Nội soi chẩn đoán buồng tử cung và sinh thiết

1. Tổng quan về Nội soi chẩn đoán buồng tử cung và sinh thiết

Tên khoa học: Nội soi chẩn đoán buồng tử cung và sinh thiết

Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Nội soi chẩn đoán buồng tử cung là một thủ thuật được dùng để chẩn đoán hoặc điều trị một số bệnh lý của tử cung. Dụng cụ được sử dụng là một ống nội soi nhỏ, nhẹ giống kính thiên văn. Ống nội soi sẽ được đưa vào tử cung qua âm đạo và truyền tín hiệu hình ảnh về một màn hình.

Sinh thiết tử cung là thủ thuật lấy đi một mảnh tế bào trong tử cung soi dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải.

2. Kỹ thuật này dùng để chẩn đoán bệnh gì?

  • U xơ tử cung
  • Ung thư nội mạc tử cung
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Ung thư cổ tử cung

3. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Áp dụng với bệnh nhân:

  • Loại bỏ sẹo dính xảy ra do nhiễm trùng hoặc do lần phẫu thuật trước đó.
  • Chẩn đoán nguyên nhân sẩy thai liên tiếp khi một người phụ nữ sẩy thai từ hai lần liên tiếp trở lên.
  • Đặt dụng cụ tử cung tránh thai.
  • Triệt sản: sử dụng ống nội soi để đặt một thiết bị vào ống dẫn trứng của người phụ nữ như là một biện pháp ngừa thai vĩnh viễn.
  • Bệnh nhân bị xuất huyết tử cung bất thường. 

Chống chỉ định

  • Bệnh nhân đang mang thai.
  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường sinh dục.
  • Bệnh nhân đang xuất huyết âm đạo nhiều.
  • Bệnh nhân có nhân xơ ở lòng tử cung kích thước lớn (>=  5cm thì cần điều trị thuốc cho u xơ giảm kích thước trước).
  • Bệnh nhân có bệnh lý ác tính tại buồng tử cung.
  • Bệnh nhân bị dị ứng với chất dịch làm căng buồng tử cung.

4. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật – Nội soi và sinh thiết

Ưu điểm:

  • An toàn cho sức khỏe bệnh nhân.
  • Hạn chế xâm lấn đến cơ thể bệnh nhân.
  • Bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, có thể ra về ngay sau khi thực hiện nội soi.

Nhược điểm:

Nội soi buồng tử cung là một thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, có thể xảy ra một vài biến chứng.

  • Tai biến do gây mê, dị ứng thuốc mê, tê, đặt ống thở khó khăn.
  • Quá tải lưu lượng máu do hấp thu nhiều nước sử dụng trong mổ.
  • Chảy máu tại cổ tử cung, thủng tử cung, nhiễm trùng.

5. Quy trình thực hiện – Nội soi và sinh thiết

Bước 1: Đặt bệnh nhân lên giường bệnh đúng tư thế và tiến hành gây mê. Bác sĩ có thể gây tê vùng hoặc gây tê toàn thân, tùy thuộc vào tâm lý của bệnh nhân.

Bước 2: Nong cổ tử cung bệnh nhân rộng ra.

Bước 3: Tiến hành thủ thuật.

  • Đặt mỏ vịt vào âm đạo.
  • Đưa ống nội soi có gắn máy quay phim và nguồn sáng qua cổ tử cung vào tử cung.
  • Bơm khí carbon dioxide hoặc là một chất lỏng, như nước muối sinh lý vào để làm giãn tử cung.
  • Bác sĩ thực hiện quan sát nội mạc tử cung, phần đầu ống dẫn trứng, đồng thời kiểm tra lượng dịch trong suốt quá trình nội soi.
  • Đưa dụng cụ sinh thiết vào tử cung thông qua ống nội soi và lấy tế bào trong tử cung.

Bước 4: Kết thúc thủ thuật.

  • Đưa tế bào dùng để sinh thiết ra ngoài bảo quản đúng cách cho đến khi kiểm tra, xét nghiệm.
  • Đưa ống nội soi ra ngoài.
  • Cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi.

Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Bệnh nhân bị đau thắt nhẹ ở âm đạo và tử cung.
  • Bệnh nhân bị xuất huyết nhẹ trong vòng vài ngày sau thủ thuật.
  • Âm đạo của bệnh nhân tiết dịch.

6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

  • Bệnh nhân bị sốt và rét run.
  • Bệnh nhân bị xuất huyết nặng.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Nên thực hiện thủ thuật vào ngày bệnh nhân vừa sạch kinh để chắc chắn bệnh nhân không có thai và cũng dễ dàng quan sát các tổn thương trong buồng tử cung.
  • Hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh vùng kín đúng cách và sạch sẽ: Sau khi nội soi tử cung, vết thương đau và chưa hồi phục, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ xâm nhập vùng kín và tấn công tử cung gây bệnh. Vì thế, cần quan tâm đến vệ sinh vùng kín đúng cách và sạch sẽ để ngăn vi khuẩn tấn công. Trường hợp dịch bẩn tiết ra, cần đóng băng vệ sinh và thay 2-3 lần mỗi ngày.
  • Bệnh nhân cần chú ý chế độ ăn uống: Sau khi nội soi tử cung, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Tránh thực phẩm dễ gây kích thích co bóp tử cung như đu đủ xanh, rau ngót, rau chùm ngây… vì những cơn co bóp sẽ khiến vết thương lâu hồi phục.
  • Bệnh nhân nên chú ý sinh hoạt hàng ngày: Nên nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, để giúp lưu thông máu tốt hơn, đào thải dịch bẩn còn sót lại ở tử cung. Hạn chế vận động mạnh, đặc biệt cần kiêng quan hệ tình dục trong tháng đầu.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *