Ít ai biết đến vai trò của viatmin B5 đối với sức khỏe, thiếu vitamin B5 cũng gây hậu quả nguy hiểm khôn lường. Vậy hàm lượng cần thiết của loại vitamin này cũng như nguồn cung cấp chủ yếu cho cơ thể là gì?
Mặc dù ít được nhắc tới hơn so với các vitamin nhóm B khác song vitamin B5 cũng có những đóng góp quan trọng đối với sức khỏe của con người. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại vitamin cần thiết này. Mời bạn cùng theo dõi.
Đặc điểm của vitamin B5
Vitamin B5 (Axit pantothenic) là một vitamin thuộc nhóm B, tan trong nước, không tan trong dung môi hữu cơ. Trong tự nhiên, vitamin B5 được tìm thấy trong hầu hết các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và cả động vật như: thịt, ngũ cốc, bơ, bông cải xanh, sữa và một số loại rau màu xanh đậm.
Mặc dù có nhiều trong thực phẩm hàng ngày song vitamin B5 lại dễ bị hao hụt đi trong quá trình chế biến, đặc biệt, gần như mất hoàn toàn trong các thực phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm đông lạnh.
Trong lĩnh vực dược phẩm, vitamin B5 thường được kết hợp với các vitamin nhóm B khác như vitamin B1, B2, B3, B6,B7, B9, B12 hay các hoạt chất như PABA, inositol hoặc choline bitartrate dưới dạng axit D-pantothenic.
Vai trò của vitamin B5
Cũng như các loại Vitamin nhóm B khác, vitamin B5 có những vai trò quan trọng đối với dẫn truyền thần kinh, chuyển hóa và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, vitamin B5 cũng có những tác dụng riêng với hệ tạo máu và chăm sóc sắc đẹp. Cụ thể:
Chuyển hóa năng lượng
Vitamin B5 đóng vai trò như một coenzym tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate thành glucose sau đó phân hủy glucose thành năng lượng đi nuôi cơ thể.
Ngoài ra, vitamin B5 cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa chất đạm, chất béo thành năng lượng cho các hoạt động của cơ thể cũng như tái tạo các mô, cơ, cơ quan trong cơ thể giúp cho cơ thể tăng trưởng và phát triển.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Vitamin B5 đóng vai trò quan trọng trong sử dụng và điều hòa nồng độ lipid máu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vitamin B5 giúp giảm triglycerid, tăng cường hoạt động của các cholesterol tốt HDL-cholesterol cũng như giảm nồng độ của cholesterol xấu LDL-cholesterol. Từ đó giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm các nguy cơ có tăng cholesterol như: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp và đột quỵ.
Phòng và điều trị thiếu máu
Vitamin B5 tham gia vào quá trình tạo hồng cầu, giúp tăng cường sản xuất hemoglobin, từ đó giúp giảm nguy cơ bệnh thiếu máu và thiếu máu thiếu sắt.
Kiểm soát stress
Vitamin B5 tham gia vào quá trình dẫn truyền các xung động thần kinh, điều hòa chức năng tuyến thượng thận trong việc tạo cortisol – một loại hormon giúp kiểm soát tâm trạng của cơ thể. Từ đó giúp cơ thể tỉnh táo, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, cũng như phòng tránh những ảnh hưởng xấu do stress mang lại.
Tăng cường miễn dịch
Hoạt chất coenzyme A của vitamin B5 có tác dụng thải trừ độc tố cũng như các chất có hại ra ngoài cơ thể một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, vitamin B5 còn giúp tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng,…
Giúp làm đẹp da và tóc
Vitamin B5 giúp mầm tóc phân chia, kích thích mọc tóc, tăng cường độ ẩm cho tóc giúp tóc trở nên dày, chắc khỏe, óng mượt, giúp khắc phục tình trạng khô tóc, tóc chẻ ngọn và gãy rụng.
Đối với da, vitamin B5 giúp kiểm soát lượng dầu thừa trên da, giúp tái tạo biểu mô giúp se khít lỗ chân lông, hạn chế hình thành mụn trứng cá và chống lại các biểu hiện lão hóa trên da.
Nhu cầu vitamin B5 hàng ngày
Theo RDA, nhu cầu bổ sung vitamin B5 cho từng đối tượng cụ thể như sau:
- Trẻ 0 – 6 tháng: 1,7 mg/ngày
- Trẻ 7 – 12 tháng: 1,8 mg/ngày
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 2 mg/ngày
- Trẻ 4 – 8 tuổi: 3 mg/ngày
- Trẻ 9 – 13 tuổi: 4 mg/ngày
- Người từ 14 tuổi trở lên: 5 mg/ngày
- Phụ nữ mang thai: 6 mg/ngày
- Bà mẹ đang cho con bú: 7 mg/ngày
Thiếu vitamin B5 gây bệnh gì?
Vitamin B5 có nhiều trong các thực phẩm tự nhiên, do đó, nhu cầu vitamin B5 của cơ thể hầu như được bổ sung đủ thông qua bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, việc thiếu hụt vitamin B5 không phải là không có. Một số đối tượng có nguy cơ cao gặp tình trạng thiếu hụt này như: người nghiện rượu, suy dinh dưỡng, phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai và những người mắc hội chứng kém hấp thu như: nôn ói, tiêu chảy, cắt đoạn ruột.
Việc bổ sung không đủ lượng vitamin B5 cần thiết cho cơ thể có thể gây ra một số ảnh hưởng như:
- Mệt mỏi, nhức đầu, ngủ gà.
- Dị cảm ở các chi.
- Tăng phản xạ, yếu cơ chi dưới.
- Thay đổi tâm trạng, hay căng thẳng, cáu gắt.
- Chuột rút.
- Các vấn đề về tiêu hóa, dạ dày-ruột.
Các triệu chứng trên sẽ nhanh chóng biến mất nêu cơ thể kịp bổ sung vitamin B5.
Nguồn bổ sung vitamin B5
Nguồn bổ sung vitamin B5 cho cơ thể chủ yếu từ các thực phẩm có trong tự nhiên như các loại thịt, hải sản, trứng, sữa và các loại rau củ. Sau đây là lượng vitamin B5 có trong một số thực phẩm:
- 1 quả bơ chứa 2 mg vitamin B5.
- 1 chén bông cải xanh cung cấp 1 mg vitamin B5.
- 1 lát gan bò cung cấp 4,8 mg vitamin B5.
- 1 ly sữa chua cung cấp 1 mg vitamin B5.
- 2 quả trứng cung cấp 1,5 mg vitamin B5.
- 1 lát cá hồi khoảng 85g cung cấp 1,41 mg vitamin B5.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại viên uống tổng hợp có chứa vitamin B5 để phòng và điều trị các dấu hiệu thiếu hụt vitamin B5 cũng như các loại vitamin khác của cơ thể.
Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi lựa chọn sử dụng các loại thuốc này.
Tác hại khi thừa vitamin B5
Việc dư thừa vitamin B5 rất ít gặp và thường chỉ xảy ra ở những trường hợp sử dụng vitamin bổ sung quá nhiều.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc dư thừa này hầu như không đáng lo ngại do không đem lại hậu quả xấu nào đối với cơ thể, trừ các triệu chứng rối loạn đường ruột nhẹ như: buồn nôn, ợ hơi, tiêu chảy.
Trên đây là những thông tin khái quát liên quan đến vitamin B5. Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc xung quanh loại vitamin này. Chúc bạn luôn thật nhiều sức khỏe!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.