Tuyến nước bọt hoạt động thế nào?

1. Vị trí của Tuyến nước bọt

Nước bọt là một hỗn hợp gồm chất nhầy và chất dịch, chứa enzyme ptyalin hỗ trợ tiêu hóa và lysozyme giúp diệt khuẩn bảo vệ vùng miệng khỏi nhiễm trùng. Trung bình mỗi ngày các tuyến nước bọt ở người tiết ra khoảng 150 – 1300ml nước bọt, lượng và độ nhầy của nước bọt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (hóa học, cơ học, tâm lý, thần kinh).
Tuyến nước bọt nằm ở đâu? Xét về vị trí, hệ thống tuyến nước bọt ở người nằm xung quanh vùng khoang miệng. Các tuyến này đổ vào miệng và nằm rải rác khắp niêm mạc của miệng, đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của chu trình xử lý thức ăn.

2. Cấu tạo của Tuyến nước bọt

Về cấu tạo, tuyến nước bọt thuộc loại tuyến ngoại tiết có ống tuyến và nang tuyến có vai trò sản xuất nước bọt:

Nang tuyến nước bọt

Các tế bào chế tiết hợp lại thành nang tuyến và đổ vào hệ thống ống tuyến. Nang tuyến nước bọt bao gồm ba loại: nang nhầy, nang nước và nang hỗn hợp tùy thuộc vào loại tế bào chế tiết của nang. Mỗi nang gồm một hàng tế bào được bao quanh bởi màng đáy, bên ngoài là tế bào cơ – biểu mô có nhiệm vụ co bóp để đẩy nước bọt vào ống tuyến.

Ống tuyến nước bọt

Các ống tuyến nhỏ sẽ hợp lại để tạo thành ống gian tiểu thùy, ống gian thùy, đến ống chính và đổ vào miệng. Thành ống tuyến lớn sẽ giống với biểu mô niêm mạc miệng, biểu mô lát tầng không sừng hóa.

Các ống tuyến nước bọt hoạt động được nhờ nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu do sự nhu động co bóp nhịp nhàng của cơ xung quanh ống. Số lượng, thành phần và độ pH của nước bọt thay đổi tùy theo độ tuổi và các nguyên nhân thứ phát. Khi có rối loạn phản xạ thần kinh thì cơ chế tiết nước bọt theo phản xạ có điều kiện sẽ bị mất cân bằng dẫn đến cơ chế giảm hoặc tăng tiết.

3. Phân loại tuyến nước bọt

Tuyến nước bọt bao gồm 3 đôi tuyến lớn là tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến nước bọt dưới lưỡi. Ngoài ra còn có tuyến nước bọt phụ nằm rải rác ở niêm mạc miệng, tập trung nhiều ở môi dưới, hai bên lưỡi và dưới lưỡi.

Tuyến nước bọt mang tai

Tuyến nước bọt mang tai là tuyến nước bọt nhầy, có kích thước lớn nhất trong các tuyến nước bọt.

Vị trí tuyến ở góc hàm và kéo dài lên ngang xương má ngay phía trước tai. Mỗi tuyến mang tai bao bọc ngành trên xương hàm và tiết ra nước bọt thông qua ống Stensen (hoặc Stennon) đổ vào trong miệng để hỗ trợ cho việc nhai, nuốt và bắt đầu quá trình tiêu hóa thức ăn.  

Tuy là tuyến lớn nhất nhưng tuyến nước bọt mang tai chỉ sản xuất khoảng 1/4  tổng số lượng nước bọt tiết ra hàng ngày

Tuyến nước bọt dưới hàm

Là tuyến nước bọt lớn thứ hai sau tuyến nước bọt mang tai, là tuyến hỗn hợp có ống tiết là ống Wharton.

Đúng như tên gọi, tuyến nước bọt dưới hàm nằm ở dưới hàm bên dưới các răng sau và các tuyến dưới lưỡi; nằm ở dưới lưỡi trên sàn miệng.

Về kích thước, mỗi tuyến nặng khoảng 15 gram và đóng góp khoảng 60 – 67% thể tích nước bọt lúc không bị kích thích. Khi được kích thích khả năng tiết nước bọt của tuyến hàm dưới giảm xuống và gia tăng khả năng tiết nước bọt của tuyến mang tai lên đến 50%.

Tuyến nước bọt dưới hàm tiết nước bọt ra miệng qua lỗ Wharton (có thể nhìn thấy bằng mắt thường) ở sàn lưỡi dưới chân của răng cửa hàm dưới.

Tuyến nước bọt dưới lưỡi

Tuyến dưới lưỡi là tuyến nước bọt hỗn hợp, bao gồm rất nhiều tuyến nhỏ nằm ngay dưới lưỡi trong khoang miệng. Các tuyến dưới lưỡi chủ yếu tiết ra chất dịch chứa ptyalin giúp phân giải tinh bột thành thứ đường thực phẩm.

4. Chức năng của Tuyến nước bọt

Các tuyến nước bọt tham gia tích cực nhiều quá trình và đóng nhiều vai trò quan trọng như: Tiêu hoá thức ăn, bài tiết, chống quá trình lên men, viêm nhiễm, điều tiết môi trường miệng.

Vai trò tiêu hóa

  • Nước bọt giúp làm ướt thức ăn khô, làm mềm thức ăn trong quá trình nhai. Dịch nhầy trong nước bọt được trộn lẫn vào thức ăn và có tác dụng như một chất làm trơn giúp chúng ta nuốt xuống họng dễ dàng hơn.
  • Trong nước bọt có enzyme ptyalin giúp thủy phân tinh bột trong thức ăn tạo thành các loại đường maltose, glucose kích thích vị giác và tạo cảm giác ngon miệng hơn khi ăn. Đồng thời còn giúp pha loãng các vị chua, ngọt, đắng, cay giúp món ăn dễ ăn hơn, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa.

Vai trò bảo vệ

  • Nước bọt giúp trung hòa độ acid và cuốn trôi vi khuẩn, tạo pH kiềm, hỗ trợ tái khoáng men răng, và có các chất diệt khuẩn, kháng thể để giữ chất ngà cho răng.
  • Trong nước bọt tiết ra từ tuyến mang tai có chất ức chế hoạt tính của virus quai bị và hạn chế sự phát triển của chúng.
  • Nước bọt có vai trò cầm máu nhất định. Khi khoang miệng bị tổn thương hoặc nhổ răng bị chảy máu, nước bọt sẽ nhanh chóng cầm máu và bít miệng vết thương hiệu quả.
  • Các chất vô cơ và hữu cơ có trong nước bọt giúp phát huy vai trò chống vi khuẩn hiệu quả, giảm nguy cơ mắc viêm lợi, viêm họng, sâu răng…

Vai trò bài tiết

  • Những chất ngoại lai đưa vào cơ thể có thể được tìm thấy trong nước bọt
  • Chất nhầy trong nước bọt giúp khoang miệng luôn mềm mại, không bị khô rát khó chịu.

5. Các bệnh thường gặp

  • Viêm tuyến nước bọt
  • Ung thư tuyến nước bọt
  • U tuyến nước bọt

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *