Phân biệt LDL Cholesterol “Cholesterol xấu” và HDL Cholesterol “Cholesterol tốt”

Trong cơ thể con người có 2 loại lipoprotein mang cholesterol đến và đi từ tế bào. Một loại là lipoprotein tỷ trọng thấp, hay còn gọi là LDL “xấu”, loại còn lại là lipoprotein tỷ trọng cao, chính là HDL “tốt”.

Vậy vì sao lại gọi là Cholesterol “xấu” và Cholesterol “tốt” và cách phân biệt 2 loại Cholesterol này.

Cholesterol “xấu” và cholesterol “tốt”

Cholesterol là chất không thể hòa tan trong máu, vì thế để lưu thông được theo dòng máu, cholesterol phải được bao quanh bằng một lớp áo protein đặc biệt là lipoprotein. Có 2 loại lipoprotein quan trọng là:

Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL): tham gia vận chuyển hầu hết cholesterol trong máu của cơ thể. Khi có quá nhiều LDL trong máu, thành động mạch sẽ bị lắng đọng mỡ, gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Và đây chính là căn nguyên dẫn đến các bệnh tim mạch nguy hiểm. Do đó, LDL được xem là cholesterol “xấu”.

Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL): Ngược lại với LDL, HDL có nhiệm vụ lấy cholesterol ra khỏi máu và ngăn chặn chúng không xâm nhập vào thành động mạch, từ đó giúp hạn chế sự hình thành mảng xơ vữa. Như vậy, HDL được coi là cholesterol “tốt”.

Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến nồng độ của cả Cholesterol LDL và HDL.

Hướng dẫn phân biệt LDL Cholesterol  và HDL Cholesterol

Bạn hãy cố gắng duy trì mức độ LDL và HDL như bảng trên

HDL cholesterol thường chỉ chiếm khoảng 1/4- 1/3 tổng số cholesterol trong máu, được cho là “tốt” bởi nó vận chuyển cholesterol từ máu về gan, vận chuyển cholesterol ra khỏi các mảng xơ vữa, nên sẽ giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và biến cố tim mạch nghiêm trọng khác.

LDL cholesterol được gọi là thành phần “xấu” vì LDL cholesterol nếu tăng nhiều trong máu dẫn đến lắng đọng ở thành mạch máu và gây nên các mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa lâu dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu, dẫn tới những bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…

HDL cholesterol và LDL cholesterol tốt nhất ở mức bao nhiêu?

HDL cholesterol được coi là tốt, vì thế nồng độ trong máu càng cao càng tốt, giá trị tối ưu nên đạt là > 60 mg/dL.

LDL cholesterol là cholesterol xấu cho nên cần hạn chế ở mức thấp trong máu, giá trị tối ưu là dưới 100 mg/dL.

Những nhân tố tác động tới LDL cholesterol và HDL cholesterol?

LDL cholesterol có thể bị tăng do các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống, các thói quen không tốt như hút thuốc lá, ít vận động, hoặc liên quan tới các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường…

HDL cholesterol bị giảm xuống có thể do người bệnh hút thuốc lá, thừa cân, béo phì,… Do đó, để làm HDL cholesterol tăng thì cần bỏ hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường thể dục thể thao…

Biện pháp để có mức LDL cholesterol và HDL cholesterol tối ưu?

Để có nồng độ LDL cholesterol và HDL cholesterol đạt giá trị tối ưu nhất là điều không hề dễ dàng, nó đòi hỏi sự kiên trì thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn lành mạnh và tập luyện hợp lý. Càng bắt đầu cuộc sống lành mạnh sớm bao nhiêu thì kết quả càng tốt bấy nhiêu. Các chuyên gia khuyên:

Nhóm thức ăn nên ăn giúp tăng HDL và hạn chế ăn để giảm LDL

Thực phẩm nên bổ sung:

  • Ăn nhiều rau, hoa quả.
  • Ăn các loại ngũ cốc.
  • Uống sữa không béo.
  • Thịt nạc, thịt gia cầm không da.
  • Cá béo (nhiều dầu), ít nhất 2 lần/tuần.
  • Dầu thực vật không bão hòa (dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành…).

Thức phẩm nên hạn chế:

  • Bơ thực vật, mỡ động vật, thịt động vật chưa lọc mỡ.
  • Sữa béo (nguyên kem).
  • Phủ tạng động vật.
  • Thức ăn chế biến sẵn: pate, xúc xích, salami…
  • Các đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh (bao gồm cả mì ăn liền).
  • Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân…

Chế độ tập luyện hợp lý:

  • Tập tối thiểu mỗi ngày 30 phút.
  • Tập đều đặn các ngày trong tuần.
  • Cường độ tập đủ mạnh, đủ ra mồ hôi (nếu có bệnh lý trong người nên tham khảo các bác sĩ về chế độ tập luyện cụ thể).

Sống lành mạnh, bỏ những thói quen có hại

  • Bỏ hút thuốc lá: hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sự hình thành xơ vữa động mạch, mà còn gây rối loạn lipid máu cũng như nhiều ảnh hưởng bất lợi khác.
  • Nếu uống rượu, không nên uống nhiều, tránh lạm dụng rượu. Tốt nhất nếu uống thì nên uống rượu vang đỏ, số lượng không quá 142 ml mỗi ngày.
  • Giảm cân nặng nếu thừa cân/béo phì, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức lý tưởng (BMI từ 19 – 23).
  • Tránh lối sống tĩnh tại, tránh căng thẳng.

Điều trị nội khoa

Trong trường hợp thay đổi lối sống chưa đủ để giảm lượng LDL cần thiết, có thể áp dụng điều trị nội khoa. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc giảm cholesterol, bao gồm cả statin. Mỗi loại thuốc hoạt động theo những cách khác nhau, và dĩ nhiên, có những tác dụng phụ khác nhau. Hãy xin ý kiến chuyên môn của bác sĩ để xem loại thuốc nào phù hợp với bạn. Ngay cả khi đang dùng thuốc, người bệnh cần tiếp tục thay đổi lối sống lành mạnh hơn.

Cholesterol không phải đều xấu. Trên thực tế, cholesterol là một chất béo thiết yếu. Nó cung cấp sự ổn định trong mọi tế bào của cơ thể chúng ta. Do đó, mỗi người phải tập duy trì lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh để giữ các chỉ LDL cholesterol và HDL cholesterol tối ưu.

Nguồn Tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *