Chúng ta thường nghe nhắc đến kháng sinh dự phòng được dùng trong điều trị y khoa, nhất là trong phẫu thuật. Vậy kháng sinh dự phòng là gì và nó được sử dụng nhằm mục đích gì?
Kháng sinh dự phòng được sử dụng ở nhiều mục đích khác nhau, phổ biến là trong phẫu thuật.
Kháng sinh dự phòng là gì?
Một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân sau phẫu thuật hay bệnh nhân ngoại khoa nói chung chính là nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng bệnh viện. Hậu quả dẫn đến là phải tăng sử dụng kháng sinh để điều trị, tăng chi phí và thời gian nằm viện kéo dài.
Nếu được điều trị bằng kháng sinh dự phòng phù hợp trước các ca phẫu thuật, thủ thuật có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương sau phẫu thuật. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện cẩn trọng vì có thể làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh về sau này.
Dùng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật thế nào?
Kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật là gì?
Kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật là sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng tại nơi phẫu thuật. Khái niệm này phải được phân biệt rõ ràng với sử dụng kháng sinh trước khi điều trị nhiễm trùng sớm, ví dụ như phẫu thuật viêm ruột thừa đã vỡ mặc dù tình trạng nhiễm trùng có thể vẫn chưa rõ ràng trên lâm sàng.
Nguyên tắc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật
Có 6 hướng dẫn chính yếu của việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật:
- Giới hạn kháng sinh sử dụng cho các tình huống nguy cơ cao.
- Thiết lập được nồng độ kháng sinh trong mô cơ thể trước khi phẫu thuật.
- Đưa vào cơ thể liệu pháp kháng sinh ngắn hạn giúp hạn chế tối thiểu liều thuốc có liên quan đến các phản ứng gây độc.
- Sử dụng kháng sinh lựa chọn thứ hai và thứ ba.
- Chọn kháng sinh có hiệu quả đối kháng với tác nhân gây bệnh.
- Đảm bảo rằng các lợi ích đem lại nhiều hơn tác hại của kháng sinh dự phòng.
Chọn kháng sinh dự phòng phải tuân thủ 4 nguyên tắc sau:
- Sử dụng kháng sinh dự phòng cho loại phẫu thuật mà đã có chứng cứ từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy kháng sinh dự phòng làm giảm NKVM.
- Sử dụng loại kháng sinh dự phòng an toàn, không đắt tiền, và có tác dụng diệt khuẩn đối với hầu hết các vi khuẩn có thể bị vấy nhiễm trong thời gian phẫu thuật.
- Chọn thời điểm tiêm liều kháng sinh đầu tiên sao cho đạt được nồng độ diệt khuẩn trong huyết thanh và mô trước khi rạch da.
- Duy trì nồng độ kháng sinh trong huyết thanh và mô trong suốt cuộc phẫu thuật, và vài giờ sau khâu vết mổ.
Cách dùng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật
Kháng sinh dự phòng qua đường tiêm tĩnh mạch: Kháng sinh dự phòng thường được tiêm qua đường tĩnh mạch dưới dạng bolus tại thời điểm bắt đầu gây mê để đảm bảo nồng độ mô đầy đủ khi bắt đầu cuộc mổ. Thời điểm dùng thuốc này đặc biệt quan trọng đối với hầu hết các loại beta-lactam có thời gian bán hủy tương đối ngắn. Ngoại trừ đối với vancomycin là phải được truyền trong hơn một giờ nên phải được bắt đầu sớm hơn để việc kết thúc truyền thuốc sẽ vào lúc ngay trước khi gây mê.
Kháng sinh dùng đường tiêm bắp: Thường ít được sử dụng hơn tiêm tĩnh mạch. Loại này cũng thường được tiến hành tại thời điểm thích hợp nhằm để đạt được nồng độ trong mô cao nhất là lúc rạch da phẫu thuật.
Kháng sinh dùng đường uống hoặc trực tràng: Người bệnh cần được chỉ định dùng các thuốc này với thời điểm sớm hơn để đảm bảo nồng độ trong mô đầy đủ ngay từ lúc quá trình phẫu thuật bắt đầu. Thuốc metronidazol dạng viên đạn thường được sử dụng trong phẫu thuật đường ruột và phải được dùng trong 2 – 4 giờ trước khi bắt đầu.
Kháng sinh tại chỗ: Không được khuyến cáo, ngoại trừ đối với phẫu thuật nhãn khoa hay phẫu thuật tạo hình trong bỏng.
Thời gian dùng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật
Thời gian kéo dài dự kiến của cuộc mổ cùng với sự ổn định của nồng độ kháng sinh trong mô trong suốt thời gian phẫu thuật và phục hồi sinh lý bình thường sau khi gây mê sẽ quyết định thời gian dùng kháng sinh dự phòng.
Nếu phẫu thuật kéo dài trong khoảng 4 giờ hoặc ít hơn, một liều kháng sinh dự phòng duy nhất là đủ.
Ngược lại, trong các cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ, có thể cần thêm liều cách liều kháng sinh bổ sung để duy trì nồng độ, đặc biệt nếu dùng loại kháng sinh có thời gian bán hủy ngắn.
Không chỉ vậy, cần đánh giá việc tiếp tục điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho đến khi dẫn lưu phẫu thuật đã được loại bỏ hoàn toàn, tức là cho đến khi có thể đóng vết mổ hoàn toàn mà không có di chứng gì.
Tóm lại, dự phòng với kháng sinh trong phẫu thuật là một chiến lược quản lý hiệu quả để giảm nhiễm trùng hậu phẫu, cải thiện tiên lượng cuộc mổ cho người bệnh. Để được như vậy, việc sử dụng kháng sinh cần được cân nhắc chọn lựa thích hợp, đúng thời điểm với đường dùng hợp lý, đảm bảo khả năng chống nhiễm trùng an toàn suốt cuộc phẫu thuật.
Nguồn tham khảo: Vinmec
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.