Hưng cảm là tình trạng nguy hiểm không kém gì trầm cảm. Khi một người có những biểu hiện của hưng cảm, rất có thể người đó đang gặp phải bệnh lý tâm thần nào đó. Việc cần làm đó là thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp chữa trị kịp thời.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều người và trang tin nói về trầm cảm. Tuy nhiên, hưng cảm cũng là một trạng thái cần được nói đến vì ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống. Hưng cảm tuy giúp một người tăng khí sắc nhưng kèm theo đó là những rối loạn như mất ngủ, thèm ăn hay sụt cân. Sau đây là những điều bạn cần biết về trạng thái tâm lý này.
Hưng cảm là gì?
Hội chứng hưng cảm là tình trạng cơ thể hưng phấn quá mức thể hiện qua việc khí sắc tăng, cảm xúc hưng phấn, động lực tăng và tư duy linh hoạt. Tuy nhiên, kèm theo đó là những rối loạn thực thế là thèm ăn, mất ngủ, tăng ham muốn, sụt cân,… ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Bên cạnh trầm cảm, hưng cảm là trạng thái thường xuyên xuất hiện ở những người bị rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, giai đoạn hưng cảm hay hỗn hợp thường rất ngắn, trong khi đó giai đoạn trầm cảm có thể kéo dài rất lâu.
Theo cách phân loại của ICD, hưng cảm được chia thành các mức độ sau:
- Hưng cảm nhẹ.
- Hưng cảm vừa.
- Hưng cảm nặng.
Đặc biệt, những người bị hưng cảm nặng thậm chí còn kèm theo dấu hiệu loạn thần nên cần phải được hỗ trợ chữa trị tâm lý.
Nguyên nhân dẫn đến hưng cảm là gì?
Hưng cảm là một giai đoạn người bị rối loạn lưỡng cực gặp phải. Nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực vẫn chưa rõ ràng, nhưng những ai sinh ra trong gia đình có người từng mắc chứng này thì nguy cơ mắc phải rất cao. Theo ý kiến chuyên gia, rối loạn lưỡng cực xuất hiện có thể do mất cân bằng hormone bên trong não.
Mặt khác, một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ bị hưng cảm bao gồm:
- Mất ngủ, thiếu ngủ trong thời gian dài.
- Gặp tác dụng dụng phụ của thuốc, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm SSRI và thuốc kháng viêm steroid.
- Ngộ độc chất kích thích như cocaine và methamphetamine.
- Nghiện rượu bia.
- Nghiện ma túy.
- Di chứng của một số căn bệnh ác tính.
Hưng cảm có những triệu chứng nào?
Một người đang trong trạng thái hưng cảm thì sẽ có những triệu chứng nổi bật sau:
- Có mức năng lượng cao nên hoạt bát hơn, nhưng tính khí cũng thay đổi thất thường.
- Giảm nhu cầu ngủ hay thậm chỉ chỉ ngủ vài ba giờ mỗi ngày.
- Tư duy hưng phấn dẫn đến nhiều suy nghĩ và ý tưởng đến dồn dập.
- Khoe khoang, nói to, nói nhiều và nói nhanh.
- Hưng phấn đi cùng với bồn chồn và dễ bị phân tâm dẫn đến không thể thực hiện hoàn chỉnh ý tưởng của mình.
- Mất kiểm soát đối với ham muốn tình dục, ăn uống, mua sắm đồ dùng và nhiều hoạt động rủi ro khác.
Những người mắc hưng cảm có thể tự nhận ra hoặc được người khác góp ý về những thay đổi của mình. Tuy nhiên, họ có xu hướng không tin vào những lời góp ý của người khác. Để rồi khi cơn hưng phấn đi qua, còn lại trong họ là sự hối hận, chán nản, dằn vặt về những điều đã làm.
Những người bị hưng cảm mức độ nặng có thể có biểu hiện xa rời thực tại. Họ nhìn thấy ảo giác, nghe thấy ảo thanh và hoang tưởng về chính mình. Thậm chí, có người còn thực sự tin rằng mình là người có quyền năng của thần thánh.
Chẩn đoán hưng cảm bằng cách nào?
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất và tìm hiểu bệnh sử của người khám. Người đó có sử dụng thuốc điều trị không? Hay có sử dụng chất kích thích nào không? Những tình trạng sức khỏe bất thường khác là gì? Dựa trên những thông tin có được, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán.
Tuy nhiên, quá trình xác định bệnh nhân có bị hưng cảm hay không, và đây là dấu hiệu của bệnh lý tâm thần nào có thể rất phức tạp. Bởi vì, có những tình trạng mà chính người khám không nhận thấy được. Ngoài ra, có những bệnh lý khác có dấu hiệu tương tự như tình trạng tuyến giáp hoạt động bất thường.
Chính vì những lý do trên, để kết luận chính xác thì các triệu chứng cần phải xuất hiện và kéo dài trong ít nhất một tuần. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại nhà hay điều trị nội trú.
Làm cách nào để điều trị hưng cảm?
Biện pháp tư vấn luôn là ưu tiên hàng đầu để điều trị các bệnh tâm lý. Bác sĩ sẽ tiếp xúc, lắng nghe và nói chuyện với người bệnh nhẹ nhàng để làm dịu bớt cơn hưng cảm. Đồng thời, người nhà cũng cần phải phối hợp để mang lại kết quả trị liệu tốt nhất. Trong trường hợp bệnh nặng, người bệnh cần được chăm sóc, điều trị đặc biệt bên trong bệnh viện.
Cùng với liệu pháp tâm lý, bác sĩ còn kê toa các loại thuốc như thuốc ổn định tâm trạng hay thậm chí là thuốc chống loạn thần. Thậm chí, người bệnh cần phải thử nhiều loại thuốc trước khi tìm ra được phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Để chữa dứt hưng cảm, bệnh nhân và người nhà cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tìm giải pháp chứ không nên tự ý cắt thuốc sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.