Tin vui: Vaccine COVID-19 của Mỹ cho kết quả khả quan

Vaccine phòng dịch COVID-19 do công ty Moderna tại Mỹ vừa qua đã cho ra kết quả thử nghiệm vô cùng khả quan khi kích thích hệ miễn dịch mà không xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Đây là một tin đáng mừng khi tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, nhất là Mỹ.

Hãng tin Reuters cho biết kết quả thử nghiệm chỉ ra rằng vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Moderna an toàn và kích thích tất cả các hệ miễn dịch của 45 tình nguyện viên trong thử nghiệm. Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna cho kết quả thử nghiệm khả quan.

Thử nghiệm cho kết quả an toàn và kích thích hệ miễn dịch

Tình nguyện viên được tiến hành tiêm 2 liều vaccine đã có kháng thể với virus SARS-CoV-2, nhiều hơn mức trung bình của những người bệnh đã hồi phục. Trong suốt quá trình thử nghiệm không nhận thấy tình nguyện viên nào có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tuy nhiên hơn phân nửa trong số họ có phản ứng nhẹ hoặc vừa với những biểu hiện như là mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ hoặc vị trí tiêm bị đau. Những triệu chứng kể trên xuất hiện nhiều hơn trên liều thứ 2 và ở những đối tượng được tiêm liều cao.

Tình nguyện viên không ai gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

Hãng Moderna cũng là hãng đầu tiên thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người vào ngày 16/3/2020, chỉ 66 ngày sau khi trình tự gen của virus được công bố. Vaccine do Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ phát triển. Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc viện cho rằng đây là một kết quả tốt lành, đồng thời cũng lưu ý thêm là nghiên cứu hiện chưa thấy tác dụng phụ nghiêm trọng. Ngoài ra vaccine kích thích sản sinh kháng thể ở mức khá cao giúp tiêu diệt hoặc trung hòa virus.

Ông nhận định thêm, nếu vaccine có thể kích thích phản ứng như lây nhiễm tự nhiên thì là thành công lớn. Sau thông tin khả quan trên cổ phiếu của Moderna tăng hơn 15%. Chính phủ Mỹ cũng đã tài trợ khoản tiền hơn nửa tỷ đô cho vaccine của Moderna, và chọn đó là một trong những ứng viên tham gia thử nghiệm trên người với quy mô lớn. Theo dự kiến thì vaccine này sẽ mang tên mRNA-1273, sắp tới sẽ được thử nghiệm giai đoạn 3 vào hôm 27/7 trên 30.000 tình nguyện viên.

Các nhà khoa học Anh đang nghiên cứu vaccine dạng thuốc hút hoặc xịt mũi

Nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford và Đại học Imperial London (Anh) cho rằng đưa vaccine trực tiếp vào phổi có thể là phương pháp hữu hiệu để cơ thể người chống lại triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Niêm mạc tạo thành màng dính mạnh mẽ, bẫy các virus cố tiến vào khiến cơ thể nhiễm bệnh. Do đó các nhà khoa học cho rằng chúng ta có thể đặt vaccine tại các “cổng vào” này và huấn luyện để niêm mạc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào người.

Có thể tiếp cận loại vaccine này dưới hình thức thuốc xịt mũi hoặc thuốc hít, giống như loại dùng để phòng cúm cho trẻ em. Giáo sư Sarah Gilbert của Đại học Oxford cho rằng cơ thể sẽ có phản ứng niêm mạc mạnh hơn so với miệng hoặc mũi. Đó có thể là điểm mấu chốt giúp chống lại mầm bệnh lây qua đường hô hấp và bảo vệ cơ thể.

Các nhà khoa học tin rằng đưa vaccine vào niêm mạc có thể là cách bảo vệ người cao tuổi hiệu quả hơn bởi nó củng cố phổi, nơi virus SARS-CoV-2 nhắm đến, trực tiếp. Theo họ thì vaccine thông thường hoạt động kém ổn định và ít hiệu quả với người già, trong khi nhóm đối tượng này lại có nguy cơ mắc COVID-19 nặng nhất. Nguyên nhân là bởi hệ thống miễn dịch người cao tuổi đã dần suy giảm qua mỗi năm.

Anh đang nghiên cứu vaccine COVID-19 đưa vào niêm mạc

Giáo sư Sarah Gilbert nói thêm rằng họ cần tiến hành thận trọng bởi công nghệ này còn rất mới, nên phải đảm bảo an toàn tối đa. Trước đây từng có vài nghiên cứu nhỏ về vaccine được cung cấp theo phương thức trên niêm mạc, chẳng hạn như vaccine cúm cho trẻ em. Tuy nhiên chuyện tiếp nhận vaccine qua đường mũi phải đảm bảo tính an toàn tuyệt đối, bởi khu vực này nằm rất gần với não bộ.

Hiện Đại học Oxford và Đại học Imperial London đều tiến hành thử nghiệm vaccine COVID-19 do họ phát triển bằng cách tiêm vào đường cơ bắp. Đây là cách thức đã được áp dụng lên hàng ngàn tình nguyện viên trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng gần đây.

Nguồn tham khảo: vtv.vn

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *