốt, khoai tây, bông cải xanh, gan, tôm, mực, ngũ cốc và các loại trái cây.
Khi bị suy dinh dưỡng hệ tiêu hóa của trẻ rất yếu vì vậy bạn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. Thức ăn nấu xong nên cho trẻ ăn ngay, không nên để quá lâu. Nếu thức ăn đã để hơn 3 giờ cần phải hâm sôi lại mới có thể cho trẻ ăn.
Thực phẩm tươi sống nên chế biến ngay sau khi mua về, nên hạn chế nấu các loại thực phẩm sống đã để lâu trong tủ lạnh cho trẻ. Các dụng cụ chế biến thức ăn cho trẻ cũng cần phải làm sạch và rửa qua nước sôi trước khi sử dụng.
Do thiếu chất nên cơ thể trẻ rất hay mệt mỏi, chán ăn, bạn nên kiên nhẫn tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn, bày nhiều trò chơi dụ trẻ để trẻ thích ăn thay vì ép trẻ ăn trong nước mắt sẽ không tốt cho tiêu hóa.
Thường xuyên vệ sinh cá nhân cho trẻ
Trẻ suy dinh dưỡng hệ miễn dịch kém rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Bạn nên tắm rửa thường xuyên cho trẻ vào mùa hè. Giữ ấm cơ thể cho trẻ vào mùa đông để tránh nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp.
Nên giữ quần áo của trẻ luôn sạch sẽ, thay ngay khi áo quần lấm bẩn nhiều. Tập cho trẻ thói quen đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện. Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ. Không cho trẻ mút tay, không quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ vật bẩn lên miệng để tránh các bệnh giun sán.
Giữ môi trường xung quanh sạch sẽ
Bạn cần đảm bảo chỗ ăn và chỗ ngủ của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát. Khu vực chơi của trẻ cũng cần được lau dọn thường xuyên để luôn sạch mát, an toàn. Đồ dùng và đồ chơi của trẻ cũng cần được rửa thường xuyên để luôn sạch sẽ và khô ráo.
Thỉnh thoảng bạn cũng nên cho trẻ chơi ngoài sân vào buổi sáng sớm để hấp thu vitamin D qua ánh nắng mặt trời nhưng lưu ý nên cho trẻ chơi ở những khu vực thoáng đãng tránh muỗi và côn trùng.
Đặc biệt lưu ý khi trẻ bị bệnh
Một vấn đề bạn cần xử trí khi trẻ bị suy dinh dưỡng nữa đó là các bệnh viêm nhiễm đường ruột và hô hấp. Trẻ sẽ thường xuyên bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sốt, ho, cảm cúm do hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm.
Khi trẻ bị bệnh, trẻ dễ cáu gắt và quấy khóc, bạn cần bình tĩnh chăm sóc trẻ với các biện pháp sơ cứu cơ bản. Nếu bệnh nhẹ, bạn cũng có thể cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh trở nặng, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị sớm.
Luôn chăm sóc tâm lý cho trẻ
Trẻ bị suy dinh dưỡng không chỉ ba mẹ lo lắng buồn rầu mà bản thân trẻ cũng sẽ rất mệt mỏi trong người, đối với các trẻ đã nhận thức được còn có thể cảm thấy tự ti ở chính mình. Bạn nên âu yếm, vỗ về yêu thương trẻ để trẻ cảm thấy bạn sẽ luôn bên trẻ. Trẻ rất cần được khích lệ, chuyện trò, nô đùa… để giúp trẻ quên cảm giác uể oải, giúp trẻ phát triển tự nhiên. Cần hạn chế sự thô bạo trong cử chỉ và lời nói của người lớn trước mặt trẻ để trẻ không bị tổn thương về mặt tinh thần.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.