Cấu tạo và chức năng của ruột non

1. Vị trí của Ruột non

Ruột non dài khoảng 5-9m, trung bình 6.5m, là đoạn dài nhất của ống tiêu hóa, đi từ môn vị của dạ dày đến góc tá- hỗng tràng. Ruột non gồm ba phần là tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.

Tá tràng (duodenum):

  • Tá tràng là phần đầu của ruột non, đi từ môn vị (ở ngang sườn phải đốt sống lưng thứ nhất) đến góc tá- hỗng tràng (ở ngang sườn trái đốt thắt lưng thứ II).
  • Tá tràng dài khoảng 25cm, uốn cong hình chữ C hướng sáng trái và ôm quanh đầu tụy. Tá tràng đi theo một đường gấp khúc gồm bốn phần: trên, xuống, ngang và lên.
  • Phần trên từ môn vị chạy lên trên, sang phải và ra sau ở sườn phải thân đốt sống lưng I. Phần trên có đoạn đầu hơi phình to gọi là bóng tá tràng hay hành tá tràng (ampulla), và di động giữa các mạc nối.
  • Phần xuống: chạy xuống ở bên phải đầu tụy, dọc theo bờ phải các thân đốt sống lưng I-III. Phần này ở trước và dính với phần trong mặt trước thận phải. Chỗ gấp góc giữa phần trên và xuống gọi là góc tá tràng trên.
  • Phần ngang: chạy ngang từ phải sáng trái ở dưới đầu tụy, bắt chéo trước tĩnh mạch chủ dưới, thân đốt sống lưng II và động mạch chủ bụng. Chỗ gấp góc giữa phần xuống và phần ngang của tá tràng gọi là góc tá tràng dưới.
  • Phần lên: chạy lên dọc bờ trái động mạch chủ bụng và tận cùng tại góc tá hỗng tràng ở ngang sườn trái thân đốt thắt lưng II.

Hỗng tràng và hồi tràng:

  • Hỗng tràng và hồi tràng dài khoảng 6-7m, 4/5 đoạn ở trên gọi là hỗng tràng, ranh giới hai phần không rõ ràng. Chúng uốn thành 14-16 quai hình chữ U bắt đầu từ nơi hỗng tràng liên tiếp với phần trên của tá tràng và tận hết ở chỗ hồi tràng đổ vào manh tràng. Ở trên, các quai chữ U nằm ngang, ở dưới các quai thường nằm dọc. Hỗng tràng và hồi tràng được treo vào thành lưng bởi mạc treo ruột non.
  • Hỗng tràng và hồi tràng nằm trong ổ bụng, dưới đại tràng ngang và mạc trao đại tràng ngang, phía trên là các tạng trong chậu hông bé, hai bên là đại tràng lên và đại tràng xuống. Hỗng tràng- hồi tràng được phủ ở phía trước bởi mạc nối lớn.

2. Cấu tạo của Ruột non

Cấu tạo của ruột non giống như cấu tạo chung của thành ống tiêu hóa gồm 4 lớp: màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc.

  • Màng bọc: màng bọc của tá tràng cố định là phúc mạc ở mặt trước và mô liên kết ở mặt sau . Phúc mạc của hỗng tràng- hồi tràng được kết nối với phúc mạc thành bụng qua một nếp phúc mạc gọi là mạc treo ruột non. Phúc mạc gồm hai lớp là lớp thanh mạc và tấm dưới thanh mạc.
  • Lớp cơ gồm hai lớp cơ trơn. Các sợi cơ của lớp ngoài xếp theo chiều dọc (lớp cơ dọc), các sợi cơ của lớp trong còng quanh thành ống tiêu hóa (lớp cơ vòng). Giữa hai lớp có các mạch máu, mạch bạch huyết và một đám rối thần kinh tự chủ chi phối cho cơ trơn. Lớp cơ tạo các nhu động ruột đẩy các thành phần trong hệ tiêu hóa về phía trước, nhào trộn thức ăn với dịch tiêu hóa. Tại một số điểm trên đường đi, lớp cơ vòng dày lên tạo nên các cơ thắt. Cơ thắt có vai trò làm chậm sự dịch chuyển về phía trước của các thành phần bên trong ống tiêu hóa, giúp cho sự tiêu hóa và hấp thu có thời gian diễn ra.
  • Lớp dưới niêm mạc: là lớp mô liên kết lỏng lẻo chứa các đám rối mạch máu và thần kinh, các mạch bạch huyết và các mô dạng bạch huyết với số lượng khác nhau tùy từng loại. Các mạch máu bao gồm các tiểu động mạch, các mao mạch, các tiểu tĩnh mạch. Đám rối thần kinh trong lớp này là đám rối dưới niêm mạc, có vai trò chi phối cho niêm mạc.
  • Lớp niêm mạc có chức năng bảo vệ, tiết dịch và hấp thu. Ở ruột non, niêm mạc là lớp tế bào thượng mô trụ xen kẽ với tế bào tiết nhầy. Ở dưới bề mặt của thượng mô trụ có những tuyến đổ dịch tiêu hóa vào lòng ống tiêu hóa.

Niêm mạc ruột non có nhiều nếp gấp hình van, bề mặt niêm mạc được bao phủ bằng những nhung mao. Mỗi mm2 niêm mạc có khoảng 20-40 nhung mao. Mỗi nhung mao là một chỗ lồi lên hình ngón tay, được bao phủ bởi một lớp tế bào biểu mô hình cột. Bờ tự do của các tế bào biểu mô của nhung mao lại chia thành những vi lông mao nên làm tăng diện tích hấp thu của ruột non lên đến 250-300 m2 . Trong mỗi nhung mao có một mạng lưới mao mạch và mạch bạch huyết. Các tế bào ruột sẽ bị rơi vào lòng ruột và được thay thế bằng các tế mới, tốc độ luân chuyển của tế bào ruột là 1-3 ngày.

Mạch máu và thần kinh ở ruột non:

  • Động mạch: hỗng tràng và hồi tràng được cung cấp máu bởi 15-18 nhánh của động mạch mạc treo tràng trên.
  • Tĩnh mạch: các tĩnh mạch đi kèm động mạch rồi đổ vào tĩnh mạch mạc treo tràng trên.
  • Bạch huyết đổ vào các hạch tạng treo tràng (nodi lymphatici viscerales mesenteric)
  • Thần kinh gồm các nhánh tách ra từ đám rồi mạc treo tràng trên (plexus mesentericus superior).

3. Chức năng của Ruột non

Chức năng ruột non là gì? Nhờ diện tích hấp thu lớn cùng với cấu trúc đặc biệt của niêm mạc ruột mà ruột non là nơi xảy ra sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn chính của cơ thể.

  • Ở ruột non, thức ăn được nhào trộn với dịch tụy, dịch mật và dịch ruột. Các kiểu vận động của thành ruột hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa gồm có: vận động lắc lư, co bóp phân đoạn, co bóp nhu động, vận động của nhung mao.
  • Dưới sự tác động của các men tiêu hóa, các thức ăn là protein, lipid, glucid được tiêu hóa thành những sản phẩm cuối cùng có thể hấp thu được là các acid amin, monosaccarid, acid béo và các glycerol. Các chất dinh dưỡng được hấp thu qua thành ruột, theo các đường tĩnh mạch về gan, sau đó theo tĩnh mạch chủ dưới về tim.
  • Lượng dịch được hấp thu hàng ngày khoảng 8-9 lít bao gồm dịch tiêu hóa và dịch của thức ăn, khoảng 77.5 lít được hấp thu ở ruột non, còn lại xuống ruột già.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *