Dù mắt được thư giãn sau một giấc ngủ nhưng bạn lại có hiện tượng ngủ dậy bị khô mắt. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Biểu hiện ngủ dậy bị khô mắt có thể là do trước khi ngủ bạn đã khiến mắt phải hoạt động quá sức, hoặc do tư thế ngủ khiến mắt bị chèn ép, mắt bị thiếu các dưỡng chất cần thiết… Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng ngủ dậy bị khô mắt, mắt mờ và nhức mỏi.
1. Do tư thế ngủ
Nếu bạn ngủ ở tư thế áp mặt lên gối thì có thể khiến mắt bị khô, vì khi đó mí mắt sẽ bị cộm lên và tạo khe nhỏ giữa mí và nhãn cầu. Ngoài ra khi ngủ ở tư thế tay đè lên mắt sẽ khiến mắt khó lưu thông máu trong nhãn cầu, gây chèn ép và khiến cho mắt bị mờ khi ngủ dậy. Do đó khi ngủ bạn nên nằm ngửa và giữ thẳng lưng thay vì úp mặt lên gối.
2. Hở mi mắt khi ngủ
Mắt cần được cung cấp nước liên tục nhờ vào việc chớp mắt, để nước mắt giàn đều trên nhãn cầu và chống khô mắt. Khi nhắm mắt, nước sẽ được bôi đều lên giác mạc, kết mạc phía trước nhãn cầu và giúp mắt không bị khô. Nếu khi ngủ mi mắt chỉ nhắm được một phần thì sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt vì lượng nước mắt bị bay đi rất nhanh. Ngoài gây hiện tượng ngủ dậy bị khô mắt thì hở mi còn dẫn đến khô loét giác, kết mạc rất nguy hiểm cho mắt.
Ngoài ra, hở mi mắt còn do chấn thương hay dị tật ở mắt và dẫn đến khô mắt, khi đó bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa mắt để được tư vấn và điều trị, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
3. Do máy lạnh và quạt thổi vào mắt khi ngủ
Khi ngủ mà quạt gió hay máy lạnh thổi trực tiếp vào mặt cũng dễ dẫn đến tình trạng ngủ dậy bị khô mắt. Để tránh hiện tượng đó thì bạn không nên chỉnh nhiệt độ máy lạnh thấp hoặc bật quạt số lớn, cũng như tránh nằm trực diện. Tốt nhất là bạn hãy điều chỉnh cánh quạt xoay đều để khí lạnh lan đều ra cả phòng và cũng tránh được một luồng gió lớn thổi liên tục vào mặt khi ngủ.
4. Do xem phim, để mắt “lao động” quá nhiều trước khi ngủ
Các hoạt động liên tục trên máy tính như làm việc 8 – 9 tiếng, xem phim, chơi game liên tục 1 – 2 tiếng… trước khi ngủ khiến tần số chớp mắt bị giảm, cũng như là khiến mắt chịu tác động của ánh sáng xanh nguy hại phát ra từ các thiết bị trên, gây tổn thương võng mạc. Khi đó dù bạn đã được nghỉ ngơi sau một giấc ngủ thì mắt vẫn bị khô và nhức mỏi sau khi tỉnh dậy.
5. Do cơ thể thiếu các dưỡng chất cần thiết cho mắt
Khô mắt không chỉ do giảm tiết nước mắt, giảm tần suất chớp mắt hay các yếu tố như tư thế ngủ, quạt gió máy lạnh… mà có thể là dấu hiệu cảnh báo các bộ phận của mắt bị tổn thương và thiếu các dưỡng chất thiết yếu để nuôi dưỡng mắt.
Do đó hiện tượng ngủ dậy bị khô mắt có thể còn do mắt thiếu các dưỡng chất thiết yếu, nên bạn cũng cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng cho mắt. Đặc biệt là các yếu tố dinh dưỡng tham gia cân bằng nội môi cho các tế bào, chăm sóc thủy tinh thể và võng mạc, cải thiện tình trạng khô mắt, nhức mỏi và giúp phòng ngừa các bệnh mắt.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.