Xuất tinh ra máu là tình trạng không phải hiếm gặp và có thể xuất hiện ở nam giới nhiều lứa tuổi. Nguyên nhân dẫn đến máu xuất hiện trong tinh dịch rất đa dạng và cách điều trị khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
Thông thường, tinh dịch có màu trắng đục, màu xám hoặc màu vàng. Tuy nhiên, có những trường hợp tinh dịch có lẫn vết màu đỏ hoặc màu nâu. Tình trạng này được gọi chung là xuất tinh ra máu. Nguyên nhân gây xuất tinh ra máu rất đa dạng, có thể chỉ đơn thuần là tổn thương bên trong, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của căn bệnh ác tính.
Xuất tinh ra máu là gì?
Tinh dịch của nam giới được sản sinh tại nhiều cơ quan, bao gồm: tinh hoàn, mào tinh, túi tinh, ống dẫn tinh và tuyến tiền liệt. Do đó, tình trạng tinh dịch có máu (hematospermia) có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường thì đây là triệu chứng lành tính và không gây đau.
Khi xuất tinh ra máu, tinh dịch có thể có màu chuyển từ đỏ tươi đến nâu sậm. Trong một số trường hợp, xuất tinh ra máu thứ phát có thể là dấu hiệu của những bệnh lý như viêm tuyến tiền liệt có thể kèm theo cơn đau âm ỉ ở khu vực từ tinh hoàn đến vùng đáy chậu.
Xuất tinh ra máu có thể xuất hiện và ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi, từ khi dậy thì đến lúc trưởng thành. Tuy nhiên, nhóm tuổi dễ gặp tình trạng nhất là từ 20 – 40 tuổi, đa phần là lành tính. Theo thống kê, có 9 trên 10 đàn ông được nghiên cứu cho biết rằng mình đã từng bị xuất tinh ra máu nhưng không gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.
Nguyên nhân gây xuất tinh ra máu là gì?
1. Xuất tinh ra máu nguyên phát
Là hiện tượng tinh dịch có máu và không đi kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khác. Bệnh nhân đã được thăm khám và chẩn đoán là bình thường về mặt cấu trúc lẫn chức năng hệ thống tiết niệu. Hiện tượng này không đi kèm vấn đề liên quan nào khác và cũng không để lại di chứng đáng lo ngại.
2. Xuất tinh ra máu thứ phát
Nguyên nhân dẫn đến có máu lẫn trong tinh dịch xuất phát từ những tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn. Những nguyên nhân gây xuất tinh ra máu thứ phát bao gồm:
- Tình trạng viêm nhiễm: Tác nhân gây viêm bao gồm chấn thương sỏi túi tinh hoặc nhiễm khuẩn do Enterobacter, Chlamydia, Gram dương, trực khuẩn lao,… và một số loại virus. Tình trạng viêm gây sung huyết, phù nề các ống của túi tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt và niệu đạo, từ đó gây xuất huyết.
- Thủ thuật gây xâm lấn: Các tác động vật lý bên ngoài như sinh thiết tuyến tiền liệt, thắt ống dẫn tinh, cắt tinh hoàn,… có thể gây xuất tinh có máu.
- Tắc túi tinh: Tình trạng này gây căng và giãn túi tinh, nếu kéo dài lâu ngày thì sẽ dẫn đến đứt vỡ mạch máu.
- Giãn tĩnh mạch niệu đạo: Thường không thấy xuất tinh có máu mà máu lẫn trong nước tiểu hoặc chảy ra sau khi cương cứng.
- Bệnh lý toàn thân: Tăng huyết áp, xơ gan, rối loạn đông máu.
- Ung thư: U lympho, ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt.
- Viêm niệu đạo có thể gây xuất tinh ra máu.
Điều trị xuất tinh ra máu như thế nào?
Khi xuất tinh ra máu, tốt nhất là nam giới nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. Bên cạnh việc khám tổng quan, bác sĩ có thể chỉ định một trong những xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.
- Siêu âm đường tiết niệu, vùng bẹn bìu hoặc trực tràng.
- Nội soi niệu đạo, nội soi túi tinh, chụp cắt lớp vi tính,…
- Xét nghiệm máu định lượng PSA để tầm soát ung thư.
Tùy theo nguyên nhân gây xuất tinh có máu là gì, cách điều trị cũng thay đổi theo. Nếu do viêm nhiễm do vi khuẩn thì bệnh nhân thường được chỉ định thuốc cầm máu, kháng sinh và thuốc kháng viêm. Nếu do lao sinh dục – tiết niệu thì bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ chữa lao. Mặt khác, biện pháp điều trị ngoại khoa thì còn tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mở hay phẫu thuật nội soi.
Tóm lại, thường thì xuất tinh ra máu không phải là tình trạng đáng ngại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chủ quan không đi khám bác sĩ. Bởi vì, cũng có những trường hợp máu xuất hiện trong tinh dịch là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.