Thời tiết giao mùa vào khoảng 3-4 là thời điểm dịch sởi dễ bùng phát vì không khí ẩm thuận lợi cho virus sởi, khiến chúng dễ phát tán và tấn công vào hệ miễn dịch vốn yếu đuối của trẻ. Vì vậy mẹ hãy chăm sóc con cẩn thận và đi tiêm phòng sớm khi trẻ đủ tuổi để tránh mắc sởi.
Phòng ngừa hiệu quả và chăm sóc trẻ đúng cách là cách tốt nhất để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra do sởi và tránh lây lan sởi cho cộng đồng.
Nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh sởi khi thời tiết giao mùa
Nguyên nhân trẻ dễ mắc sởi
Thời tiết thay đổi đột ngột làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu, dễ bị virus sởi tấn công
Thời tiết thay đổi đột ngột khi giao mùa khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu, đặc biệt nhiệt độ nóng lạnh thất thường làm cho bệnh sởi tấn công mạnh vào cơ thể trẻ. Virus gây bệnh sởi thuộc nhóm Paramyxovirus, thể yếu và dễ bị tiêu diệt.
Sởi lây lan nhanh khi thời tiết nóng ẩm
Mùa dịch sởi thường bắt đầu vào mùa xuân và khi thời tiết nóng ấm. Độ ẩm trong không khí cao tạo môi trường thích hợp cho virus sởi sống sót và lây lan cho những người xung quanh. Hằng năm, tháng 3-4 là thời điểm trẻ bị mắc sởi nhiều nhất và khả năng lây lan bệnh rất nhanh, có thể trở thành đại dịch nếu không có biện pháp cách ly kịp thời nguồn bệnh.
Trẻ chưa được tiêm phòng vacxin phòng bệnh sởi
Bệnh sởi hay gặp ở trẻ nhỏ từ 1-4 tuổi, hơn 90% trẻ chưa tiêm ngừa vacxin sởi có nguy cơ mắc bệnh vì bệnh sởi lây lan nhanh qua niêm mạc đường hô hấp, tấn công vào những những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Bệnh khó có thể phòng ngừa nếu không tiêm vacxin, vì gần 100% trẻ chưa tiêm sởi tiếp xúc với trẻ đang mắc sởi bị lây nhiễm.
Con đường phát tán của virus sởi
Lây lan qua đường không khí khi tiếp xúc với dịch tiết từ người bệnh
Bệnh sởi có giai đoạn ủ bệnh lây từ 10-15 ngày, khi đó chưa xuất hiện những triệu chứng rõ rệt nhưng virus sởi đã có khả năng lây lan. Khi người lành ở trong môi trường không khi có virus sởi do người mang mầm bệnh hắt hơi, ho thì sẽ dễ hít vào qua miệng hoặc mũi, sau đó nhiễm bệnh.
Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh
Khi người bệnh bước vào giai đoạn phát ban, virus sởi vẫn tiếp tục lây lan. Nhất là khi trẻ nhỏ mắc bệnh không thể cách ly, người chăm sóc như ba mẹ không đeo khẩu trang hoặc rửa tay diệt khuẩn cũng có thể bị lây nhiễm và làm lây lan virus sang người khác.
Hiện nay bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu như muốn giảm bảo vệ con khỏi virus và giảm nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng thì mẹ hãy tiêm phòng vacxin sởi cho con. Khi bé đủ 12 tháng tuổi là có thể tiêm phòng sởi, với 2 loại chính vacxin sởi đơn hay vacxin kết hợp sởi – quai bị – rubella.
Cách chăm sóc trẻ em bị bệnh sởi hiệu quả
Với những trường hợp trẻ bị sởi nhẹ
- Uống thuốc hạ sốt và dùng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ
- Vệ sinh thân thể thể sạch sẽ bằng nước ấm, lau người cho trẻ bằng khăn sạch và mềm, thay quần áo rộng rãi và thoải mái cho bé.
- Mở cửa sổ thông thoáng nhưng nhớ kiêng gió khi trẻ bị sởi, tránh khu vực nằm của trẻ bị gió lùa.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ với những thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu và uống nhiều nước để tránh tình trạng trẻ bị mất nước do tiêu chảy. Thêm vào khẩu phần ăn của trẻ những thực phẩm có chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường đề kháng. Cần tránh những thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, bột hoa cải, rau thơm…
- Cách lý trẻ tại nhà, mẹ khi chăm sóc con cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi cho trẻ ăn và sau khi chăm sóc trẻ để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ và thông thoáng, không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ lành khác.
- Đặc biệt không cho trẻ dùng chung những vật dụng cá nhân với những thành viên khác trong gia đình, đồ chơi của trẻ phải được diệt khuẩn và vệ sinh sạch sẽ.
Với những trường hợp trẻ bị sởi nặng
Khi trẻ có những biểu hiện sởi sau cần đưa đến ngay bác sĩ để có biện pháp chữa trị đúng cách:
- trẻ sốt cao không hạ trên 39°C khi bước vào giai đoạn phát ban khoảng vài ngày, sốt cao kèm những biểu hiện như co giật, thở mệt, thở nhanh, khó thở.
- Trẻ ngủ li bì, không ăn không uống, tiêu chảy liên tục không dứt, thường xuyên mệt mỏi, trẻ tím tái và hôn mê..
- Viêm long đường hô hấp trên nặng với những triệu chứng như ho khan kéo dài, khàn tiếng, chảy nước mũi, có hạt Koplik trong miệng.
- Trẻ bị mất nước, ban sởi lặn hết nhưng vẫn không hết sốt và có những dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt…
Nếu trẻ xuất hiện những biểu hiện bệnh nặng mà không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng của sởi nguy hiểm như:
- Viêm tai giữa chiếm hơn 10% số trẻ bị mắc sởi.
- Viêm phổi nặng dẫn đến tử vọng chiếm khoảng 5%, tức khoảng 20 trẻ thì có 1 trẻ mắc bệnh.
- Mờ, khô hoặc loét giác mạc mắt gây mù lòa cho trẻ.
- Một vài trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng nặng hậu nhiễm sởi ảnh hưởng đến sự hồi phục và sự phát triển của trẻ sau này.
- Ngoài ta biến chứng viêm não chiếm khoảng 1/1000, hiếm gặp nhưng cũng cần phòng ngừa.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.