Xông cảm cúm khi mang thai sẽ gây ra những ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi như cao huyết áp, sảy thai, sinh non…
Cảm cúm và cảm lạnh là bệnh lý thường gặp ở nhiều người khi thời tiết thay đổi. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau đầu, sợ lạnh, sợ gió, sốt, ho,… Để trị cảm cúm có rất nhiều cách, trong đó xông hơi được khá nhiều người ưa chuộng nhờ cho tác dụng nhanh lại an toàn. Mặc dù vậy, phương pháp này “khá kén” người dùng và đặc biệt không được sử dụng cho phụ nữ mang thai. Lý do như thế nào thì bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết ngay bên dưới.
Những tác hại khôn lường của việc xông cảm cúm khi mang thai
Do những ảnh hưởng xấu của thời tiết và sự suy yếu của hệ miễn dịch, nhiều chị em thường bị cảm cúm khi mang thai. Tuy xông hơi bằng lá có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe, nhưng đây không phải là phương pháp chữa cảm cúm mà bà bầu nên áp dụng, vì nó có thể làm ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm đến thai nhi. Khi bà bầu ngồi lâu trong chăn kín với nồi nước xông rất nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, điều này dẫn đến tình trạng nóng nước ối, gây ảnh hưởng trực tiếp tới bào thai, khiến các tế bào có thể bị phá hủy và ngăn cản quá trình đưa khí oxy đến với em bé.
Nếu nhiệt độ cơ thể người mẹ lên đến trên 38 độ C, thai nhi sẽ có nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh và mất nước về sau, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việc xông hơi với nước quá nóng cũng khiến mẹ bầu bị tăng huyết áp, vừa không tốt cho sự phát triển của trẻ, lại còn có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề như: dị dạng, hệ thần kinh bị tổn thương, vẹo cột sống, chậm phát triển … ở thai nhi. Ngoài ra, áp lực của hơi nóng và sự kín khí khi xông hơi có thể làm mẹ bầu chóng mặt, ngạt thở, thậm chí hạ huyết áp dẫn đến ngất xỉu. Bên cạnh đó, nếu người xông bất cẩn thì rất dễ bị bỏng, gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe của chính mình và của em bé.
Nếu bà bầu muốn chữa cảm cúm bằng cách xông thảo dược thì chỉ nên xông phần mặt, trùm khăn mỏng lên đầu để thông mũi. Cách này sẽ không làm cơ thể tăng nhiệt quá nhanh, nên không gây nguy hiểm cho thai nhi. Ngoài ra, trong thời gian mang thai, nếu có biểu hiện cảm cúm nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày và đến các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Các đối tượng chống chỉ định với phương pháp xông hơi
Bên cạnh phụ nữ có thai, những trường hợp khác cũng không được dùng phương pháp cảm cúm xông hơi, bao gồm: người đang sốt cao, sợ nóng, không khát nước, không sợ lạnh, cơ thể ra nhiều mồ hôi. Những người bị sốt siêu vi, cơ thể suy nhược, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, những người có các bệnh lý về thần kinh, tim mạch,… Phương pháp xông lá có tác dụng làm người bệnh nhanh hồi phục, nhưng không phải ai cũng có thể xông được. Nếu người bệnh bị cảm cúm từ ngày thứ 3 trở lên, các triệu chứng không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu bội nhiễm, thì không nên xông mà cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện để khám và điều trị bằng các phương pháp khác.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.