Vitamin D và tất cả những thông tin từ A-Z

Vitamin D có vai trò rất đặc biệt trong việc hấp thu canxi, nâng đỡ sự phát triển của hệ xương khớp. Ngoài ra, vitamin d còn có những tác dụng gì? Hậu quả khi thừa hoặc thiếu vitamin D cho cơ thể.

Chúng ta thường nghe nói nhiều về vitamin D với tác dụng hỗ trợ vấn đề hấp thu canxi, nhưng liệu đó có phải là tất cả những tác dụng của vitamin D đối với cơ thể? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về loại vitamin quan trọng này. Mời bạn cùng theo dõi.

Tìm hiểu về vitamin D 

Vitamin D còn được gọi với tên calciferol là một loại vitamin tan trong dầu có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là sức khỏe xương khớp.

Vitamin D có nhiều dạng, nhưng có 2 dạng được nhắc đến nhiều nhất là vitamin D2 và vitamin D3.

Vitamin D2 và D3 có giá trị sinh lí tương đương nhau nếu xét về góc độ dinh dưỡng.
  • Vitamin D2 (ergocalciferol): đây là một dẫn xuất của ergosterol, được sản xuất trong cơ thể của các loài thực vật phù du, động vật không xương sống, nấm men, và nấm lớn dưới tác động của tia UV. Thực vật có diệp lục và động vật có xương không tự tổng hợp được vitamin D2 do không có ergosterol trong cơ thể.
  • Vitamin D3 (cholecalciferol): được tổng hợp trên da từ 7-dehydrocholesterol dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Cơ thể con người có thể tự tổng hợp được vitamin D3 và lượng này cung cấp khoảng 90% nhu cầu vitamin  D hàng ngày. Ngoài cơ thể người, vitamin D3 còn tồn tại trong da động vật có xương sống, trong sữa, trong các loại cá béo và dầu gan cá tuyết.

Tác dụng của vitamin D đối với cơ thể

Vitamin D là chất vô cùng cần thiết đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với sự phát triển của trẻ em.

  • Vitamin D giúp điều hòa cân bằng canxi, phospho trong cơ thể, là điều kiện thiết yếu để 2 chất này gắn vào xương, tạo nên cấu trúc xương, răng, tạo bộ khung chống đỡ cho cơ thể. 
  • Vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi, phospho tại đường tiêu hóa. Tại xương, vitamin D cùng với hormon cận giáp PTH giúp tăng cường lắng đọng canxi vào xương, giúp xương thêm chắc khỏe. Vitamin D và canxi là bí quyết phòng người loãng xương ở người cao tuổi, phụ nữ sau sinh…
  • Vitamin D đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa, phân chia tế bào và bài tiết các hormon như hormon cận giáp PTH, hoocmon tuyến tụy insulin.
  • Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng vitamin D có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư da, ung thư xương, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt do ảnh hưởng đến sự biệt hóa của các loại tế bào ung thư này.

Vitamin D làm chắc khỏe xương

Bao nhiêu vitamin D mỗi ngày là đủ?

Liều lượng vitamin D cần thiết bổ sung mỗi ngày theo RDA như sau:

  • Trẻ từ 0 – 12 tháng: 400 UI/ngày
  • Từ 1 – 70 tuổi: 600 UI/ngày
  • Trên 70 tuổi: 800 UI/ngày

Trong đó, UI là đơn vị quốc tế, 40 UI tương đương với hoạt tính sinh học của 1mcg vitamin D.

Thiếu vitamin D gây ảnh hưởng gì?

Việc bổ sung không đủ hàm lượng vitamin D cho cơ thể thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên người lớn cũng không nên chủ quan về vấn đề này, do thiếu vitamin D trong thời gian dài có thể gây những ảnh hưởng sau:

  • Thiếu vitamin D gây giảm hấp thu và lắng đọng canxi, photpho ở xương gây nên bệnh còi xương, chậm lớn ở trẻ em cũng như các vấn đề về xương ở người lớn như: loãng xương, mất xương, xương giòn, dễ gãy,… Việc thiếu vitamin D cũng nghiêm trọng không kém thiếu canxi.
  • Trẻ dưới 2 tuổi thiếu vitamin D thường gặp các triệu chứng như: hen suyễn, hay quấy khóc, thóp chậm liền,chậm mọc răng, ra mồ hôi trộm hay dễ bị co giật. 
  • Đối với trẻ lớn, việc thiếu vitamin D có thể là nguyên nhân gây cong vẹo cột sống, chân vòng kiềng,…
  • Vitamin D còn tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể, thiếu vitamin D khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.
  • Ngoài ra, thiếu vitamin D còn làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng khiến cơ thể lâm vào trạng thái thiếu năng lượng, mệt mỏi, thay đổi tính tình, hay cáu gắt. Thậm chí, việc thiếu vitamin D lâu dài còn có khả năng gây nên hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ và suy giảm chức năng sinh dục ở đàn ông.
Chân vòng kiềng do thiếu vitamin D

Thừa vitamin D gây ảnh hưởng gì?

Vitamin D là một vitamin tan trong dầu, do đó, lượng dư thừa không được đào thải qua nước tiểu và tích tụ trong cơ thể. 

Lâu dần, lượng vitamin D quá cao, vượt quá khả năng sử dụng của cơ thể sẽ gây ra một số biểu hiện:

  • Ngộ độc vitamin D với các triệu chứng của tăng calci huyết như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, chuột rút, táo bón, khô miệng,…
  • Lượng vitamin D quá cao còn gây tổn thương thận, vôi hóa mạch máu, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, giảm khả năng tình dục,…
  • Đối với trẻ em, thừa vitamin D trong thời gian dài còn có khả năng gây dị tật thai nhi, trẻ sinh ra chậm lớn, co giật, khó thở, có các biến chứng ở mắt như: hạt ở kết mạc hay viêm giác mạc hình dải băng,…

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của thừa vitamin D, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời. 

Trên đây là những thông tin khái quát nhất về vấn đề sử dụng vitamin D. Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về công dụng cũng như những lưu ý khi sử dụng loại vitamin cần thiết này. Chúc bạn luôn dồi dào sức khỏe!

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *