Đặt catheter tĩnh mạch rốn

1. Tổng quan về Đặt catheter tĩnh mạch rốn

  • Tên khoa học: Đặt catheter tĩnh mạch rốn
  • Tên thường gọi :  Đặt ống thông tĩnh mạch rốn sơ sinh
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật

Tĩnh mạch rốn thường chưa đóng trong những ngày đầu sau đẻ nên khá dễ tiếp cận, đặc biệt trong trường hợp cấp cứu. Đối với trẻ dưới 1000gr thì đặt catheter tĩnh mạch rốn là cần thiết ngay trong ngày đầu sau sinh. Đặt ống thông (catheter) tĩnh mạch rốn là kỹ thuật dùng 1 ống thông đặt vào tĩnh mạch rốn, được tiến hành ở trẻ sơ sinh trong các trường hợp trẻ cần đặt 1 đường truyền tĩnh mạch giúp điều trị, nuôi dưỡng và theo dõi trẻ.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Khi cần lấy đường truyền tĩnh mạch cấp cứu
  • Trẻ sơ sinh cần nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, trẻ sơ sinh bị suy tuần hoàn 
  • Theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm
  • Thay máu toàn phần hay bán phần
  • Cần đường truyền trung tâm trong thời gian trong những ngày đầu ở trẻ thấp cân
  • Khi cần đường truyền dịch có nồng độ đường trên 5%
  • Khi trẻ cần truyền nhiều loại dịch và thuốc mà nếu lấy đường ngoại biên thì phải lấy nhiều hơn 1 đường truyền

Chống chỉ định:

  • Viêm rốn
  • Thoát vị rốn omphalocele hoặc thoát vị qua khe hở thành bụng (gastroschisis).
  • Viêm phúc mạc
  • Viêm ruột hoại tử
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Giúp chẩn đoán, theo dõi, điều trị kịp thời, chính xác và hiệu quả trong hồi sức suy tuần hoàn ở trẻ sơ sinh để truyền thuốc cấp cứu suy tuần hoàn.
  • Giảm số lần dùng an thần, giảm đau đớn và stress, giảm phơi nhiễm với nhiễm trùng; theo dõi được huyết áp động mạch liên tục, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm giúp sử dụng thuốc cấp cứu chính xác, an toàn, hiệu quả.

Nhược điểm:

Đặt catheter tĩnh mạch rốn cần được thực hiện ngay trong những ngày đầu sau sinh.

4. Quy trình thực hiện – Đặt catheter tĩnh mạch rốn

  • Bước 1: Đặt trẻ nằm ngửa trong giường sưởi hoặc lồng ấp, có thể cố định tay chân trẻ. Sát khuẩn rốn và vùng xung quanh bằng bông tẩm cồn i-ốt.
  •  Bước 2: Cố định kỹ tay, chân.
  •  Bước 3: Bộc lộ phần rốn và vùng bụng xung quanh rốn
  •  Bước 4: Sát khuẩn vùng chân rốn, dây rốn và vùng bụng xung quanh rốn.
  •  Bước 5: Chọn Catheter rốn phù hợp với trẻ, nối catheter với chạc 3 và ống tiêm đã được bơm đầy Natriclorua 0,9%.
  • Bước 6:  Bác sĩ sẽ trải săng vô khuẩn lên bụng trẻ, để hở vùng quanh rốn,  thắt một vòng chỉ lỏng quanh chân rốn, dùng dao (hoặc kéo) cắt bỏ 1 phần cuống rốn cách gốc khoảng 1,5 cm. Nếu cuống rốn khô thì cắt sát chân rốn
  •  Bước 7: Luồn catheter vào trong tĩnh mạch hướng về phía đầu như mức đã định, hút ngược ra thấy máu, sau đó bơm 1 lượng dịch nhỏ vào.
  • Bước 8: Dùng chỉ khâu cố định Catheter vào da sát chân rốn hoặc có thể thắt vòng chỉ chân rốn, cố định catheter tĩnh mạch rốn. Dán băng dính vô khuẩn.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

Kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch rốn là kỹ thuật đơn giản, trẻ sau khi đặt catheter tĩnh mạch rốn sẽ sinh hoạt bình thường, số ít sẽ quấy khóc và sẽ nín ngay khi được vỗ về.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Nếu trẻ có dấu hiệu đỏ da hoặc nốt sưng phồng xung quanh rốn thì có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Bất cứ khi nào thấy những dấu hiệu trên, hay thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Lồng ấp trẻ sơ sinh cao cấp có chức năng servo oxygen Giraffe incubator

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Cha mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ sau khi đặt catheter tĩnh mạch rốn để kịp thời thông báo cho bác sĩ ngay khi trẻ có biểu hiện bất bình thường.
  • Trẻ trước khi thực hiện đặt catheter tĩnh mạch rốn cần phải được sát khuẩn rốn và vùng xung quanh bằng bông tẩm cồn i-ốt để tránh nhiễm trùng.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *