Tổng quan bệnh Hội chứng nghiện giật tóc
Hội chứng nghiện giật tóc có tên khoa học là trichotillomania là một dạng của rối loạn kiểm soát xung động. Ở hội chứng này, bệnh nhân buộc phải thường xuyên bứt lông hay tóc ra khỏi các vùng như da đầu, lông mày và lông mi. Mặc dù, người mắc chứng bệnh này biết hậu quả, nhưng vẫn không thể kiềm chế bản thân. Khi cảm thấy chán nản, người bệnh sẽ giật tóc để làm dịu bản thân. Kết quả là người bệnh bị hói và tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến ngoại hình cũng như khả năng làm việc.
Hội chứng nghiện giật tóc là một rối loạn tâm lý ảnh hưởng tới 1–2% dân số thế giới. Bệnh gặp ở cả nam và nữ bất kỳ tuổi nào nhưng ở trẻ em hay gặp hơn, nhất là độ tuổi trước khi đi học và tuổi vị thành niên, dậy thì. Ở độ tuổi càng lớn, bệnh gặp ở trẻ gái nhiều hơn ở trẻ trai.
Mức độ giật tóc tùy thuộc vào từng thời điểm nhưng dấu hiệu để chẩn đoán một người mắc hội chứng nghiện giật tóc bao gồm: rụng tóc, không thể kiềm chế bản thân thực hiện những hành vi tổn hại tóc gây nhiều phiền toái đáng kể.
Hội chứng nghiện giật tóc có thể dẫn đến những hậu quả như nhiễm trùng, tổn thương da và rụng tóc vĩnh viễn. Tình trạng rụng tóc và tổn thương da có thể dẫn đến các vấn đề về lòng tự trọng và hình ảnh bản thân. Trong trường hợp cực đoan, một số người có thể tránh giao tiếp xã hội để che giấu việc bị rụng tóc.
Nguyên nhân bệnh Hội chứng nghiện giật tóc
Nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng nghiện giật tóc hiện vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bệnh có thể do những bất thường trong não có liên quan đến khu vực điều khiển cảm xúc, vận động, hình thành thói quen và kiểm soát xung động.
Hội chứng nghiện giật tóc có thể xảy ra vì những nguyên nhân sau:
- Do rối loạn tâm lý: nhổ tóc trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực.
- Do di truyền: đột biến gen.
- Do lo lắng thường xuyên: chiếm tỷ lệ 84% trong số các nguyên nhân gây ra hội chứng nghiện giật tóc. Khi càng lo lắng thì hành vi giật tóc càng trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Trong một số trường hợp, hành động giật tóc giúp xoa dịu cảm xúc, khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
- Do căng thẳng hoặc áp lực: khi một người lo lắng, sức ép lên cơ thể sẽ tăng lên. Cảm giác đau khi kéo tóc có thể giúp giảm tình trạng căng thẳng.
- Do vô thức hoặc mất kiểm soát: lo lắng làm cơ thể mất khả năng kiểm soát hành vi nhận thức, vì vậy cơ chế điều khiển xung động không hoạt động hiệu quả. Không phải tất cả mọi người đều thực hiện hành vi giật tóc một cách có ý thức. Nhiều trường hợp là do thói quen vô thức và thậm chí người bệnh không hề biết điều gì đang diễn ra.
Triệu chứng bệnh Hội chứng nghiện giật tóc
Hầu hết, những người mắc bệnh này chỉ giật tóc khi ở một mình và thường không để cho người khác biết mình mắc bệnh.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Liên tục giật tóc khỏi da đầu, giật lông mày, lông mi và các bộ phận khác của cơ thể.
- Người bệnh không thể ngăn bản thân mình giật tóc.
- Người bệnh cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn sau khi giật tóc.
- Tóc ngắn lại, mỏng hơn, xuất hiện vùng hói trên da đầu hoặc các khu vực khác của cơ thể, bao gồm cả lông mi thưa hoặc thiếu lông mày.
- Người bệnh bị căng thẳng hoặc gặp các vấn đề về tinh thần trong công việc hay cuộc sống do giật tóc.
- Người bệnh có một số hành vi kỳ lạ như kiểm tra các chân tóc, xoay tóc, kẹp tóc giữa các kẽ răng, nhai tóc hoặc ăn tóc.
- Hầu hết người nghiện giật tóc cũng hay kéo da, cắn móng tay hoặc cắn môi.
- Giật lông vật nuôi, búp bê hoặc từ các vật liệu xốp như quần áo hoặc chăn cũng là một trong các dấu hiệu của bệnh.
- Cảm thấy phiền muộn và khó khăn trong công việc, đời sống do thói quen giật tóc. Người bệnh thường cảm thấy xấu hổ và che giấu việc bản thân bị mắc bệnh bằng cách đội nón, mang khăn quàng cổ và đeo lông mi giả.
- Người bệnh có thể nhận thức được hoặc không biết hành vi của bản thân. Triệu chứng giật tóc thường diễn ra khi người bệnh đang thực hiện các hoạt động khác như xem tivi, đọc sách, học bài, nói chuyện điện thoại.
- Trẻ em thường giật tóc ở những nơi dễ đưa tay tới và ở bên phía tay thuận. Vị trí hay gặp nhất là vùng trán-thái dương và vùng đỉnh đầu. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác như vết xước, bầm máu hoặc đỏ da. Nếu tổn thương nang lông nhiều, lặp đi lặp lại có thể để lại sẹo không hồi phục.
- Các biến chứng của tật giật tóc là nhiễm trùng da tại chỗ, viêm bờ mi, đau mạn tính, hội chứng ống cổ tay.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng nghiện giật tóc
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng nghiện giật tóc như:
- Gia đình có người thân mắc hội chứng nghiện giật tóc.
- Tuổi tác: chứng nghiện giật tóc thường gặp ở bệnh nhân trước hoặc trong độ tuổi dậy thì, thường là khoảng 11-13 tuổi và có thể trở thành vấn đề kéo dài. Trẻ sơ sinh cũng có thể dễ bị bệnh, nhưng thường nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
- Những cảm xúc tiêu cực: với nhiều người, giật kéo tóc là để đối phó với những cảm xúc tiêu cực hoặc không thoải mái như lo âu, căng thẳng, cô đơn, mệt mỏi hay thất vọng.
- Tự cảm giác tích cực: người bệnh cảm thấy việc giật tóc giúp mang lại cảm giác thỏa mãn nên tiếp tục giật tóc để duy trì những cảm xúc tích cực đó.
- Rối loạn khác: bệnh nhân cũng có thể mắc các rối loạn khác như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Phòng ngừa bệnh Hội chứng nghiện giật tóc
Triệu chứng của bệnh là tự phát và không có cách nào có thể ngăn chặn chứng bệnh này. Tuy nhiên, người bệnh cần kiểm soát các hành vi tiềm ẩn và điều trị bệnh ngay khi có các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh cần học cách quản lý căng thẳng để giúp tránh tình trạng nghiện giật tóc về sau.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng nghiện giật tóc
Bác sĩ sẽ chẩn đoán hội chứng nghiện giật tóc bằng cách:
- Kiểm tra lượng tóc bị mất đi.
- Thảo luận về tình trạng rụng tóc và tìm nguyên nhân.
- Loại bỏ các nguyên nhân giật tóc hoặc rụng tóc thông qua các xét nghiệm lâm sàng.
Tiêu chuẩn để chẩn đoán hội chứng nghiện giật tóc bao gồm:
- Xuất hiện hành vi giật lông, tóc trên cơ thể đi kèm với thôi thúc hoặc cảm giác căng thẳng trước khi giật tóc.
- Giật tóc mang lại sự hài lòng và nhẹ nhõm.
- Có cảm giác bớt “ngứa” khi vừa giật tóc.
- Cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi với công việc và xã hội.
Các xét nghiệm có thể thực hiện giúp chẩn đoán hội chứng nghiện giật tóc bao gồm:
- Thử nghiệm giật tóc âm tính.
- Soi dưới đèn Wood không thấy dấu hiệu nhiễm nấm.
- Soi da đầu dưới đèn soi da có thể thấy: giảm mật độ tóc, tóc gãy với các độ dài khác nhau, đầu mút của sợi tóc bị chẻ, có bột tóc, các sợi tóc tơ ngắn.
- Hình ảnh mô bệnh học cho thấy sợi tóc ở giai đoạn phát triển (catagen), sợi tóc bị loạn dưỡng, trung bì không bị viêm hoặc chỉ viêm nhẹ, các thân tóc bị gãy, nang lông có các nút có bản chất là mảnh vỡ của chất sừng, chất melanin.
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng nghiện giật tóc
Một số người mắc bệnh nhẹ có thể kiểm soát được nhưng cũng có nhiều người không thể kiềm chế được ham muốn kéo giật tóc.
Hội chứng nghiện giật tóc là một bệnh mạn tính, nhưng ngày nay, đã có nhiều biện pháp hữu hiệu để điều trị và kiểm soát hội chứng này. Một số phương pháp điều trị đã giúp nhiều bệnh nhân giảm giật tóc và có thể khỏi hoàn toàn bao gồm:
- Liệu pháp tâm lý thay đổi hành vi giật tóc: là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị bệnh này.
Với phương pháp này, trước hết bệnh nhân sẽ học cách xác định thời gian cụ thể và địa điểm mà người bệnh muốn giật tóc.
Người bệnh cũng sẽ học cách thư giãn và tham gia một số hoạt động để giúp giảm bớt căng thẳng khi có ham muốn giật tóc.
Người bệnh có thể kết hợp các bài tập này với các bài tập hỗ trợ cảm xúc.
- Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc (là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) dùng trong điều trị các rối loạn tâm lý khác như trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) để điều trị chứng nghiện giật tóc.
- Nắm chặt tay: nhiều người có thói quen giật tóc khi tay không hoạt động hoặc trong trạng thái thư giãn. Vì vậy, người bệnh được khuyên nên nắm chặt hoặc không duỗi bàn tay thường dùng giật tóc để hạn chế hành vi giật tóc.
- Luyện tập suy nghĩ tích cực: những suy nghĩ tiêu cực về bản thân có thể dẫn đến hành vi giật tóc do tâm lý lo lắng và căng thẳng. Liệu pháp điều trị cũng có thể tập trung giải quyết những suy nghĩ không có lợi, nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin để giảm bớt sự thôi thúc hành vi giật tóc.
- Cần giáo dục, tư vấn tâm lý cho các bệnh nhân có tật giật tóc. Ở trẻ em cần có sự giúp đỡ của bố mẹ: cắt tóc ngắn sát da đầu, mang bao tay, nhẹ nhàng nhắc nhở hành vi khi thấy trẻ giật tóc.
Ở những trẻ còn nhỏ, tật giật tóc thường lành tính và có thể tự giới hạn, tự hết. Ở trẻ vị thành niên và ở người lớn, bệnh có xu hướng mạn tính, liên quan tới nhiều rối loạn tâm lý khác.
Nguồn: Vinmec