Vitamin B12 là loại vitamin cần thiết cho cơ thể để tạo máu, thần kinh, hồi phục cơ thể… Cùng tim hiểu về lợi ích, hàm lượng, hậu quả khi thiếu hoặc bổ sung thừa vitamin B12 cho cơ thể trong bài viết sau đây.
Vitamin B12 là một vitamin vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về loại vitamin này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về tác dụng của vitamin B12, mời bạn cùng theo dõi.
Vitamin B12 là gì?
Vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước, được tìm thấy lần đầu vào năm 1948 bởi nhà khoa học Rickes và cộng sự của mình. Thành phần cấu tạo của vitamin B12 có chứa khoáng chất coban nên vitamin B12 còn được gọi là Cobalamin. Trong cơ thể người, vitamin B12 hoạt động chủ yếu dưới 2 dạng, methylcobalamin và 5-deoxyadenosylcobalamin.
Cơ thể người và động vật không tự tổng hợp được vitamin B12 nhờ hệ vi khuẩn đường ruột, sau đó hấp thu vào cơ thể thông qua thức ăn. Cơ có khả năng dự trữ vitamin B12 rất lâu nên thường hiếm gặp tình trạng thiếu. Trừ những trường hợp ăn chay trường. Do vitamin B12 có chủ yếu trong các thức ăn có nguồn gốc động vật mà rất ít gặp hoặc hầu như không tìm thấy vitamin B12 trong các loại thực vật.
Đây là vitamin bền với nhiệt, quá trình nấu nướng hầu như không làm hao hụt lượng vitamin B12 có trong thực phẩm. Cho dù, nấu nướng ở nhiệt độ cao và trong thời gian dài, ví dụ, thịt luộc 45 phút, sữa đun sôi 5 phút mới chỉ làm mất đi 30% lượng vitamin B12 có trong thực phẩm.
Công dụng của vitamin B12
Vitamin B12 có vai trò quan trọng đối với sinh trưởng tế bào, hệ tạo máu và hệ thần kinh.
Vitamin B12 giúp tạo máu
Vitamin B12 có vai trò then chốt trong quá trình chuyển hóa acid folic. Đây là nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình phát triển của hồng cầu. Thiếu vitamin B12 sẽ gây rối loạn sản sinh hồng cầu ở tủy xương, gây nên bệnh thiếu máu hồng cầu to do hồng cầu không thể trưởng thành và phân chia.
Vitamin B12 phục hồi cơ thể
Vitamin B12 giúp hỗ trợ phân chia và tái tạo tổ chức, do đó hỗ trợ phục hồi đối với người bệnh nặng, đặc biệt là những trường hợp sau phẫu thuật, vết thương lâu lành. Loại vitamin này còn tham gia tái tạo ADN, rất cần thiết cho các mô có tốc độ phát triển nhanh như mô tạo máu, tử cung, ruột non,…
Vitamin B12 điều hòa thần kinh
Điều hòa thần kinh giảm tình trạng dị cảm, rối loạn vận động, rối loạn tâm trạng, tăng cường trí nhớ, giảm tỉ lệ teo não ở người già và hạn chế dị tật ở thai nhi. Vitamin B12 cùng với vitamin B1, vitamin B6 là bộ 3 vitamin giúp nuôi dưỡng tế bào thần kinh.
Hàm lượng vitamin B12 cần thiết cho cơ thể
Nhu cầu vitamin B12 khác nhau ở từng lứa tuổi, giới tính cũng như tình trạng sinh lí. Nhu cầu cụ thể cho từng đối tượng được liệt kê như sau:
- Trẻ 0 – 6 tháng: 0,4 mcg/ngày.
- Trẻ 7 – 12 tháng: 0,5 mcg/ngày.
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 0,9 mcg/ngày.
- Trẻ 4 – 8 tuổi: 1,2 mcg/ngày.
- Trẻ 9 – 13 tuổi: 1,8 mcg/ngày.
- Trẻ từ 14 tuổi trở lên và người trưởng thành: 2,4 mcg/ngày.
- Phụ nữ có thai: 2,6 mcg/ngày.
- Phụ nữ đang cho con bú: 2,8 mcg/ngày
Việc bổ sung thiếu hay thừa lượng vitamin B12 so với nhu cầu đều gây nên những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.
Thiếu vitamin B12 có nguy hiểm không?
Mặc dù lượng Vitamin B12 tồn tại tương đối lâu trong cơ thể dẫn đến ít gặp tình trạng thiếu. Tuy nhiên, đối với những trường hợp như:
- Cung cấp không đủ (ăn kiêng, ăn chay trường).
- Gặp các vấn đề về hấp thu (cắt đoạn dạ dày, đoạn ruột, các bệnh về ruột non) thì khả năng thiếu loại vitamin này cũng dễ dàng xảy ra.
Những biểu hiện do thiếu Vitamin B12 có thể kể đến như:
- Thiếu máu: Người xanh xao, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt,…
- Rối loạn thần kinh: yếu cơ, mất thăng bằng, tê bì, rối loạn cảm giác, hay gặp nhất là ở chân.
- Rối loạn tâm thần: kích thích, ảo giác, trầm cảm, lo âu, suy giảm trí nhớ.
Thừa vitamin B12 có sao không?
Vitamin B12 là loại vitamin tan trong nước do đó lượng dư thừa dễ dàng được đào thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu, tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin B12 với liều quá cao trong thời gian dài cũng gây ra những hậu quả như:
- Shock phản vệ: đây là tình trạng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong do đó, cần hết sức lưu ý khi sử dụng vitamin B12, đặc biệt với các cơ địa dễ dị ứng.
- Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy,…
- Biến chứng tim mạch: khó thở, đau ngực, tăng nhịp tim, tăng huyết áp,…
- Biến chứng đối với hệ tạo máu: Hoạt hóa yếu tố đông máu gây tăng đông máu, tắc mạch.
- Tổn thương thị giác: gây thoái hóa sắc tố võng mạc gây mù ở trẻ em mắc bệnh Leber.
Bổ sung vitamin B12 như thế nào?
Thông thường nhu cầu vitamin B12 cần thiết cho cơ thể hàng ngày có thể được bổ sung đủ thông qua một chế độ ăn uống khoa học và cân đối, bao gồm các thực phẩm có nguồn gốc động vật như: các loại thịt, hải sản, sữa và trứng.
Tuy nhiên đối với những người ăn chay trường hoặc gặp các bệnh lí về đường tiêu hóa thì việc bổ sung vitamin B12 dưới dạng vitamin tổng hợp là điều cần thiết đối với cơ thể trong việc phòng ngừa các triệu chứng do thiếu B12 gây ra.
Để đảm bảo đủ nhu cầu, không cung cấp thiếu và thừa, bạn nên chọn những chế phẩm có liều lượng phù hợp với từng đối tượng, từng độ tuổi. Tốt nhất, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi có ý định bổ sung loại dưỡng chất này.
Trên đây là những thông tin về việc sử dụng vitamin B12. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết về vitamin B12 cũng như tầm quan trọng của loại vitamin này đối với sức khỏe con người. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể