Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh diễn ra ngày càng phổ biến, nguyên nhân là bất cứ ai cũng có có thể dễ dàng mua được kháng sinh. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em.
1. Kháng sinh là gì?
Kháng sinh còn được gọi là trụ sinh là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Đây là các thuốc giết vi khuẩn (vi sinh mầm bệnh gây nhiễm trùng) hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu.
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng phổ biến như: tụ cầu kháng methicilline; phế cầu kháng penicilline; khuẩn salmonela đa kháng với choramphenicol, ampicillin, cotrimoxazole… Sự xuất hiện của các vi khuẩn này gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng của con người.
2. Lạm dụng kháng sinh đang phổ biến?
Để sở hữu những viên thuốc kháng sinh, bạn có thể dễ dàng ra tiệm thuốc để mua mà không cần đến sự kê đơn của bác sĩ. Có thể nói, mua kháng sinh ở Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng đến vậy. Lạm dụng thuốc kháng sinh khiến sức đề kháng của trẻ em Việt Nam trở nên ngày một yếu đi, khi các loại thuốc kháng sinh giờ đây đã không còn khả năng tiêu diệt các loại nhiễm trùng thông thường.
Các bậc phụ huynh thấy trẻ bị ho, sốt, viêm họng nhẹ, mặc dù chưa cần dùng đến thuốc kháng sinh cũng tự ý kê đơn kháng sinh hoặc mua thuốc theo đơn cũ cho trẻ uống. Những bệnh nhẹ này của trẻ thay vì sử dụng thuốc kháng sinh có thể dùng những biện pháp vừa an toàn vừa hiệu quả như rửa mũi, súc họng bằng nước muối, sử dụng thuốc ho…
Nếu bệnh tình tái phát hoặc không thuyên giảm thì đưa trẻ đến các trung tâm y tế điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khiến cho thuốc không những không trị được bệnh, mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh.
Kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn, mà bệnh trẻ mắc có phải do nhiễm khuẩn hay không, chỉ có thể do bác sĩ khám và đưa ra kết luận. Do đó, thuốc kháng sinh phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ.
3. Hậu quả khó lường khi lạm dụng kháng sinh
Sử dụng kháng sinh như một con dao hai lưỡi, một mặt nó giúp điều trị bệnh hiệu quả, mặt khác khi sử dụng thuốc kháng sinh, ít nhiều trên cơ thể có các vi khuẩn tiết ra các chất đề kháng lại kháng sinh mà người bệnh dùng. Có thể thấy, nếu thường xuyên sử dụng kháng sinh dù đúng bệnh hay lạm dụng thì mức độ đề kháng với kháng sinh sẽ tăng lên, nếu càng nhiều loại thì cơ thể sẽ đề kháng càng nhiều kháng sinh.
Càng về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì sẽ không còn tác dụng nữa, người bệnh dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong. Kháng sinh sử dụng bừa bãi sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em.
Gây ngộ độc: Thuốc kháng sinh hay bất cứ loại thuốc nào được đưa vào cơ thể con người đều được hấp thụ, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận. Vì vậy, gan sẽ là bộ phận đầu tiên tiếp nhận và gây phản ứng. Gan và thận ở trẻ em còn rất yếu, chưa hoàn thiện và còn thải trừ chậm, nên nếu sử dụng thuốc thường xuyên sẽ gây tình trạng tích tụ và ngộ độc.
Gây dị ứng, tiểu đường và béo phì: Ít ai có thể ngờ, lạm dụng thuốc kháng sinh cũng khiến trẻ bị béo phì và tiểu đường. Nguyên nhân là thuốc kháng sinh sẽ làm hại vi khuẩn đường ruột của trẻ. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh chứa một số phẩm màu tương tác với ibuprofen và acetaminophen, là các thuốc hay dùng cho trẻ. Chỉ cần một lượng rất nhỏ phụ gia cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở trẻ mẫn cảm.
Kháng kháng sinh: Việc lạm dụng thuốc kháng sinh đang khiến sức đề kháng của thế hệ trẻ em bị yếu đi. Hiện tượng lờn thuốc, kháng kháng sinh làm việc điều trị các bệnh thông thường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, vi khuẩn giờ đây có khả năng kháng lại đại đa số các loại kháng sinh.
Tăng nguy cơ tử vong do tiêu chảy: Phần lớn các bệnh cảm cúm đều là do virus, do đó làm dụng kháng sinh trong trường hợp này không những không trị bệnh mà còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn là tiêu chảy, khiến bệnh tình trầm trọng và tăng nguy cơ tử vong.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt với trẻ em, phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng kháng sinh khi không có đơn thuốc của bác sĩ. Trong trường hợp, trẻ bị bệnh lại cũng không sử dụng thuốc kháng sinh thừa từ lần điều trị trước, không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình với người khác. Luôn dùng kháng sinh đủ liều, ngay cả khi sức khỏe đã khá hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.