1. Vị trí của Phổi
Phổi người nằm ở vị trí nào? Phổi nằm bên trong lồng ngực, được bao bọc bởi xương sườn, xương ức, xương đòn và các cơ bám, phía dưới có cơ hoành ngăn phổi với các cơ quan trong vùng bụng như gan, lách, dạ dày.
Phổi người nằm bên nào? Mỗi người gồm có hai phổi là phổi phải và phổi trái, nằm trong hai ổ màng phổi. Giữa hai phổi là khí quản, được coi là ống dẫn khí chính của phổi. Khí quản phân ra hai nhánh phế quản phải và trái đi vào hai phổi. Tim nằm giữa hai phổi, lệch về phía trái.
2. Cấu tạo của Phổi
2.1 Cấu tạo hình thể ngoài của phổi
- Phổi giải phẫu: Phổi là một tạng xốp, đàn hồi, có dạng nửa hình nón, treo trong khoang màng phổi bởi cuống phổi và dây chằng phổi. Thể tích phổi thay đổi nhiều theo lượng khí chứa bên trong. Phổi người có thể chứa tới 4500-5000ml không khí. Phổi trẻ em có màu hồng, phổi người lớn có màu xanh biếc hoặc xám.
- Phổi người nặng bao nhiêu? Trọng lượng phổi của trẻ sơ sinh là 50-60g, tổng số phế nang là 30 triệu. Ở người trưởng thành, trọng lượng phổi trung bình 300-475g, số phế nang khoảng 300 triệu.
- Mỗi người có hai phổi. Phổi bên trái có 2 thùy là thùy trái – trên và thùy trái- dưới. Phổi bên phải có 3 thùy là thùy phải- trên, thùy phải- giữa và thùy phải- dưới.
- Mỗi phổi có một đỉnh, một đáy và ba mặt ngăn cách nhau bởi các bờ. Mặt sườn của phổi nhẵn, lồi áp vào mặt trong lòng ngực, có các vết ấn lõm của xương sườn. Mặt trung thất hay còn gọi là mặt trong, lõm sâu do có ấn tim. Ở sau, trên ấn tim có rốn phổi. Rốn là nơi các thành phần tạo nên phổi đi vào và đi ra phổi. Mặt hoành hay bề mặt của đáy phổi lõm, úp lên vòm cơ hoành, qua cơ hoành liên quan đến mặt trên của gan, nên mủ của áp xe gan có thể cỡ qua cơ hoành lên ổ màng phổi gây viêm nhiễm phổi.
- Đỉnh phổi là đỉnh tròn, nhô lên vào nền qua lỗ trên của lồng ngực. Động mạch dưới đòn chạy vắt ngang trước đỉnh màng phổi, ở sau đỉnh màng phổi là hạch giao cảm cổ ngực.
2.2 Cấu tạo hình thể trong của phổi
Phổi được tạo nên từ toàn bộ các nhánh phân chia trong phổi của phế quản chính, động mạch và tĩnh mạch phổi, động mạch và tĩnh mạch phế quản, bạch huyết và các sợi thần kinh của đám rối phổi, mô liên kết xen giữa các thành phần trên và bao quanh phổi.
Sự phân chia của phế quản chính ở trong phổi: ở ngang đốt sống ngực IV khí quản tách ra thành phế quản chính phải và trái, tạo thành một góc khoảng 700. Phế quản chính phải ngắn hơn, to hơn và chếch hơn so với phế quản chính trái. Mỗi phế quản chính khi vào phổi sẽ phân chia nhỏ dần tới các phế nang. Sau khi đi qua rốn phổi, mỗi phế quản chính đi trong phổi theo hướng một trục gọi là thân chính. Từ thân chính tách ra thành các phế quản thùy theo kiểu chia nhánh bên. Các phế quản thùy sẽ tách ra các phế quản phân thùy. Các phế quản phân thùy lại phân chia thành các nhánh, các nhánh này lại phân chia nhiều lần thành các phế quản nhỏ dần, trở thành các tiểu phế quản trên tiểu thùy rồi tiểu phế quản tiểu thùy.
- Tiểu thùy là đơn vị cơ sở của phổi, có đáy là hình đa giác hiện lên bề mặt phổi. Vào trong tiểu thùy, các tiểu phế quản tận sẽ chia thành tiểu phế quản hô hấp rồi các ống phế nang, các túi phế nang, cuối cùng là các phế nang. Con người có hơn 300 triệu phế nang. Bao quanh các phế nang là mạng lưới mao mạch. Các khí trong máu và phế nang có thể khuếch tán qua thành các mao mạch và phế nang.
- Về cấu tạo, phế quản được cấu tạo bởi 4 lớp: lớp sụn sợi, không có ở các tiểu phế quản hô hấp; lớp cơ trơn xếp thành thớ ngang khi co thắt đột ngột gây khó thở; lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc có các tuyến phế quản.
- Màng phổi là một bao thanh mạc kín bọc lấy phổi, bao này gồm hai lá: màng phổi tạng và màng phổi thành. Bình thường hai lá của màng phổi áp sát nhau và chỉ tách xa nhau khi có dịch (tràn dịch màng phổi) hoặc khí (tràn khí màng phổi) tràn vào.
2.3 Hệ thống mạch máu và thần kinh của phổi:
- Động mạch phổi phải và trái tách ra từ thân động mạch phổi. Các động mạch này phân chia thành các nhánh thùy, các nhánh phân thùy rồi tiếp tục chia nhỏ dần tới mạng mao mạch quanh phế nang.
- Các lưới mao mạch quanh phế nang tập trung vào tĩnh mạch quanh tiểu thùy, tĩnh mạch nhỏ hợp thành tĩnh mạch lớn dần cuối cùng tạo thành tĩnh mạch phổi trên và dưới ở mỗi bên đổ vào tim
- Thần kinh phổi gồm các đám rối phổi chạy theo phế quản chính, tạo thành một mạng lưới quây xung quanh phế quản, qua rốn phổi vào phổi chi phối cho các cơ, niêm mạc của phế quản cho các phế nang.
3. Chức năng của Phổi
- Nhiệm vụ chính của phổi là trao đổi khí. Các mao mạch của phế nang tạo thành một màng lưới dày đặc làm nhiệm vụ trao đổi khí. Do oxy và CO2 có sự chênh lệch áp suất nên oxy từ phế nang được chuyển vào máu, gắn vào hemoglobin của hồng cầu làm cho máu động mạch có màu đỏ tươi theo hệ thống tuần hoàn đi nuôi cơ thể. Khí CO2 được máu vận chuyển ra phế nang, theo các phế quản thở ra ngoài.
- Bề mặt phế quản và phế nang được bao phủ bởi lớp nhung mao rất mịn và một lớp màng nhầy mỏng.Các chất nhầy giữ bụi, hạt phấn và các chất bẩn. Các nhung mao chuyển động đẩy các bẩn lên, đưa vào thực quản nuốt xuống dạ dày theo nước miếng.
- Lớp tế bào biểu mô phủ lên lòng phế nang, phế quản và tế bào nội mô phủ lên nền mạch có vai trò như một hàng rào ngăn nước và ngăn các phân tử protein đi vào mô kẽ. Mô kẽ là tổ chức liên kết giữa màng phế nang và mao quản. Trong mô kẽ có nhiều các tế bào miễn dịch, giúp tạo kháng thể, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.
- Xác bạch cầu cùng xác vi khuẩn chết được tiết ra ngoài cơ thể dưới hình thức đờm.
4. Các bệnh thường gặp
- Tràn dịch màng phổi
- Lao phổi
- Ung thư phổi
- Áp xe phổi
5. Những vấn đề cần lưu ý
- Tập thể dục, chơi các môn thể thao, không hút thuốc, tránh những nơi môi trường ô nhiễm để giữ phổi được khỏe mạnh.
- Chế độ ăn phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe phổi. Các thực phẩm tốt cho phổi như: bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, cả rốt, rau chân vịt măng tây, trái cây chứa nhiều vitamin C, tỏi, gừng, tỏi…
- Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, khạc đờm,…phải đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Nguồn: Vinmec