Tránh “ăn thuốc” nhiều hơn “ăn cơm”

1. Thực trạng phải “ăn thuốc” nhiều hơn “ăn cơm”!

Bệnh phải uống thuốc, nhưng uống quá nhiều thuốc trong thời gian dài là “cực chẳng đã”. Thường một người có sức khỏe tâm thần và cơ thể bình thường sẽ không bao giờ muốn hàng ngày phải đếm thuốc mà uống. Tuy nhiên, khi sức đề kháng giảm hoặc tuổi cao, thường cùng một lúc mắc nhiều hơn 1 bệnh. Do đó, việc phải uống nhiều thuốc kéo dài là đương nhiên.

Tránh ăn thuốc nhiều hơn ăn cơm
Tránh ăn thuốc nhiều hơn ăn cơm

2. Tại sao hàng ngày phải “ăn” nhiều thuốc?

Một số nguyên nhân chủ yếu:

  • Cách ăn và lựa chọn thức ăn không khoa học.
  • Lối sống không hợp lý.
  • Thói quen lệ thuộc: Phó mặc việc chữa bệnh vào tay thầy thuốc, suy nghĩ lỗi thời là chỉ có thuốc mới chữa được bệnh.
  • Tập trung vào Y tế điều trị, xem nhẹ Y tế phòng bệnh.

3. Làm gì để không “ăn thuốc” nhiều hơn “ăn cơm”?

3.1. Ăn uống khoa học:

– Ăn đủ và tỉ lệ cân bằng giữa: đạm, béo, đường, vitamin, chất xơ, nguyên tố vi lượng. Ưu tiên thực vật (rau, củ, trái cây tươi mới) nhiều hơn động vật (cá nhiều hơn thịt). Uống đủ nước sạch (1,5 – 2 lít / ngày / người trưởng thành).

– Dùng dầu thực vật trong chế biến thức ăn, nhưng không tận dụng dầu đã qua sử dụng (chỉ nên dùng 1 lần), không đun dầu quá nóng (vì nhiệt sẽ biến dầu thành dạng trans fat = chất béo chuyển dạng).

– Không đun rau củ ở nhiệt độ cao: nên còn dạng tươi mới, luộc nhanh, hấp,…

Ăn uống khoa học, thực hiện lối sống hợp lý
Ăn uống khoa học, thực hiện lối sống hợp lý

3.2. Thực hiện lối sống hợp lý:

– Giữ nguyên tắc “thông tắc bất thống” và “thân động nhưng tâm không quá động”.

– Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.

– Cân bằng làm việc và nghỉ ngơi, ngủ đủ giờ.

– Thường xuyên tập thiền định và thở sâu: kiểm soát stress; sống tôn trọng, chia sẻ với cộng đồng.

– Lắng nghe và kiểm soát kịp nhưng biểu hiện không thân thiện của cơ thể (mất ngủ, chóng mặt, tiểu gắt, táo bón, đau nhức, chán ăn,…)

3.3. Từ bỏ thói quen sống thụ động – lệ thuộc, lỗi thời:

– Nên nuôi dưỡng, bảo trì thường xuyên “nhà máy sản xuất thuốc” tự nhiên của cơ thể: bệnh xuất hiện phần lớn do mất cân bằng Âm – Dương (hưng phấn – ức chế, xuất tiết – hấp thu, động – tĩnh, tấn công – bảo vệ…). Cần điều chỉnh sớm mất cân bằng với liệu pháp thiên nhiên.

– Không quá lệ thuộc vào thuốc có nguồn gốc hóa dược từ ngoài vào, luôn luôn kết hợp không sử dụng thuốc và dùng thuốc.

– Ngừng ngay và tham khảo ý kiến chuyên môn khi uống một loại thuốc mà có cảm giác “khó ở” trong người,…

– Sức khỏe nằm trong tay của mỗi người, không nên quá tin tưởng “mù quáng” vào thầy thuốc, vì không ai cảm nhận biểu hiện chính xác cơ thể bằng bản thân: hãy nhớ “thầy thuốc là chính mình”.

3.4 . Phòng bệnh luôn hiệu quả và tốt hơn chữa:

Điều ai cũng biết, nhưng khó thực hiện hoàn chỉnh, vì:

– Mạng lưới truyền thông hướng dẫn chăm sóc sức khỏe chưa bao phủ: phải bắt đầu tuyên truyền từ tuổi cấp sách đến trường: giữ vệ sinh răng miệng, không ăn uống quá ngọt, nước có gaz, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn không vệ sinh,…

– Cha mẹ nuôi con khoa học, kiểm soát cân nặng, không để suy dinh dưỡng hoặc béo phì, vì béo phì được xem là đại dịch toàn cầu và là tiền đề của rất nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống và kinh tế gia đình – xã hội.

– Hệ lụy của Bệnh viện hiện không phải là “Nhà thương” chưa khắc phục: Như nhiều chục năm trước đây, bệnh viện được gọi là nhà thương, vì nơi đây khi người bệnh đến để được: chăm sóc, cứu chữa giành lại khoảnh khắc cuộc sống, giúp giảm đi cái đau của thể xác… nhưng hiện nay do tình trạng quá tải, tự chủ tài chính… thời gian tiếp xúc giữa thầy thuốc và người bệnh được tính bằng giây, ắt xảy ra sai sót (chẩn đoán, điều trị), và cư xử không thân thiện, là không tránh khỏi.

Tình trạng quá tải ở các bệnh viên, nhà thương
Tình trạng quá tải ở các bệnh viên, nhà thương

– Tình trạng viện phí “tính đúng – tính đủ” sẽ là gánh nặng cho rất nhiều người có thu nhập thấp, cho nên nhập viện sớm đôi khi là “xa xỉ“.

– Khi tâm lý người bệnh e ngại, lo sợ phải đến “Nhà thương”: chắc chắn khẩu hiệu “chữa bệnh càng sớm, hiệu quả càng cao” sẽ khó thực hiện. 

Lời kết: 

Không chờ “mất bò mới lo làm chuồng” hay “nước đến chân mới nhảy”. Chúng ta phải tự cứu lấy mình, cần có ý thức chăm sóc sức khỏe, tập thể dục vừa sức ngay khi có thể: sẽ tránh được “Ăn thuốc nhiều hơn Ăn cơm“.

Theo: Bs Trần Văn Năm (bstranvannam.blogspot.com)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *