Cường lách: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Cường lách

Cường lách là gì?

Lách là cơ quan quan trọng trong cơ thể, giữ chức năng sản xuất tế bào máu trong thời kỳ bào thai. Ngoài ra, lách còn là nơi tiêu hủy hồng cầu đã già cỗi, sản xuất thực bào và miễn dịch, tạo ra các kháng thể để ngăn chặn sự nhiễm khuẩn.

Cường lách là hội chứng gây ra do sự to lên của lách và sự sụt giảm các tế bào máu bao gồm hồng cầu và bạch cầu. Chứng cường lách có các đặc điểm:

  • Tế bào máu một dòng hay cả ba dòng bị giảm.
  • Tủy xương tăng hoạt động hoặc bình thường.
  • Lách to.
  • Bệnh sẽ khỏi khi tiến hành cắt lách.

Nguyên nhân bệnh Cường lách

Nguyên nhân cường lách thường là các bệnh về máu, các bệnh gan và tĩnh mạch cửa và cũng có thể từ nguyên nhân nhiễm khuẩn vì chức năng của lách là điều khiển cơ quan tạo máu và đóng vai trò trong hệ thống tĩnh mạch cửa.

Các nguyên nhân gây ra cường lách chủ yếu là:

  • Ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết.
  • Tan máu bẩm sinh.
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu.
  • Bệnh giảm bạch cầu do lách.
  • Bệnh giảm cả ba dòng tế bào máu do lách.
  • Bệnh Hodgkin.
  • Hội chứng Banti.
  • Các bệnh nhiễm trùng như: bệnh lao, sốt rét, nhiễm khuẩn huyết…

Triệu chứng bệnh Cường lách

Triệu chứng cường lách bao gồm:

  • Cảm giác no sớm mặc dù ăn rất ít.
  • Cảm thấy đầy hơi.
  • Đau vùng hạ sườn trái, có thể lan lên vai trái.
  • Sốt cao.
  • Người yếu ớt, mệt mỏi, xanh xao.
  • Hồi hộp, đánh trống ngực.
  • Lách to.
  • Dễ bị bầm tím, chảy máu.
  • Bướu miệng, chân và bàn chân.
  • Thiếu máu.
Cường lách: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Cường lách

Yếu tố nguy cơ của bệnh cường lách là:

  • Trẻ em hay thanh niên bị nhiễm trùng.
  • Người mắc các bệnh di truyền liên quan đến gan lách như: bệnh Gaucher, bệnh Niemann- Pick.
  • Người đi đến vùng bệnh sốt rét.

Phòng ngừa bệnh Cường lách

Vì nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng nên hầu như không có biện pháp phòng ngừa bệnh đặc hiệu.

Cần hạn chế uống rượu bia, tập thể dục đều đặn và có chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp hạn chế các nguy cơ phổ biến dẫn đến cường lách.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Cường lách

Ngoài những triệu chứng biểu hiện trên lâm sàng, cần làm các xét nghiệm cũng như các kỹ thuật sau để chẩn đoán cường lách:

  • Xét nghiệm máu: đánh giá số lượng các tế bào máu dòng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
  • Siêu âm ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính: xác định lách to, kích thước của lách và đánh giá sự chèn ép của lách lên các cơ quan lân cận.
  • Chụp cộng hưởng từ hạt nhân: đánh giá dòng máu chảy qua lách.
  • Các xét nghiệm khác: chức năng gan, huyết tủy đồ, sinh thiết tủy xương để tìm nguyên nhân dẫn đến cường lách.

Các biện pháp điều trị bệnh Cường lách

Điều trị cường lách là điều trị theo nguyên nhân gây bệnh. Hai phương pháp điều trị phổ biến là điều trị nội khoa và phẫu thuật cắt lách:

  • Điều trị nội khoa:

Điều trị nội khoa được áp dụng với thể bệnh cường lách nhẹ. Nếu bị cường lách do nguyên nhân nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng kháng sinh phù hợp.

Đây là phương pháp được tiến hành khi không tìm ra nguyên nhân gây bệnh hoặc ở những bệnh nhân có triệu chứng kéo dài khi đã được điều trị. Phẫu thuật cắt lách được chỉ định đối với bệnh nhân cường lách khi lách to và cả khi lách không to. Phương pháp này sẽ hạn chế sự tụt giảm các tế bào máu trong cơ thể.

Ở những trường hợp cường lách gây biến chứng nghiêm trọng, hoặc bệnh mạn tính, nguy kịch, phẫu thuật cắt lách được xem là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất.

Điều lưu ý sau cắt lách là bệnh nhân sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng này, chúng ta cần:

  • Tiêm vắc xin trước và sau khi phẫu thuật như vắc xin phòng phế cầu, não mô cầu, Hib.
  • Sử dụng kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Nếu có sốt, cần đến cơ sở y tế để kịp thời theo dõi và xử lý.
  • Hạn chế đến những nơi đang có dịch bệnh hoặc những nơi dễ có nhiều nguy cơ gây nhiễm khuẩn.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *