Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu hình que (Corynebacterium diphtheriae) gây ra. Phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh là chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ.
Vắc-xin bạch hầu gần như không có chống chỉ định tiêm chủng, do vậy, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ đều cần tiêm phòng bệnh bạch hầu.
Tình hình bệnh bạch hầu tại Việt Nam
Theo báo cáo của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2019, toàn quốc có tất cả 53 ca mắc bạch hầu, trong đó có 5 ca tử vong. Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu ở các khu vực miền núi thuộc miền Trung và Tây Nguyên, những nơi mà việc tiêm chủng đầy đủ chưa được bao phủ. Trong tháng 6/2020 này cũng vừa ghi nhận các ca bệnh bạch hầu ở cả trẻ em, trẻ lớn và người lớn tại Đắc Nông và TP.HCM.
Tất cả người chưa được tiêm chủng ngừa bạch hầu đầy đủ đều có thể mắc bệnh.
Bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua không khí, thông qua giọt bắn từ các dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân hoặc của người lành mang trùng. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.
Tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.
Lịch tiêm chủng vacxin bạch hầu
Tiêm vắc-xin bạch hầu có ý nghĩa quan trọng trong việc dự phòng bệnh bạch hầu. Với mục đích này, người ta sử dụng biến độc tố (toxoid) bạch hầu, chính là độc tố bạch hầu đã được làm mất các độc tính, bị hấp thụ trong nhôm hydroxyd.
Hiện nay, tại Việt Nam không có vắc-xin phòng bạch hầu đơn giá, chỉ có vắc-xin phòng bạch hầu phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như:
- Vắc-xin 6 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B (Infanrix hexa, Hexaxim).
- Vắc-xin 5 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b (Pentaxim), phòng phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B (Combe Five, Quinvaxem. SII)
- Vắc-xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (Tetraxim).
- Vắc-xin 3 trong 1 phòng phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (Adacel, Boostrix, DPT)
- Vắc-xin 2 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.
Đối tượng tiêm chủng
Vắc-xin phòng bạch hầu được chỉ định tiêm cho trẻ nhỏ và người lớn tùy theo từng loại vắc-xin. Chống chỉ định tiêm vắc-xin phòng bạch hầu gần như không có, chỉ chống chỉ định nếu có phản ứng nặng với vắc-xin cùng thành phần ở lần tiêm trước hoặc dị ứng với thành phần của vắc-xin.
Lịch tiêm chủng vacxin bạch hầu
Tại Việt Nam, vắc-xin phòng bạch hầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ, 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 vào lúc 18 tháng tuổi.
Trẻ từ 4-6 tuổi có thể nhắc lại vắc-xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Đối với trẻ lớn, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai hoặc đang mang thai ở tuần thứ 27 đến dưới đến dưới 35 tuần thai có thể nhắc lại vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván; sau đó có thể nhắc mỗi 10 năm/ lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn bạch hầu lâu dài.
Trẻ em cũng như người lớn cần được tiêm vắc-xin đầy đủ theo đúng liệu trình tiêm chủng được khuyến cáo để có thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh bạch hầu.
Những lưu ý quan trọng khi tiêm chủng vacxin bạch hầu
Các phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng: Sau khi tiêm vắc-xin phòng bạch hầu có thể xuất hiện một vài tác dụng phụ như sốt, sưng đỏ, đau tại vị trí tiêm và thường tự khỏi sau 1-2 ngày.
Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường của cơ thể như sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, phát ban trên da, khó thở, tím tái, trẻ quấy khóc liên tục, bú kém, bỏ bú, li bì, hôn mê… cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.
Tiêm chủng rồi có nguy cơ bị bệnh bạch hầu hay không?
Sau khi được tiêm chủng đầy đủ, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh bạch hầu. Tuy vậy, có một số ít sau khi tiêm phòng không tạo kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể thì vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh bạch hầu. Nguyên nhân có thể là không tuân thủ phác đồ tiêm chủng, không tiêm đủ liều, cũng có thể do suy giảm miễn dịch sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm.
Trường hợp này thường gặp ở trẻ nhỏ hơn là người lớn. Một số trường hợp do tiêm vắc-xin đã quá lâu, nồng độ kháng thể trong máu giảm xuống thấp, không đủ khả năng bảo vệ thì cũng có thể bị mắc bệnh bạch hầu. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Nguồn Tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.